Đau xé lòng câu nói của bé gái không cha mắc bệnh: "Hay con chết, mẹ để tiền nuôi em"

Ngày 02/12/2019 00:10 AM (GMT+7)

Ngày đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu, nghe bác sĩ bảo phải đóng tạm ứng 25 triệu đồng vì bệnh tình đã quá nguy kịch, ông bà chỉ biết gạt nước mắt xin đưa cháu trở về vì không có khả năng chi trả.

Những đứa trẻ bị cha ruồng bỏ từ lúc chưa chào đời

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Trà Vinh, vì gia cảnh khó khăn, chị Trần Thị Hồng Đào (25 tuổi) phải khăn gói theo cha mẹ, dắt díu các em lên Sài Gòn mưu sinh. Ít học, lại không có vốn liếng làm ăn, Đào làm đủ mọi nghề để có tiền phụ giúp gia đình: từ phụ hồ, bán vé số, bán rau, củ thuê ngoài chợ. 

Mối tình đầu của cô gái 18 tuổi bán khoai cùng người thanh niên khuân vác chớm nở trong cái lạnh bên mái hiên một buổi chiều mưa. Cuộc gặp gỡ định mệnh và tình yêu ngây thơ của tuổi mới lớn không đủ để dệt nên mối duyên vợ chồng chính thức khi vấp phải sự ngăn cấm từ phía gia đình chồng: "Nhà nó nghèo không có mồng tơi để rớt", chị Đào rưng rưng nước mắt thuật lại câu nói khinh bỉ của gia đình chồng ngày trước. 

Bất chấp sự phản đối của cha mẹ, người thanh niên vì yêu nên quyết tâm sống chung với chị Đào. Không hôn thú, không một đám cưới đàng hoàng cho đủ mặt 2 bên, chị và anh dọn về thuê một căn phòng trọ, cùng nhau vui vẻ chấp nhận cảnh nghèo. Thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, mối tình đổ vỡ ngay khi người phụ nữ biết tin mình mang thai đứa con đầu lòng - bé Trần Thị Thuỳ Dương (7 tuổi). 

Đau xé lòng câu nói của bé gái không cha mắc bệnh: amp;#34;Hay con chết, mẹ để tiền nuôi emamp;#34; - 1

Chị Đào cùng 2 con.

Con gái vừa tròn 7 ngày tuổi, chị bị người đàn ông đầu ấp tay gối bạo hành khi anh ta có người phụ nữ khác. Gạt nước mắt tủi nhục, chị Đào ôm con về lại nương nhờ cha mẹ - những người vốn cũng chẳng khấm khá và đỡ cực nhọc hơn là bao. Bé Dương chỉ biết mỗi tình thương của mẹ ngay từ khi mới lọt lòng, phần họ tên cha trong khai sinh phải để khuyết, kí ức về cha trong em là trang giấy trắng tinh như chính cuộc đời em trước khi gặp biến cố.

Về sống chung cùng cha mẹ trong căn phòng trọ chưa đầy 20 mét vuông mà 5 con người ruột thịt phải nhường nhau từng ô gạch để duỗi cho thẳng người mỗi khi ngủ. Thương cha mẹ, thương 2 em, chị Đào đành cho con cai sữa khi mới mấy tháng tuổi, nộp hồ sơ xin làm công nhân để kiếm tiền mua thêm con cá, bó rau cho gia đình.

5 năm sau, chị gặp người đàn ông thứ 2 của đời mình. Bi kịch lại 1 lần nữa lặp lại, chị  bị chính người đàn ông yêu thương, đánh đập, chửi mắng thậm tệ. Lúc mang thai đứa con trai 7 tháng, người đàn ông một mực bắt chị phá thai. Không đồng ý, họ đành tâm vứt bỏ lại người phụ nữ của mình cùng đứa con chưa một lần nhìn mặt. 

Đau xé lòng câu nói của bé gái không cha mắc bệnh: amp;#34;Hay con chết, mẹ để tiền nuôi emamp;#34; - 2

Mái tóc dài của Dương đã rụng dần khi bắt đầu phát bệnh.

