GS Nguyễn Anh Trí khuyến cáo, khi con mình được chẩn đoán bị Hemophilia thì các bậc cha mẹ nên chuẩn bị cho con được điều trị dự phòng càng sớm càng tốt để giảm các biến chứng do chảy máu gây ra.
Ths. Nguyễn Thị Mai – Trưởng khoa Hemophilia, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, Hemophilia là một trong số các rối loạn chảy máu di truyền hay gặp nhất do thiếu hụt yếu tố VIII/IX thường gặp ở nam giới. Đặc điểm nổi bật của bệnh là chảy máu ở khắp các vị trí trên cơ thể, điển hình nhất là chảy máu tại các cơ, khớp. Chảy máu tái phát nhiều lần gây đau đớn và dẫn tới tàn tật, thậm chí có thể gây tử vong.
Theo thống kê, trên thế giới cứ 1.000 người lại có một người mắc các rối loạn chảy máu. Ở Việt Nam ước tính có khoảng 6.000 người mắc bệnh và 30.000 người mang gen Hemophilia, trong đó mới chỉ có khoảng gần 40% bệnh nhân được phát hiện và chăm sóc thường xuyên. Như vậy, còn khoảng 60% bệnh nhân Hemophilia trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
(Ảnh minh họa)
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng ở một nước có thu nhập bình quân dưới 2.000 USD/năm, nếu không được chăm sóc tại trung tâm Hemophilia thì bệnh nhân Hemophilia rất khó sống qua tuổi 19. Tuy nhiên, nếu ở một số nước có cùng mức thu nhập được điều trị ở một trung tâm Hemophilia thì số bệnh nhân số qua 19 tuổi tăng lên gấp 5 lần.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Hội Rối loạn đông máu Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam có 7 cơ sở chính điều trị và quản lý bệnh Hemophilia, trong đó Trung tâm Hemophilia Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cung cấp được dịch vụ chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
Nói về việc chăm sóc bệnh nhân mắc căn bệnh này, GS Nguyễn Anh Trí khuyến cáo, khi con mình được chẩn đoán bị Hemophilia thì các bậc cha mẹ nên chuẩn bị cho con được điều trị dự phòng càng sớm càng tốt để giảm các biến chứng do chảy máu gây ra. Một số gợi ý sau giúp người bệnh Hemophilia dự phòng chảy máu.
- Chọn những đồ chơi mềm, không có góc sắc nhọn. Quần áo nên được đệm bông tại các vị trí dễ va chạm như khuỷu tay, gối, vai.
- Dạy cho trẻ và anh chị em, bạn bè của trẻ về bệnh Hemophilia từ khi chúng còn nhỏ. Các bậc cha mẹ nên động viên trẻ tham gia các hoạt động bình thường cùng vói những đứa trẻ khác.
- Tiếp tục theo các chương trình tiêm chủng tại nơi cư trú, cần nhớ rằng không được tiêm bắp mà chuyển thành tiêm dưới da. Sau khi tiêm giữ chặt bông trong 5 phút.
- Nên tiên phòng viêm gan B cho trẻ vì bệnh cần dùng các sản phẩm máu do đó có thể bị lây nhiễm viên gan B. Nếu có thể nên phối hợp tiêm phòng viên gan A.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên và khám nha khoa định kỳ nhằm dự phòng các bệnh về răng miệng.
- Cân bằng giữa các hoạt động thể lực. Tập thể dục thường xuyên. Cơ bắp khỏe hỗ trợ cho khớp và làm giảm số lần chảy máu. Điều này rất quan trọng ở những nơi sản phẩm máu cung cấp không đủ.
Những hoạt động như bơi, đi xe đạp, đi bộ giúp cho khớp hoặt động tốt hơn. Không tham gia các môn như đấm bốc, bóng đá, vì có thể gây tổn thương đầu hoặc ngực. Cha mẹ nên nhờ thầy thuốc hướng dẫn các bài tập thường xuyên và về những môn thể thao mà con nên tham gia.