Chú lính chì Phú Lộc và câu nói lạc quan: "Còn một chân, em vẫn còn đứng vững”

Ngày 20/10/2019 00:10 AM (GMT+7)

12 tuổi, chỉ còn một chân, chống chọi với căn bệnh ung thư nhưng tận sâu bên trong thân hình gầy nhom, mái đầu thưa tóc là khát khao sống dồi dào, ngỡ như không nỗi đau nào có thể quật ngã.

“Không biết lúc nào con đi…”

Hành lang khoa Nhi Bệnh viện Ung bướu TPHCM một ngày mưa tháng 10, giữa hình những chiếc áo blouse trắng của bác sĩ tất tả bước vào phòng bệnh, những tiếng khóc, kêu đau của các bệnh nhi tay cắm dịch truyền ngày đầu vào nhập viện, cái bóng “nhấp nhô” của cậu bé Lữ Phú Lộc (12 tuổi) như một nốt lặng giữa không gian chộn rộn, điểm xuyết thêm sự tĩnh mịch, buồn bã của buổi chiều buồn. 

Nhấp nhô là vì cái bóng em đổ xuống sàn không trọn vẹn, vì thiếu cân bằng, dù cũng đang mang trong mình căn bệnh quái ác đang bòn rút từng hơi thở, từng mảnh thịt, miếng da như những bệnh nhi khác tại khoa, nhưng khác ở chỗ, em chỉ có một chân. Nỗi đau của căn bệnh ung thư xương là cơn đau nhức sâu vào tận tủy, là những bước đi buốt tận tâm can, mà hệ quả để lại khiến cậu bé 12 tuổi - cái tuổi đáng ra được vui chơi, học tập, được khám phá phải gạt nước mắt cắt đi một bên chân trái để giữ lại tính mạng của mình.

Chú lính chì Phú Lộc và câu nói lạc quan: amp;#34;Còn một chân, em vẫn còn đứng vững” - 1

Đôi mắt sáng và gương mặt thông minh của Lộc.

Hướng mắt về phía con, anh Lữ Quốc Chiếm (ngụ khóm Cái Nai, thị trấn Nam Căn, Cà Mau) ngậm ngùi cho biết anh và vợ có hết thảy là 4 người con. Lộc là con thứ 2 trong gia đình, đứa con đầu đã mất vì không có điều kiện đưa đến bệnh viện kịp lúc để điều trị sốt xuất huyết. Gia cảnh khó khăn, anh và vợ đều đi làm thuê, chạy xe ôm, nhà không có đất canh tác.

Cách đây 3 năm, dù nghe Lộc cứ than đau xương mỗi khi đi lại nhưng cứ nghĩ con bị đau nhức thông thường, anh chỉ mua thuốc cho con uống. Cơn đau không thuyên giảm mà ngày một trầm trọng hơn. Thế nhưng khi đưa đến bệnh viện địa phương, bé Lộc lại được chẩn đoán viêm xương và tiếp tục được cho uống thuốc. Để tới khi  2 chân của cậu bé 9 tuổi sưng to, đau nhức, bác sĩ thông báo bé đã bị ung thư xương và yêu cầu tức tốc đưa lên bệnh viện tại TPHCM.

Chú lính chì Phú Lộc và câu nói lạc quan: amp;#34;Còn một chân, em vẫn còn đứng vững” - 2

Lộc trong buổi khai giảng tại Bệnh viện Ung bướu vào ngày 9/9 mới đây.

Vừa bước xuống xe, chưa kịp bâu vào cổ để ba cõng vào trong, bé Lộc té ngã gãy chân ngay trước phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1. “Bác sĩ bảo tình trạng của bé đã rất nguy kịch, nếu không cắt bỏ chân trái thì sẽ không giữ được tính mạng. Nhìn con khi đó mới 9 tuổi, nghĩ tới bộ đồng phục ở trường, ôm con vào lòng, tôi bật khóc. Nhưng không còn cách nào khác nữa, tôi đành gật đầu, đồng ý để bác sĩ đoạn chi”, anh Chiếm nhớ lại.

