Đó là nghi thức của Lễ Mật được tổ chức vào ngày 11 và 12 tháng Giêng tại Miếu Đụ Đị, xã Tứ Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội này tôn vinh tín ngưỡng phồn thực, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của dân cư nông nghiệp. Phần phồn thực chính là "giá trị nhất, đặc trưng nhất" của lễ hội này.
Những đặc trưng riêng của lễ hội “Linh tinh tình phộc” đã thu hút rất đông người về tham dự lễ hội. Từ rất sớm, khách tham quan và người dân địa phương đã đứng chật kín sân đình. Một số mang theo ghế, đứng lên tường, trèo lên cây để xem các tiết mục văn nghệ quần chúng và đợi chờ các tiết mục đặc sắc nhất của lễ hội.
Trong lễ hội, hai tiết mục được mong đợi nhất là Trò Trám và Lễ Mật. Trò Trám là tiết mục mang lại tiếng cười nhất bởi những câu hò đối đáp mang đậm tín ngưỡng phồn thực như: “Gặp đây em mới hỏi chàng / Cái gì lủng lẳng một gang trong quần? - Nàng hỏi thì ta thưa rằng / Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay”.
Ông lão râu tóc trắng như cước hai bên hai quang gánh, ngất nghểu vừa đi vừa hát: “Ai ơi chớ bảo tôi già/ Tôi còn gánh nổi cả ba cái lờ”
Ông Nguyễn Văn Tích – vai người đánh đàn chia sẻ: “Tôi tham gia diễn Trò Trám từ năm 1993, trải qua các vai diễn như trai giả gái, người câu cá và giờ là người đánh đàn - chịu trách nhiệm hát tất cả các câu từ ông cung bông, ông thợ mộc, ông đi câu, ông cầm biểu. Những câu từ trong Trò Trám rất hóm hỉnh và vui tươi, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của cha ông ta”.
Tiếng trống vang lên, đoàn diễn viên Trò Trám đi một vòng chào khán giả. Bên cạnh đó là những lời hát bắt đầu của chương trình “Phing phing phing phing, phình phình phình phình”.
Các tiết mục của Trò Trám tiếp nối với những lời ca tiếng hát mang đậm nét văn hóa phồn thực trong sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân.
Thầy đồ dạy các học trò “Chữ trên là trên chữ dưới/Chữ dưới nằm dưới chữ trên/Chữ giữa là giữa xung quanh/Xung quanh là vành chữ giữa”.
Ông Bùi Huy Thông (xã Tứ Xã) tâm sự: “Là người con của xã, chúng tôi rất tự hào khi quê mình có một lễ hội đặc trưng, mang đậm văn hóa của người Việt. Trò Trám phản ánh đời sống văn hóa của người dân nơi đây, mặc dù làm ruộng nhưng có đời sống tinh thần phong phú, giúp xua đi những mệt nhọc của công việc”.
Gần 0h00, chuẩn bị đến thời khắc làm Lễ Mật, người dân bắt đầu tiến dần vào miếu nhằm nhìn thấy được tận mắt cảnh giao hợp trong Lễ Mật.
Thời khắc đặc biệt đã đến, cụ Nguyễn Thành Ngữ (người dân gọi là cụ Từ) – người trông coi miếu, đồng thời là chủ Lễ Mật lên thượng cung lấy lễ vật xuống làm lễ. Không khí lúc này khá yên tĩnh, ai cũng muốn được tận mắt chứng kiến nghi lễ.
Tuy nhiên, nghi thức Lễ Mật được thực hiện trong màn đêm. Khi điện tắt, cụ mới lấy lễ vật ra và trao cho hai người được chọn, một nam và một nữ cầm hai linh vật và chuẩn bị thực hiện nghi thức.
Trong bóng đêm, tiếng cụ Từ vang lên “Linh tinh tình phộc” – đó là tín hiệu cho một lần giao hợp. Lúc này, ở ngoài đình, người dân và khách thập phương ai cũng vui mừng.
Tiếng “tháo khoán” được cụ Từ hô to khi vừa kết thúc ba lần “Linh tinh tình phộc”. Lúc này, các đôi trai gái được “tự do” mọi chuyện.
Anh Thành, một du khách từ Hà Nội lên tham dự lễ hội chia sẻ: “Tôi đã tham gia lễ hội nhiều năm nay. Lần đầu tiên về tham gia lễ hội, đến phần thụ lộc chỉ có duy nhất một mình tôi là khách ở nơi khác đến.
Hôm nay, đông vui hơn, khách thập phương về nhiều, kín cả sân đình”.Sau câu nói đó, tôi, anh và những người dân nơi đây cùng khách thập phương ngồi xuống thụ lộc với xôi, thịt và rượu. Tiếng cười nói vang khắp sân đình. Mọi người ai cũng vui vẻ bởi Lễ Mật đã thành công, hứa hẹn một năm mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt.