“Giá Inbox” – Cụm từ khách mua online ghét cay ghét đắng nhưng vì sao nhiều shop vẫn áp dụng?

Ngày 24/02/2020 13:15 PM (GMT+7)

Muốn biết giá món đồ mình định mua phải vào trao đổi riêng với chủ cửa hàng là một trong những điều khiến khách hàng bực bội. Cụm từ “Check inbox để biết giá” khiến nhiều khách hàng dừng hình, bỏ đi ngay lập tức nhưng vẫn đang được rất nhiều cửa hàng bán đồ online áp dụng, tại sao lại như vậy?

Trong thời đại ngày nay, việc mua hàng online trở thành xu thế mang tính tất yếu khi mà công nghệ phát triển, thời gian của con người ngày càng eo hẹp. Việc ngồi nhà, lướt mạng, lướt facebook để mua sắm và “mua cả thế giới” đang trở nên phổ biến.

Lý do lớn nhất để việc kinh doanh, mua bán trên mạng này bùng nổ là bởi nó mang đến những lợi ích tối đa về mặt thời gian, không phải di chuyển xa xôi, đi chợ online có thể giúp khách hàng mua mọi thứ chỉ sau một khoảng thời gian ngắn.

“Giá Inbox” – Cụm từ khách mua online ghét cay ghét đắng nhưng vì sao nhiều shop vẫn áp dụng? - 1

Hình thức kinh doanh này phát triển rộng rãi không chỉ thông qua các website hay trang bán hàng điện tử lớn như lazada, Sendo, Shopee… mà chủ yếu rầm rộ trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… Việc lựa chọn các mạng xã hội này tùy thuộc vào mặt hàng và đối tượng khách hàng mà người bán hướng tới.

Vấn đề nhiều khách hàng quan tâm nhất khi chọn mua qua mạng là giá cả. Để thông báo tới khách hàng về giá cả của sản phẩm, các cửa hàng, shop online có hai hình thức chính đó là để giá công khai và thực hiện inbox giá.

Để giá công khai là một việc khá bình thường. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng “phẫn nộ”, không hài lòng vì nhiều shop yêu cầu “Check inbox để biết giá” . Vậy tại sao phải inbox giá khi bán hàng online?

 Khách hàng: “Cứ nhìn thấy cụm từ "giá inbox" là mình nghỉ mua luôn”

Là một nhân viên văn phòng với quỹ thời gian eo hẹp, chị Hồng Nhung (nhân viên văn phòng, Hà Nội) thường xuyên mua hàng trên mạng. Chị Nhung chia sẻ: “Hầu như mình toàn mua đồ trên mạng là nhiều, thế nhưng cứ gặp shop nào không công khai giá, yêu cầu "check inbox" là mình dẹp luôn.

Mình thấy việc đó rất mất thời gian. Theo mình, các cửa hàng nên công khai giá, người mua tự cân nhắc, cảm thấy hợp lí thì mua, không hợp lí thì thôi… Việc phải vào chat với từng cửa hàng để so sánh giá của 1 loại mặt hàng là rất mất thời gian của cả hai bên. Với những cửa hàng như vây, mình "nghỉ" luôn, khỏi mua nữa”.

“Giá Inbox” – Cụm từ khách mua online ghét cay ghét đắng nhưng vì sao nhiều shop vẫn áp dụng? - 2

Việc phải “giá inbox” tạo tâm lí ức chế cho nhiều khách hàng 

Thông thường, đại đa số khách hàng đều có chung tâm lí này. Khách hàng cho rằng việc phải liên lạc riêng để biết giá vừa phiền phức, mất thời gian mà còn gây ra sự ức chế, có cảm giác chủ cửa hàng đó “chảnh”.

“Người ta bảo khách hàng là thượng đế, vậy mà chỉ muốn biết giá của sản phẩm thôi khách cũng phải vào hỏi riêng chủ cửa hàng. Điều đó khiến mình không thấy thoải mái chút nào, lẽ ra cửa hàng phải chăm sóc khách chu đáo chứ? Mua hàng online để tiện lợi nhanh chóng vậy mà cứ áp dụng cách này, có khi đến nửa ngày mới được phản hồi thì thực sự là quá mất thời gian” – chị Mai Loan, một khách hàng online bực bội chia sẻ.

Trên quan điểm của khách hàng, nhiều người cho rằng đã làm ăn minh bạch, rõ ràng, tự tin về sản phẩm của mình thì cứ thoải mái công khai giá, tại sao phải giấu giếm? Việc này chẳng giúp khách nhanh chóng đưa ra được lựa chọn mà cũng giúp chủ cửa hàng bớt được khâu trả lời từng khách một.

Chủ cửa hàng online nói gì về việc áp dụng chiêu “Giá Inbox”?

Chắc chắn, chủ các cửa hàng trên mạng này hoàn toàn hiểu được tâm lí không thoải mái của khách hàng, thế nhưng tại sao vẫn có rất nhiều shop áp dụng hình thức này. Đằng sau câu chuyện “chảnh shop” ấy là nguyên nhân gì.

Với câu hỏi vì sao không công khai giá bán, chị Thúy Hạnh, chủ một cửa hàng mỹ phẩm online cho biết: “Thực ra, không chủ cửa hàng nào muốn mất thời gian đi báo giá cho từng khách hàng một. Sẽ tiện lợi hơn nhiều nếu viết giá công khai 1 lần và mọi khách hàng đều nhìn thấy.

