Sau khi ly hôn chồng ở tuổi 86, bà Dung cảm thấy tinh thần thoải mái, cuộc sống lạc quan và được là chính mình.
89 tuổi bà Lưu Thị Dung (ở Thái Bình) vẫn rất minh mẫn và hoạt bát. Bà cho biết, suốt 3 năm sống trong Viện dưỡng lão Diên Hồng, mỗi sáng bà duy trì đều đặn việc tập dưỡng sinh. Có lẽ vì thế mà bà vẫn khỏe dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.
Thời điểm đến thăm bà cũng là những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất. Trong căn phòng nhỏ, bà Dung đang cẩn thận gói từng món quà nhỏ để gửi về quê cho những người đồng chí của mình.
Bà Dung ngồi gói cẩn thận những món quà biếu tết gửi về quê.
Đó là những gói chè được ghi rõ địa chỉ và tên người nhận. “Về vật chất chẳng có gì to tát, nhưng đó là tình cảm của tôi gửi gắm tới những đồng chí, người bạn ở quê nhà”, bà Dung nói.
Theo đánh giá của mọi người, bà Dung sống tình cảm, chu đáo và có trách nhiệm với tập thể. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng cuộc sống trước đây của bà trải qua bao gian truân, đó cũng là lý do bà phải vào viện dưỡng lão sống nốt phần đời còn lại.
Những món quà là tình cảm bà gửi tới những người đồng chí ở quê.
Kể về câu chuyện cuộc đời mình bà trầm giọng, ánh mắt hướng ra phía cửa sổ nhìn xa xăm. Hơn 30 tuổi bà Dung mới lập gia đình với 1 người đồng nghiệp hơn bà 3 tuổi và làm cùng cơ quan hồi đó.
Số phận thật trớ trêu khi hai vợ chồng bà không có lấy được một đứa con, dù đã đi chạy chữa khắp nơi cả đông y và tây y. Đến tuổi nghỉ hưu bà nghĩ rằng số phận đã vậy thì đành chấp nhận và hai vợ chồng sẽ dựa vào nhau để sống khi về già.
Thế nhưng, trong cuộc sống hàng ngày bà không hề nhận được sự đỡ đần hay sẻ chia gì từ người chồng. Thậm chí những khi ốm, bà nhờ chồng cắm hộ nồi cơm, rửa hộ cái bát hay giặt giúp chậu quần áo nhưng chồng bà chẳng những không giúp mà còn bày thêm để cho bà dọn.
Nhớ về cuộc sống trước đây bà Dung không cầm được nước mắt.
“Khi tôi ngoài 80 tuổi, sức yếu, đau lưng...Tôi muốn thuê người giúp việc nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Nhiều bữa tôi vừa nấu cơm, giặt quần áo mà đau lưng ứa nước mắt. Từ khi lấy nhau cho đến lúc chính thức ly hôn, ông ấy chưa hề một lần vào bếp nấu cơm, rửa bát. Nhiều lần tôi ốm vẫn phải cố gắng gượng dậy nấu cơm phục vụ chồng”, bà Dung chia sẻ.
Tháng 9/2014, khi bà Dung đã ở tuổi 84 do không thể chịu đựng được cuộc sống suốt đời làm “con ở”, bà đã quyết định gửi đơn ly hôn ra tòa để giải thoát cho chính mình trong những năm tháng còn lại.
Sau hai năm ròng rã đi đi về về để giải quyết các thủ tục pháp lý, nhờ sự trợ giúp của các cháu (cháu họ), năm 2016 bà Dung chính thức bước vào cuộc đời "độc thân" lần nữa. Cũng kể từ khi tòa giải quyết ly hôn, bà quyết định lên Hà Nội vào viện dưỡng lão ở.
Ánh mắt bà Dung đỏ hoe khi nhớ lại thời điểm ly hôn người chồng.
Trước khi chia tay, bà nói với chồng rằng: "Tôi sống khổ lâu rồi, giờ tôi cũng không còn sức đâu phục vụ ông. Tôi xin rút lui, chia tay nhau để mỗi người đi con đường riêng cho thoải mái. Tôi hết thương ông rồi".
Đã 3 năm ở viện dưỡng lão, bà Dung chưa một lần về quê ngày Tết. Cũng chừng ấy thời gian bà không nhận được bất kể một lời hỏi thăm nào của người chồng cũ, cũng như người con riêng của chồng.
Thẳng thắn tâm sự với chúng tôi, bà Dung cho biết từ khi được “giải phóng” bản thân, bà cảm thấy tinh thần thoải mái, lạc quan, được sống là chính mình và làm điều mình thích. “Cuộc sống của tôi bây giờ thảnh thơi và yên bình hơn những tháng ngày trước đây rất nhiều”, bà Dung nói.
Giờ đây bà Dung cảm thấy mình được sống là chính mình và cho chính mình.
Dù ly hôn chồng ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bà Dung chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Giờ đây bà cũng đã có những dự định của riêng mình, đó là ở viện dưỡng lão đến cuối đời và khi nhắm mắt, các cháu họ của bà đã có những sự chuẩn bị trước.
“Cho đến bây giờ cuộc đời tôi vẫn chưa trọn vẹn. Tôi vẫn luôn nói mình là người phụ nữ hai không. Không mẹ (mẹ bà Dung mất khi bà còn rất nhỏ) và mãi mãi không bao giờ được làm mẹ”, bà Dung nói với ánh mắt đỏ hoe.