‘Hào Anh là sản phẩm từ cách chúng ta giúp người tổn thương'

Ngày 04/09/2014 14:21 PM (GMT+7)

“Tôi không ngạc nhiên khi Hào Anh trở thành như vậy. Em chính là sản phẩm của cách chúng ta giải quyết hỗ trợ người bị tổn thương trong xã hội”.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội không tỏ ra ngạc nhiên khi biết đến hoàn cảnh hiện nay của Hào Anh – cậu bé bị chủ đầm tôm tại Cà Mau ngược đãi 4 năm trước và được cả xã hội thương xót quan tâm, hỗ trợ.

 “Đây là sản phẩm của cách chúng ta hỗ trợ người tổn thương”

Bốn năm trước, Hào Anh bị hành hạ dã man ở trại tôm giống Minh Đức (huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Khi vụ án khép lại, cậu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau sống một thời gian rồi về ở với mẹ trong căn nhà trọ ở phường 8.

Đầu năm 2014, khi đã đủ 18 tuổi, Hào Anh được Sở LĐ-TB-XH Cà Mau trao gần 900 triệu đồng là tiền gốc và lãi do nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước gửi hỗ trợ khi hay tin Hào Anh bị vợ chồng chủ trại tôm giống Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm hành hạ.

‘Hào Anh là sản phẩm từ cách chúng ta giúp người tổn thương#039; - 1

Hào Anh trong ngày dọn vào nhà mới cách đây 4 tháng. Ảnh: Việt Trường

Có tiền, Hào Anh mua xe máy, nhà và đất với giá 380 triệu đồng. Sau đó, cậu đầu tư thêm trên 100 triệu đồng để sửa lại thành nhà mới, dọn vào ở từ cuối tháng 5/2014 đến nay. Thông tin từ bà Thoa (mẹ Hào Anh) cho biết, do sẵn có tiền từ các nhà hảo tâm, chưa đầy 1 năm, cậu đã mua 4 xe máy và “đập” gần chục chiếc iPhone.

Đỉnh điểm, mới đây, trong lúc “giận cá chém thớt”, Hào Anh đã đuổi cha mẹ ra đường và vứt hết quần áo 2 người ra khỏi nhà.

Trước thông tin Hào Anh trở nên ngỗ ngược và thất hứa với chính quyền khi nhận tiền hứa “tu chí làm ăn”, TS  Khuất Thu Hồng cho biết, cảm giác đầu tiên của bà là  buồn và tiếc nuối. Tuy nhiên, TS Hồng không quá ngạc nhiên khi chuyện này xảy ra vì: “Đây chính là sản phẩm của cách chúng ta giải quyết hỗ trợ người bị tổn thương trong xã hội”, TS Hồng nói.

Theo chuyên gia tâm lý này, với một đứa trẻ lớn lên trong môi trường bạo lực như Hào Anh thì nguy cơ có hành vi bạo lực đối với người khác cũng lớn hơn những đứa trẻ khác.

“Chúng ta đã giúp đỡ Hào Anh nhưng không tới nơi tới chốn. Nhiều đứa trẻ mới lớn, bình thường nếu không có công ăn việc làm, không được định hướng đúng còn dễ dính vào tệ nạn xã hội nữa là Hào Anh đã từng sống trong môi trường bạo lực, bị sang chấn tâm lý và không được học hành. Đáng ra cậu bé phải được quan tâm nhiều hơn về mặt tâm lý, tinh thần chứ không phải vật chất như vậy”, TS Hồng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội tin tưởng, dù đã muộn song Hào Anh vẫn cần có dịch vụ tâm lý hỗ trợ, định hướng trong lúc này.

 “Nhất định Hào Anh sẽ thay đổi nếu có ý chí vươn lên cộng thêm sự hỗ trợ giúp đỡ của xã hội”, TS Hồng nói.

Nên cho cần câu hay cho cá?