2 đứa trẻ con chị Đào cách nhau 7 tuổi, 1 gái, 1 trai, chúng giống nhau ở chỗ đều mang chung một số phận nghiệt ngã: bị ruồng bỏ bởi chính người tạo ra mình, chưa một lần được gọi tiếng "cha" và khai sinh phải mang họ mẹ. Khoảnh khắc cô bé Thuỳ Dương mới 7 tuổi xoa nhẹ đầu bé Minh (mới tròn 7 tháng) rồi cúi miệng thầm thì: "Em ngoan, bú cho giỏi, đừng khóc nhiều, mẹ bệnh, mẹ đau" khiến ai nấy có dịp chứng kiến đều không khỏi nhói lòng.

Mái nhà trọ nghèo có cha mẹ và các em cứ ngỡ đã là chỗ dựa bình yên nhất cho 3 mẹ con chị Đào náu mình sau những bão giông; cứ ngỡ đối với người phụ nữ hết lần này đến lần khác bị hạnh phúc chối bỏ; khoảnh khắc con gái lớn khoanh tay ngoan ngoãn chào mẹ trong bộ đồng phục cũ vào mỗi sáng; khoảnh khắc đứa con trai bụ bẫm ăn trọn vẹn vài muỗng cháo xay, với chị đã là hạnh phúc.

Sẽ là như thế nếu định mệnh cuộc đời không một lần nữa trêu đùa với số phận người đàn bà "trẻ tuổi xuân nhưng già bất hạnh" ấy: bé Dương được phát hiện mắc căn bệnh thận nguy kịch. Chị lại oằn mình với những cơn đau vì hội chứng hẹp van tim. Không có tiền chữa bệnh cho con, dĩ nhiên chị Đào cũng không có khả năng chữa bệnh cho mình.

"Ba con bỏ con rồi"

Đang theo học lớp 2 tại trường tiểu học An Phú Tây, Bình Chánh, bất thình lình cô bé Thuỳ Dương xuất hiện những vết mẩn đỏ chằng chịt trên da, mắt bé bắt đầu mờ dần, mái tóc dài đen nhánh dần rụng hết mảng này sang mảng khác. Không có tiền đi khám, mẹ và ông bà ngoại lại phải đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Đến lúc bệnh trở nặng, bé Dương được đưa vào bệnh viện Ung bướu TPHCM, bác sĩ thông báo bé đã suy thận nặng, lại đang trong giai đoạn thiếu máu, yêu cầu nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM để điều trị. "Ngày đưa cháu vào bệnh viện, bác sĩ bảo phải chuẩn bị khoảng 25 triệu vì bệnh của bé rất nguy kịch, nếu để thêm sợ không qua khỏi. Tôi nghe mà chỉ biết buông thõng 2 tay xin cho cháu về. Nhà nghèo quá, 1-2 triệu tôi còn vay mượn được, 25 triệu không xoay sở nổi nên đành gạt nước mắt xin về", bà Thuỷ, bà ngoại của Dương nói.

Đau xé lòng câu nói của bé gái không cha mắc bệnh: amp;#34;Hay con chết, mẹ để tiền nuôi emamp;#34; - 3

Đơn thuốc của bé Dương.

Chở cháu ngoại về trên xe, 2 vợ chồng bà Thuỷ chỉ biết nấc nghẹn, thương cháu không có cha từ nhỏ, lại mang bệnh hiểm nghèo, thế nhưng con số kia là quá khả năng của 2 vợ chồng chỉ biết chạy cơm từng bữa. Hàng xóm biết tin, thầy cô hay chuyện, người vài chục, người 100 nghìn đồng, bà Thuỷ bàn với chồng bán hẳn chiếc xe máy- phương tiện sinh nhai chính, tất cả gom góp lại vẫn không đủ tiền đóng tạm ứng cho bé Dương.