Chúng tôi cũng rất hiểu tâm lí của khách hàng, tuy nhiên thời buổi thông tin nhanh như hiện nay, việc các cửa hàng bị đối thủ kinh doanh cùng loại mặt hàng sẽ cướp khách không phải là chuyện hiếm. Khi công khai giá, khách để lại bình luận đặt hàng, rất nhiều bên sẽ tranh thủ để chộp giật khách. Đó chính là nguyên nhân khiến chúng tôi phải giấu giá, giấu nguồn, thậm chí ẩn cả phần bình luận là như vậy”.

“Giá Inbox” – Cụm từ khách mua online ghét cay ghét đắng nhưng vì sao nhiều shop vẫn áp dụng? - 3

Không chỉ bởi nguyên nhân này, nhiều chủ cửa hàng bán online cũng cho rằng nếu mặt hàng đó thực sự đẹp, cần thiết, hữu dụng với khách hàng, việc dành lấy vài phút để trao đổi với cửa hàng, không chỉ được báo giá mà còn được tư vấn kĩ càng hơn thì cũng xứng đáng. Thực tế hiện tại cũng vẫn có rất nhiều cửa hàng dù áp dụng hình thức “check giá inbox” vẫn bán được rất nhiều hàng và lượng khách mua không hề giảm.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của mô hình kinh doanh trên mạng, chủ cửa hàng phải tìm cách “sống sót” trong bối cảnh số lượng những cửa hàng bán cùng mặt hàng nhiều vô số. Để tồn tại được khi áp dụng hình thức báo giá này đòi hỏi shop online đó phải có sản phẩm đặc biệt, chất lượng, tương xứng với giá tiền… Như vậy dù có phải mất thời gian một chút để trao đổi, biết giá, khách hàng vẫn hướng tới.

Ưu điểm của từng loại hình báo giá đối với chủ shop online

Hình thức báo giá công khai:  

- Thu hút khách hàng: Về mặt tâm lí, khách hàng sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn nhiều khi nhìn thấy hình ảnh một món hàng và giá thành được công khai sẵn. Họ sẽ không chỉ xem 1 sản phẩm đó mà còn dành thời gian để lướt qua các mặt hàng khác để lựa chọn. Mọi thứ được “bày bán” một cách rõ ràng, sẽ kích thích người tiêu dùng hơn.

- Tạo sự tin tưởng: Báo giá công khai khiến khách hàng tin rằng shop này làm ăn uy tín, tự tin về sản phẩm và giá thành nên chẳng ngại hiện thị giá một cách rõ ràng như vậy.

- Tạo sự chuyên nghiệp trong bán hàng: Rõ ràng giá cả của một loại hàng là điều quan trọng thứ 2 sau mẫu mã, chất lượng. Việc công khai giá khiến khách hàng cảm giác yên tâm, giống như đi vào siêu thị, mọi thứ được báo giá, khách hàng chỉ việc lựa mặt hàng mình thích và có giá phù hợp với túi tiền là xong.

- Tiết kiệm thời gian, nguồn lực: Khi công khai giá lên từng sản phẩm, chủ shop sẽ đỡ phải trả lời khách hàng, đỡ mất thời gian check tìm các thông tin khách hỏi về giá cả. Về phía khách hàng cũng tiết kiệm được thời gian, nhất là khi muốn hỏi giá nhiều sản phẩm để lựa chọn.

Hình thức “báo giá qua inbox”:

- Tránh bị cướp khách: Khi công khai giá, nhiều khách hàng sẽ “tiện tay” đặt hàng luôn, hiển thị cả số điện thoại, địa chỉ. Điều này dẫn đến việc nhiều cửa hàng cạnh tranh không lành mạnh khác sẽ “cướp khách”, thậm chí là giao hàng không đúng chất lượng đến cho khách hàng trước, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của cửa hàng.

- Khách được tư vấn tốt hơn: Nếu chỉ nhìn giá và đặt mua luôn, rất có thể khách sẽ mua về một sản phẩm mình mặc không vừa hoặc không hợp với làn da, mái tóc của mình… Mỗi sản phẩm có đặc tính riêng, nếu liên lạc với shop để hỏi giá sau đó nghe tư vấn kĩ càng, khách hàng cũng có lợi hơn bởi không phải sản phẩm nào cũng phù hợp với tất cả mọi người.

Như vậy, mỗi hình thức đều có những ưu điểm riêng. Cửa hàng có thể tự lựa chọn hình thức báo giá nào cho phù hợp và tạo được uy tín, kích cầu đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng hiện nay vẫn thích phương án báo giá công khai. Do đó, các cửa hàng bán đồ online sẽ phải đặc biệt lưu ý khi chọn cách báo giá qua inbox riêng, cần phải có mặt hàng chất lượng, đủ hút khách, tư vấn nhanh chóng, nhiệt tình và chính xác mới có thể cạnh tranh được.

Dẻ sườn bò siêu rẻ chỉ 75.000 đồng/kg bán tràn lan, thực chất là thịt gì?
Chỉ với 75.000 – 80.000 đồng, người tiêu dùng đã có thể mua được 1 kg dẻ sườn bò đã rút xương. Nhiều người tỏ ra nghi ngại về chất lượng sản phẩm,...
Hà Anh (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bán hàng online