Qua câu chuyện của Hào Anh – cậu bé bất hạnh, nghèo đói bỗng nhiên có gần tỷ đồng trong tay do các nhà hảo tâm hỗ trợ, nhiều vấn đề được đặt ra giữa việc cho cần câu hay cho cá.

TS Khuất Thị Thu Hồng cho rằng, cách giúp đỡ của những nhà hảo tâm không có lỗi. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ trách nhiệm của mạng lưới các cơ quan hữu quan, các cơ sở bảo trợ xã hội.

‘Hào Anh là sản phẩm từ cách chúng ta giúp người tổn thương#039; - 2

Các chuyên gia tâm lý xã hội cho rằng, đối với những đối tượng như Hào Anh, các cơ quan chức năng cần có hình thức hỗ trợ lâu dài chứ không phải đưa một cục tiền cho nạn nhân rồi muốn làm gì thì làm. Ảnh: Việt Trường.

“Các nhà hảo tâm giúp đỡ về vật chất, họ không có lỗi. Trách nhiệm còn lại thuộc về các cơ quan chức năng. Đáng ra, các cơ quan này cần có các hình thức hỗ trợ phù hợp về giáo dục, việc làm, giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý… Cần có hình thức hỗ trợ lâu dài chứ không phải đưa một cục tiền cho nạn nhân rồi muốn làm gì thì làm”, bà Hồng nói.

Theo TS Khuất Thị Thu Hồng, quá trình hỗ trợ các trường hợp bị tổn thương về tâm lý như Hào Anh cần có quá trình dài, đủ để nhân vật được hỗ trợ ổn định cả thể chất và tâm lý. Ngoài ra, không phải chỉ hỗ trợ bằng tiền, các cơ quan chức năng cần phải hỗ trợ về phương kế sinh nhai, công việc để ổn định tương lai lâu dài…

“Chiến lược hỗ trợ bài bản, đúng lúc đúng chỗ, đúng phương pháp là điều chúng ta đang thiếu trong công tác bảo trợ xã hội. Luật đã có, chủ trương đã có, những nhà hảo tâm thì luôn sẵn lòng giúp đỡ nhưng khi thực hiện tại cấp địa phương thì lại không hiệu quả”, TS Hồng nhận xét.

Hơn 4 năm trước hàng xóm của chủ trại tôm giống Minh Đức ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) báo tin cho công an với nội dung thường nghe thấy vợ chồng chủ trại là Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm đánh đập, dùng bàn ủi nóng gí vào người cậu bé làm công.

Cuối tháng 4/2010, Công an huyện Đầm Dơi ập vào trại tôm giống của Giang - Thơm kiểm tra, giải thoát Hào Anh khi cậu bé chưa đủ 14 tuổi trong tình trạng "thân tàn ma dại".

Ngày 29/6/2010, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm, phạt Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm mỗi người 23 năm tù về tội Cố ý gây thương tích và Hành hạ người khác, gây thương tật cho Hào Anh gần 70%. Hai người làm công cho vợ chồng này tham gia hành hạ Hào Anh theo lệnh của chủ, mỗi người bị phạt 18 tháng tù.

Các nhà hảo tâm thương xót cho hoàn cảnh Hào Anh đã trao tặng nhiều tiền, tuy nhiên mới đây khi đủ 18 tuổi Hào Anh mới được nhận lại từ Sở LĐ-TB và XH số tiền lên đến gần 900 triệu.

Có nhiều tiền, Hào Anh đã mua 360 m2 đất ở khóm 4, phường 8, TP.Cà Mau cất nhà vào đầu tháng 5/2014 với tổng số tiền hơn nửa tỷ đồng. Cậu bé cũng đã mua đến 4 chiếc xe máy và “đập” gần chục chiếc iphone. Đỉnh điểm hơn cả là Hào Anh đã đuổi cha mẹ ra khỏi nhà và vứt quần áo họ ra đường vì xin tiền mẹ không được.

Theo Nguyễn Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Vụ hành hạ dã man cháu Hào Anh