"Tôi năn nỉ nhờ bệnh viện cho đóng trước rồi sẽ trả số còn lại sau. Thấy cháu cứ oằn mình bởi những cơn đau của bệnh, tôi không cầm lòng nổi", đưa tay chùi nước mắt, bà Thuỷ chỉ tay còn lại vào 2 bàn chân sưng tấy vì phải đi bộ đoạn đường gần 10km mỗi khuya, từ nhà ra chợ đầu mối Bình Điền để làm cá thuê cho chủ sạp.

Hiện tình hình sức khoẻ của Dương khá nguy kịch, thị lực bé giảm sút nhiều, cần phải vào thuốc đều đặn mỗi tháng. "Toa thuốc bác sĩ kê đơn trước 7 ngày, rồi dặn mua thêm cho bé 21 ngày nữa nhưng tôi không có tiền nên chỉ mới mua được thêm 1 tuần. Đợi ông ngoại cháu từ Bến Tre lên lại, có tiền sẽ mua đủ cho Dương uống", bà Thuỷ nói.

Đau xé lòng câu nói của bé gái không cha mắc bệnh: amp;#34;Hay con chết, mẹ để tiền nuôi emamp;#34; - 4

Bé Dương và câu nói nhói lòng: "Hay là con chết, để dành tiền cho mẹ nuôi em"

Riêng về phần chị Đào, căn bệnh hẹp van tim ngày càng rút cạn sức lực của người phụ nữ trẻ. Từ nhà ra đầu hẻm chưa đầy 100 mét, chị Đào phải dừng lại nghỉ mệt 2 lần. Mọi chi phí hiện tại của gia đình phụ thuộc vào đồng lương làm thuê của bà Thuỷ, đứa con gái thứ 4 mới 14 tuổi và người chồng trông nhà thuê ở tận Bến Tre. 

Bà Thuỷ cho biết: "Tôi đi làm ở chợ đầu mối, thường xin cải héo hay cá vụn về để ăn cơm. Bao nhiêu tiền có được, chỉ để dành cho 2 mẹ con Đào chữa bệnh. Nhìn con, nhìn cháu, nhìn máu mủ ruột thịt của mình bệnh tật, dù có phải cực khổ đến mấy tôi cũng cố lo, mang nợ bao nhiêu cũng đành chịu. 

Bé Dương nó còn nhỏ nhưng hiểu chuyện lắm. Mỗi khi có ai hỏi về cha, nó ngây thơ bảo: Ba con bỏ con rồi. Nằm trong bệnh viện, khi các em bé cạnh quấy khóc, Dương liền cất giọng: Các em đừng nhõng nhẽo, các em có cha, chị còn chưa được gặp ba chị bao giờ. Nghe con bé nói, cả phòng bệnh ai cũng rơi nước mắt".

Câu nói của mẹ khiến chị Đào dường như không kìm được cảm xúc, xoa đầu con trong nước mắt, chị Đào cất giọng kể: "Tối qua, con ôm tôi rồi bảo: Hay con chết, để dành tiền cho mẹ nuôi em. Con bệnh hoài, em không có tiền, không được uống sữa".

Đưa bàn tay với đầy vết bầm tím tiêm lên đẩy nhẹ chiếc võng, bé Dương cũng tập tành bắt chước mẹ ru em: "Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẻo, gặp gềnh khó đi. Khó đi chị dắt em đi...".

Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả đến hoàn cảnh của gia đình chị Trần Thị Hồng Đào xin  liên hệ SĐT: 0774822210 (chị Đào)

Hoặc thông qua số tài khoản 0108541940, Ngân hàng Đông Á, chi nhánh TPHCM.

Chủ tài khoản Trần Thị Hồng Đào

Xin chân thành cảm ơn!

Người tài xế bán nhà mua xe cứu thương đi những chuyến xe 0 đồng
Một đêm mưa cách đây 2 năm, cảnh tượng bên trong căn nhà ọp ẹp khiến người đàn ông với vóc dáng to lớn, có phần bặm trợn với trái tim tưởng chừng gai...
YẾN NHI
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động