Một số lễ hội thay vì đem lại điều tốt cho cộng đồng thì đã trở thành một sự ham muốn cá nhân, thậm chí hối lộ cho thần thánh.
Bản thân lễ hội mang hai yếu tố: Lễ và hội. Lễ thì luôn gắn vào một sự kiện, nhân vật nào đó. Lễ là để người dân gửi gắm niềm tin, nguyện vọng vào đấng thánh thần, là mong cầu được yên bình, được làm ăn tốt cho cả cộng đồng. Sau phần lễ là hội, cộng đồng cư dân quây quần lại bên nhau để tổ chức các trò chơi. Nó kết thành tình thân trong xóm làng, gắn bó với nhau hơn sau khi đã tế thần linh, bậc tiên hiền - ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, Quảng Nam, đã chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM như vậy khi đề cập tới vấn đề lễ hội.
Chúng ta đang tầm thường hóa lễ hội
- Ông đánh giá như thế nào về vấn đề lễ hội hiện nay?
Ông Nguyễn Sự: Bây giờ thì người ta đang biến lễ hội thành vấn đề thương mại. Những lễ hội truyền thống của dân tộc đang biến tướng, biến dạng đi. Lễ thì nó không còn là để tỏ lòng tri ân với bậc tiền nhân, với đấng thần linh mà lễ bây giờ gần như người ta chỉ cầu cho bản thân mình.
Từ một lễ hội rất tốt cho cộng đồng nó trở thành một sự ham muốn cá nhân, thậm chí hối lộ cho thần thánh, nhét tiền bạc, áo giấy, rồi kể cả xe ô tô, nhà lầu… Bản thân những điều đó chính là đang làm trần tục hóa, tầm thường hóa các vấn đề linh thiêng.
Đến với lễ hội là những trò chơi, hoạt động dân gian để người dân phục vụ người dân và du khách nhưng bây giờ thì những gì làm ra tiền người ta mới làm. Lễ hội truyền thống của chúng ta đang biến dạng một cách nguy hiểm. Bên cạnh đó, chúng ta đang thấy xuất hiện ngày càng nhiều “lễ hội” nhưng thực chất đó không phải là lễ hội.
Chẳng có ngày nào thiêng liêng, chẳng có dấu ấn nào cả nhưng cũng đàn ca múa hát, truyền hình trực tiếp. Thực chất phải gọi những cái “lễ hội” ấy chính là một đêm văn nghệ thì đúng hơn bởi chẳng thấy một vai trò quần chúng nào trong cái lễ hội ấy. Tôi thấy ở đâu cũng đang dính hội chứng đó. Hội An có thời kỳ cũng làm rất tốt nhưng sau đó cũng dần dần bị hội chứng đó và chúng tôi đang điều chỉnh lại việc này. Chúng ta hãy trả lại lễ hội về đúng ý nghĩa của nó.
Phỉ báng thần thánh
Tại Hội Lim (Bắc Ninh), du khách đua nhau quệt tiền lẻ lên tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay, thậm chí còn nhét tiền vào kẽ tay bức tượng. Ảnh: VnExpress
- Theo ông có cần phải tổng rà soát lại các lễ hội, cái nào không còn phù hợp thì phải loại bỏ?
Thông thường, với lễ hội thì nguyên bản phong tục tập quán của ngày xưa như thế nào thì chúng ta phải làm thế ấy. Nhưng văn hóa là sự kế thừa, tiếp biến, chọn lọc. Chúng ta phải chọn lọc những cái nào phù hợp với đương đại, tốt đẹp thì phải giữ còn không phù hợp thì anh phải bỏ.
Ví dụ: Trước đây việc đốt vàng mã ông cha ta làm rất văn minh, chỉ đốt để tượng trưng. Nhưng bây giờ từ cái văn minh ấy không còn nữa, người ta giờ đây thậm chí đốt cả ô tô, nhà lầu. Một lần đốt ấy lên tới cả trăm triệu. Như vậy, nó đã làm cho lễ hội của chúng ta khác đi rồi. Ở mỗi địa phương đều có một phong tục tập quán, lễ hội riêng nhưng mình cần phải có sự chọn lọc để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử nhất định. Chứ không phải là bê nguyên xi.
- Ông đánh giá như thế nào về hành động đút, nhét tiền bạc vào thần thánh tại các lễ hội?
Việc đút, nhét tiền vào thánh thần là chính người ta đang phỉ báng thánh thần đấy. Dạng này là hối lộ thánh thần, là làm tầm thường hóa, trần tục hóa các vấn đề thiêng liêng của cả dân tộc. Cái đó cần phải được lên án một cách mạnh mẽ.
- Ông đánh giá thế nào về văn hóa đi lễ hội ngày nay, đặc biệt là quan chức?
Nếu anh có đi đến các lễ hội ấy mà anh chỉ cầu riêng cho mình là chưa đủ. Anh phải cầu cho mọi người dân được mạnh khỏe, thiên hạ được thái bình, vùng đất mình sống được yên ổn và mọi người được hưởng phúc.
Nói như ông bà mình ngày xưa là cầu cho mưa thuận gió hòa, cho muôn người, muôn loài. Nếu anh có trách nhiệm thì phải cầu cho mọi người. Bởi ông bà tổ tiên ta không đi lễ chỉ để cầu cho riêng mình mà cầu cho tất cả mọi người, cho làng xóm, cho đất nước này.
Đó mới là thái độ ứng xử có văn hóa. Chúng ta đừng nghĩ văn hóa là sự cao sang nào cả, mà chính những điều ấy là văn hóa đấy. Cha ông ta làm lễ hội trước đây làm gì có việc đánh cướp nhau như vậy. Chẳng có thánh thần nào lại đi ban phát phước đức, tài lộc cho những người đang lao vào đánh đồng loại của mình như mấy ngày gần đây báo chí phản ánh cả.
Xin cám ơn ông.
Chúng ta cũng không nên áp đặt giải quyết vấn đề lễ hội bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, với những điều sai rõ thì phải cấm. Ví dụ như lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng việc dùng tiền để xoa vào máu lợn thì cần phải cấm, bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp để ngăn chặn các hành vi phản cảm như tranh giành, cướp giật. Giải quyết những việc này trước hết phải chấn chỉnh khâu tổ chức, sau đó mới đến giáo dục người đi lễ về văn hóa đi lễ, văn hóa tâm linh. Tâm lý của người dân khi tham gia lễ hội là muốn có được những vật thiêng ấy để cầu may. Nhu cầu này cần phải được đáp ứng, những người tổ chức cần thông báo với tất cả mọi người khi mang lễ thánh trở ra tất cả mọi người đều có lộc của mình. Điều này cũng đã được áp dụng thành công trong lễ khai ấn đền Trần. Khi ban tổ chức đảm bảo cho ai cũng có ấn thì việc cướp ấn không còn xảy ra như trước kia nữa. GS-TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật - Bộ VH-TT&DL Viết Thịnh ghi Tiêu điểm Điểm mới trong việc kiểm tra các lễ hội năm nay của Bộ VH-TT&DL là các đoàn đi đột xuất, không có lịch cụ thể, khi đến địa phương thì xuống cơ sở trước, quay phim, chụp ảnh rồi mới vào làm việc với cấp quản lý… Với cách làm quyết liệt như năm nay, hy vọng nhưng hình ảnh phản cảm thường thấy tại các lễ hội, các điểm văn hóa sẽ dần loại bớt, trả lại môi trường văn hóa đúng nghĩa tại những nơi tôn nghiêm, các điểm văn hóa. Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, phát biểu tại buổi họp báo về công tác tổ chức lễ hội năm 2015. |