Vợ bị bệnh tim bẩm sinh, ba vợ lại đang bị tai biến, sau Lộc còn có 2 em nhỏ, do đó từ lúc con nhập viện, chỉ có mình anh Chiếm túc trực đảm đương.

Những ngày đầu mới phẫu thuật cắt chân, bé Lộc phải ngồi một chỗ. Không có điều kiện mua nạng để cho con tập đi nên hầu như mọi sinh hoạt của con, anh Chiếm một tay lo liệu. Hiện tại, theo lời của anh, bé Lộc đã hóa trị được 30 toa. Bác sĩ cho biết tình hình căn bệnh ung thư xương của bé đã di căn, rất khó tiên lượng.

Dù được bảo hiểm y tế chi trả nhưng mỗi tháng anh phải đóng từ 6-10 triệu đồng tiền mua thêm thuốc, chưa kể tiền ăn uống và sinh hoat của con. “Có khi tới ngày phải mua thuốc, trong túi tôi chỉ còn vài chục ngàn. Tối đến nhìn con ngủ, tôi chỉ biết thầm khóc. Nhiều khi túng quẫn quá, định mang con về, nhưng tôi không làm được. Còn chút hi vọng nào cho con được sống, tôi không thể bỏ cuộc. Hiện tại số nợ mà gia đình đang mang đã ngoài 200 triệu. Tôi chỉ ước mong có tiền để cầm cự tiếp cho con và trả dần dần số nợ. Bác sĩ bảo bệnh bé khó nói lắm, vì đã di căn. Chỉ thấy con cười lúc nào thì vui lúc đấy. Nuôi con hôm nay, không biết mai có còn nhìn thấy hay không nữa. Tôi không biết khi nào phải tiễn con đi...”, anh Chiếm rưng rưng nói.

Chú lính chì Phú Lộc và câu nói lạc quan: amp;#34;Còn một chân, em vẫn còn đứng vững” - 3

Dù chỉ còn một chân nhưng tinh thần lạc quan và ý chí chiến đấu bệnh tật của em luôn khiến nhiều người nể phục.

“Em ổn. Em vẫn còn 1 chân mà...”

Sau khi cắt chi, bé Lộc được chuyển từ Bệnh viện Nhi đồng 1 sang Bệnh viện Ung Bướu để tiếp tục điều trị. 3 mùa khai giảng, 3 mùa trung thu, 3 mùa Tết thiếu nhi, 3 mùa Noel, cậu bé đều đón trong bệnh viện. ¼ quãng thời gian có mặt trên cuộc đời, em lấy sân bệnh viện làm chỗ chạy nhảy vui chơi, cắp cặp sách trên vai, tay đeo dây truyền dịch đến lớp học chữ miễn phí, chiếc giường ọp ẹp trong phòng bệnh em xem là nhà, những bệnh nhi khác là anh chị em. Một đoạn đường tuổi thơ em gắn liền với hành lang bệnh viện.

Mới đây, trong ngày khai giảng tại bệnh viện, hình ảnh Lộc hí hửng chống nạng bước lên bục nhận phần thưởng, một bên ống của chiếc quần đồng phục buông thõng, khiến nhiều người rơi nước mắt. Trái lại ở bên trên, ánh mắt Lộc sáng lên, tựa hồ những ngày đầu tiên được lãnh phần thưởng lúc còn đi học trường làng, ngỡ giây phút ấy em quên mất cơn đau, quên mất nỗi mặc cảm tự ti khiếm khuyết, em say sưa với niềm vui của một đứa trẻ đúng nghĩa, không bệnh tật, không đau đớn, không xót xa.

Chú lính chì Phú Lộc và câu nói lạc quan: amp;#34;Còn một chân, em vẫn còn đứng vững” - 4

Bỏ lỡ buổi học đầu tiên, cậu bé tiếc ngẩn ngơ đứng ngoài nhìn vào trong lớp.

Ngày khai giảng, em được nhiều mạnh thường quân vây quanh, để khi xong cuộc nói chuyện thì buổi học chữ đầu năm cũng kết thúc. Lộc đứng đó, tựa vào cửa của phòng học, thẫn thờ tiếc nuối nhìn các bạn dọn tập sách đứng dậy chào cô. “Em thích học lắm, hôm qua được biết nay là khai giảng, cả đêm em không ngủ được, cứ trông đợi đến sáng để được dự lễ với các cô và bạn bè. Cứ nghĩ là vào bệnh viện sẽ không còn được đi học, nhưng ở đây em vẫn được dự khai giảng hệt lúc ở quê. Em mong sau mau hết bệnh, sẽ về đi học lại. Em muốn làm bác sĩ để cứu nhiều người”, Lộc nói.

Nhìn ánh mắt sáng, thông minh và gương mặt lúc nào cũng chực sẵn nụ cười của Lộc, nhiều người sẽ nhầm tưởng rằng em là cậu bé không biết buồn. Thế nhưng, chính cậu bé ấy đã bật khóc những ngày đầu tiên cầm vào chiếc nạng. Nạng gỗ to, tì vào chân đau buốt, buông ra, em khóc nức nở. Chẳng biết khi ấy em nghĩ gì, có tự than trách số phận cay nghiệt đã giáng xuống cho em căn bệnh quái ác hay không?

Cũng chính cậu bé ấy nhiều buổi chiều nhìn ra ngoài cửa sổ, tay xoa vào phần chỏm cụt nơi đùi trái, 2 hàng nước mắt chảy dài. Em nhớ gì? Nhớ những ngày chiều rong ruổi đá banh nơi triền đê cùng bạn, nhớ những buổi sáng đạp xe đi học í ới gọi nhau, nhớ những trưa chạy vội ra đầu ngõ phụ mẹ khiêng vài túi đồ nặng lúc chợ về? Có khi nào em muốn bỏ cuộc không?

Mang câu hỏi đó đặt với Lộc, hồi hộp đợi em trả lời. Trái lại với lo sợ em sẽ buồn, sẽ bất chợt cảm thấy không vui. Lộc mỉm cười, bảo:  “Không chị ạ, cắt một chân, em vẫn còn một chân. Em vẫn đi học được, vẫn đá bóng, vẫn vui chơi”.

Chú lính chì Phú Lộc và câu nói lạc quan: amp;#34;Còn một chân, em vẫn còn đứng vững” - 5

"Cắt một chân, em vẫn còn một chân. Em vẫn đi học được, vẫn đá bóng, vẫn vui chơi”.

Phòng bệnh của các bệnh nhi tại bệnh viện Ung Bướu ngoài những mũi kim tiêm, ngoài ống dịch truyền, ngoài mùi thuốc sát trùng cay xộc luôn thường trực còn có một nỗi sợ vô hình mà hầu như hết thảy bé nào rồi cũng sẽ trải qua: Cái chết. Những đứa bé đã trở nên ám ảnh khi tận mắt chứng kiến lần lượt những người bạn của mình ra đi khi tay vẫn còn đang truyền dịch, có những đứa trẻ sáng vẫn còn chạy nhảy chơi đùa cùng nhau, chiều đã phải vẫy tay tiễn bạn về bên kia thế giới. Tại đây - nơi thần chết luôn rình rập và chực chờ cướp đi cuộc sống của những ánh mắt ngây thơ, không chỉ cha mẹ, mà những đứa bé như Lộc cũng phải tự tập quen cho mình khái niệm về cái chết. “Em không biết khi chết rồi sẽ thế nào, nhưng em không sợ. Em chỉ sợ cha, mẹ và mọi người phải lo lắng rồi khóc vì em”, câu nói gây ám ảnh của cậu bé 12 tuổi vang vọng, vẽ nên chút ánh sáng tươi đẹp về cuộc đời trong một buổi chiều tà không có nắng.

Hãy trân trọng từng phút giây: Câu chuyện khó quên về cụ ông ung thư của bác sĩ trẻ
"Người ta chỉ hối hận vì những điều mình chưa làm chứ hiếm ai tiếc nuối vì những điều đã trải qua. Do đó, hãy trân trọng từng phút giây, từng cơ hội...
YẾN NHI
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động