Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về”

Ngày 20/10/2019 07:28 AM (GMT+7)

Quyết định nhận nuôi một đứa trẻ bệnh tật khiến Phạm Thùy Linh nhận khá nhiều phản ứng, nhưng cô chưa bao giờ hối hận.

Video: Phạm Thùy Linh chia sẻ về hành trình chăm sóc cho bé Từ Thu Phương.

Ám ảnh ánh mắt đứa trẻ đứng bên ngoài tường rào lớp học

Linh năm nay 28 tuổi, là một cô giáo mầm non ở Hà Nội. Ngoài công việc chính là dạy trẻ, buổi tối cô còn nhận dạy aerobic cho những chị em có nhu cầu. Mỗi tối, Linh thường dẫn theo một bé gái tên Từ Thu Phương 8 tuổi đến nơi mình làm việc.

Kết thúc ca dạy thứ nhất, Linh mới có thời gian tiếp chuyện với chúng tôi. Linh cho biết, dạy aerobic, ngoài thỏa mãn đam mê của bản thân, thì đây còn là công việc để cô kiếm thu nhập trang trải cuộc sống và chăm lo cho bé Phương.

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 1

Linh chia sẻ về cơ duyên gặp bé Phương lần đầu tiên.

Nói về “cơ duyên” gặp và nhận nuôi bé Phương, cô giáo trẻ chia sẻ hơn 1 năm về trước khi đang dạy học, cô thấy một bé gái đứng ngoài tường rào nhìn vào phía trong, nơi những đứa trẻ đang nô đùa ở sân trường.

Hết giờ, Linh ra nơi bé gái đứng và hỏi chuyện. Lần gặp đầu tiên cô không khỏi bất ngờ khi trên gương mặt của bé Phương là những nốt lở loét, sần sùi trông rất đáng sợ.

Linh vẫn còn nhớ như in câu nói đầu tiên của bé Phương với cô: “Cô ơi nhìn mặt con tởm không, nhìn mặt con buồn nôn cô nhỉ”. Thế nhưng, không vì thế mà Linh “bỏ chạy”. Với kỹ năng chăm trẻ của mình Linh đã bắt chuyện, rồi dẫn Phương đi mua bánh kẹo, rồi đưa bé về chỗ người mẹ đang đứng bán bóng bay cách đó không xa, cho hai mẹ con 100.000 đồng.

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 2

Linh ám ảnh trước ánh mắt và nỗi đau bệnh tật mà bé Phương gánh chịu...

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 3

...và sau đó đã quyết định nhận nuôi, dạy học và chữa bệnh cho bé gái này.

Trời sập tối, Linh chào hai mẹ con ra về. Suốt chặng đường về nhà, trong đầu Linh có bao suy nghĩ hỗn độn, ánh mắt của bé Phương khi nhìn vào trường học khiến cô ám ảnh, bứt rứt và chẳng thể yên lòng khi nghĩ về đứa bé ấy.

Những ngày sau khi đến nơi dạy học, Linh vẫn thấy hình ảnh bé Phương ở đó và cô suy nghĩ: “Liệu mình có nên làm gì đó để giúp bé, để bé được đi học và có tương lai”. Nghĩ là làm, Linh ra đặt vấn đề với mẹ bé về việc sẽ nuôi và dạy bé học. “Lúc đó tôi đánh liều hỏi, chứ không nghĩ là sẽ được chấp nhận. Nhưng may quá, mẹ bé đã đồng ý, đó có lẽ là cái duyên”, Linh nói.

Chạnh lòng những câu bóng gió và lời la mắng của người thân

Ngày đầu đưa bé Phương về nhà, Linh không dám nói cho mọi người trong gia đình biết. Khi mẹ của Linh lên phòng phát hiện ra có một bé gái lạ trong nhà, cô đã nói hết suy nghĩ, ý định của mình với mẹ. Vừa nói dứt câu, mẹ Linh đã quát: “Con gái chưa chồng sao lại đưa đứa con bệnh tật về nhà. Định không lấy chồng nữa sao”. Linh cho biết, mẹ cô chỉ đồng ý việc giúp đỡ bằng vật chất cho bé, nhưng không đồng ý để con gái nhận nuôi.

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 4

Ngày đầu mới nhận nuôi bé Phương, Linh nhận không ít lời chỉ trích.

Linh hiểu được những lo lắng của mẹ và chỉ biết nghe những lời trách móc, cô biết có giải thích bất kỳ điều gì lúc ấy cũng chỉ là vô nghĩa. Dù bị trách mắng nhưng Linh vẫn không buông bỏ quyết định của mình. Mọi thứ rồi cũng qua đi, dù mẹ Linh vẫn chưa đồng ý cho nuôi bé Phương, nhưng không còn gay gắt, cấm đoán như trước nữa.

Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, khi biết Linh nhận nuôi một đứa trẻ bệnh tật đầy mình, rất nhiều bạn bè và những người xung quanh cũng góp ý rằng, nên từ bỏ ý định đó đi. Ai cũng nói rằng Linh chỉ nên cho tiền, cho quần áo là quá tốt rồi, vì còn gia đình tương lai phía trước.

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 5

Sau hơn 1 năm được Linh chăm sóc, bé Phương đã thay đổi rất nhiều và cô giáo trẻ chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình.

Có người bảo với Linh rằng, bây giờ có thể không sao nhưng sau này có gia đình thì sẽ to chuyện. Họ còn lý giải cặn kẽ, những người có bầu thường treo những bức tranh em bé xinh đẹp để ngắm, hy vọng sau này con mình sẽ như vậy. Còn Linh, khi có gia đình và có bầu, nếu suốt ngày nhìn và chăm một đứa trẻ bị bệnh lở loét thì sẽ ảnh hưởng đến đứa con trong bụng.

Trong suy nghĩ của Linh lúc đó cũng có đôi chút phân vân, nhưng cô vẫn bảo lưu quyết định của mình và không nhận bất kỳ sự ủng hộ bằng tiền bạc của bất kỳ ai. “Tôi tự làm việc lấy tiền nuôi bé Phương, tôi không muốn mọi người nói rằng tôi nhận nuôi cháu mục đích là để lợi dụng kêu gọi ủng hộ, vì thế tôi không nhận sự ủng hộ của mọi người, dù có lúc trong ví chẳng còn 1 xu”, Linh nói.

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 6

Giờ đây, Linh và bé Phương luôn dính với nhau kể cả lúc đang làm việc.

Sinh nhật đầu tiên và hy vọng về ngày mai tươi sáng

Ngày đầu mới gặp, bé Phương là một đứa trẻ suy dinh dưỡng, mắc bệnh về da liễu và bị cả chứng tăng động. Đến nay sau gần 1 năm chăm sóc dưới bàn tay của cô giáo trẻ, bé Phương đã thay da đổi thịt từng ngày.

Làn da của Phương không còn sần sùi như trước, đôi má cũng hây hây đỏ chứ không còn lở loét chảy mủ... Đặc biệt, bé Phương đã thuộc được bảng chữ cái và đang bắt đầu được Linh cho học chữ.

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 7

Bé Phương giờ đã thuộc hết bảng chữ cái....

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 8

...và rất thích vẽ tranh.

Nhớ lại hành trình làm thay đổi bé gái này, Linh chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Khó khăn vô cùng và bây giờ vẫn vậy” . Khi mới nhận về nuôi, bé Phương không biết tự tắm, vệ sinh không sạch sẽ, nói những lời thô tục, trống không và hay la hét mỗi khi không đồng ý chuyện gì.

Còn giờ đây, nếu ai mới gặp lần đầu sẽ có suy nghĩ rằng bé Phương được giáo dục trong một gia đình nề nếp. Những lời nói, cử chỉ của bé đã thay đổi hoàn toàn, lễ phép, biết kính trên nhường dưới và không “ăn vạ” đòi quà như trước.

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 9

Bé Phương người bạn duy nhất tên Sang trong buổi tổ chức sinh nhật lần đầu tiên từ khi được sinh ra.

Kỷ niệm Linh nhớ nhất đó là ngày sinh nhật của bé Phương hồi tháng 9 vừa qua. Lần đầu tiên từ khi chào đời, bé Phương được tổ chức sinh nhật, được thổi nến và nói lên những điều ước của mình.

Bé Phương không có bạn bè, ngày sinh nhật chỉ có một người bạn duy nhất tên Sang, là con của cô bán nước ở nơi cô dạy thể dục. Dù chỉ có một bạn, nhưng Phương cũng vui lắm vì đây là lần đầu con được thổi nến và ước. Hôm đó, Phương chỉ ước rằng: “Con chỉ mong ngày được ăn 3 bữa cơm”. Có lẽ những ngày tháng khổ cực đã in hằn trong trí óc của bé gái này, nên mọi suy nghĩ đều hướng đến việc được ăn uống, mua sắm.

Chặng đường phía trước còn rất dài, ngay bản thân Linh cũng chẳng biết sẽ nuôi bé Linh được 3 năm, 5 năm hay 10 năm nữa nhưng cô tự hứa với lòng mình rằng sẽ dạy con biết chữ, chữa bệnh cho con để sau này con có tương lai hơn.

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 10

Cô giáo trẻ nuôi bé gái lở loét mặc lời kì thị: “Sao dắt đứa con hoang ở đâu về” - 11

Hai đứa trẻ vui vẻ nô đùa với nhau khiến những người chứng kiến nghĩ tới một tương lai tốt đẹp.

“Sau này khi tôi có người yêu, gia đình thì chồng tôi phải là người hiểu cho quyết định của tôi thì tôi mới lấy”, Linh vừa nói vừa nở nụ cười thật tươi. Còn hiện tại, nếu rảnh thì mỗi sáng Linh lại nhà đến đón Phương (nếu không đón vào 15 giờ) và đến 22 giờ sau khi dạy thể dục xong cô lại đưa Phương về với mẹ đẻ và hôm sau tiếp tục hành trình như vậy...

Tiếng nhạc rộn ràng vang lên giữa sân tập, Linh lại bắt đầu vào ca dạy mới lúc 20 giờ. Cùng thời điểm đó, bé Phương và người bạn nhỏ tên Sang đang cùng nhau nô đùa dưới ánh điện đèn đường.

Trong làn gió se lạnh của mùa thu tiếng cười giòn giã của hai đứa trẻ tuy chẳng thể át đi được tiếng nhạc xập xình nhưng nó cũng khiến những người chứng kiến nhen nhóm tia hy vọng về mội tương lai tốt đẹp phía trước.

Ngày Gia đình Việt Nam của người già vô gia cư: Tôi thèm bữa cơm có đầy đủ vợ chồng...
Bên lề nhịp sống hối hả của mảnh đất Sài thành, có những cuộc đời bị bỏ quên. Họ - những người già vô gia cư đứng đó, bên góc vỉa hè giương đôi mắt...
Lê Phương - Tuấn Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động