Bức thư của "nàng Rose" đã cho mọi người thấy được một đêm kinh hoàng khi con tàu Titanic huyền thoại chìm sâu xuống lòng biển âm u năm 1912.
Clip: Giải mã một trong những bí ẩn đáng sợ nhất trong xác tàu Titanic (Nguồn: Dân Việt)
Bà Rose Amélie Icard sinh ra ở Murs, một ngôi làng nhỏ ở Vaucluse, Pháp - vào năm 1872. Bà mất vào ngày 15 tháng 7 năm 1964 tại vùng ngoại ô Grenoble, Pháp. Người phụ nữ này đã có những năm cuối cuộc đời nổi tiếng như là một chứng nhân của vụ chìm tàu Titanic lịch sử.
Vào ngày 14 tháng 4 năm 1912, bà đã lên tàu Titanic với vai trò người giúp việc cho một phụ nữ giàu có người Mỹ, Martha Stone – vợ của chủ tịch công ty điện thoại Bell Cie (Canada).
Nếu tất cả thế giới ngày nay nói về Rose Amélie Icard, thì không phải vì bà có cùng tên với nhân vật nữ chính của bộ phim điện ảnh đình đám Titanic (Rose, người phụ nữ trẻ do Kate Winslet thủ vai) mà đó là là vì một bức thư bà viết năm 1955, hơn 43 năm sau khi tàu Titanic bị chìm ở Bắc Đại Tây Dương.
Theo Telegraph, bức thư được viết tay bằng mực xanh, đề tên người nhận là bà Madame Ausein. Có thông tin cho rằng, bà Icard viết thư cho con gái một người phụ nữ sống sót sau thảm kịch khủng khiếp nói trên.
Nội dung trong bức thư 9 trang mô tả lại cảnh tượng “kinh hoàng” và đề cao “chủ nghĩa anh hùng cao cả” vào thời khắc sinh tử khi các hành khách cố gắng tìm mọi cách để thoát khỏi con tàu.
Trang 1
Vụ chìm tàu Titanic
Ký ức bi thảm nhất của tôi về chuyến đi vòng quanh thế giới năm 17 tuổi là vụ đắm tàu Titanic.
Hiện nay, tôi đã 83 tuổi, nhưng đó là một khoảnh khắc của cuộc đời mà tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi đã gặp bà Martha Stone tại Paris - góa phụ của của một người Mỹ, Chủ tịch của Bell Co.. Khi đó bà đang tìm kiếm một người thích đi du lịch để đi cùng cô ấy.
Ước mơ trọn đời của tôi đã trọn vẹn: Tôi quyết định cùng cô ấy đến Mỹ. Tôi không thể liệt kê tất cả các quốc gia nơi chúng tôi đã đến.
Vào mùa đông năm 1912, chúng tôi sẽ đến Ai Cập; tiếp đó chúng tôi đến Thánh địa và kết thúc ở Jerusalem. Chuyến du lịch khó quên đến đất nước của Chúa Giêsu đã gần như là điểm đích cuối cùng của chúng tôi.
Trang 2
Sau khi thăm thú Paris và London, chúng tôi lên tàu Titanic vào ngày 10 tháng 4 năm 1912. Chính bà Stone đã mua vé tại London và nói với tôi rằng mình vô cùng hạnh phúc khi có chỗ trên chiếc tàu đẹp nhất.
Những đêm trước, tôi đã mơ về cái chết, những cái cây khô gãy cành, một dấu hiệu khiến tôi nói với chính mình rằng có lẽ mình không nên lên Titanic.
Thuyền trưởng Smith, ngay cả khi ông sắp nghỉ hưu, đã được White Star Line chọn để lái cung điện nổi này cho chuyến đi đầu tiên. Ông trông có vẻ là một người đáng tin cậy với vẻ ngoài điển trai và bộ râu trắng. Cuối cùng, chính ông ấy là người đã giúp tôi lên thuyền cứu sinh.
Trong chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương tuyệt vời này, cơ man nào là các buổi tiệc sang trọng, các bữa ăn phong cách hoàng gia. Mọi người ca hát và tiệc tùng, hào hứng về chuyến đi tới thủ phủ huy hoàng của phương Đông.
Thuyền trưởng con tàu Titanic - Edward John Smith
Trang 3
Trong số những vị khách trên tàu, có bảy đến tám cặp vợ chồng trẻ trở về sau tuần trăng mật: một số người chúng tôi đã gặp gỡ trong thời gian ở Ai Cập.
Vào chiều ngày 12/4, đó là một ngày Chủ Nhật, âm nhạc được phát rộn ràng trên tàu. Trời rất lạnh. Lúc này, chúng tôi ở gần Newfoundland. Tôi phải đi xuống cầu thang, chui vào trong cabin để sưởi ấm.
Một chiếc thuyền của Pháp, "Le Touraine" đã truyền tin đến: "Cẩn thận. Băng trôi.". Nhưng Chủ tịch công ty sản xuất chiếc tàu Titanic trấn an rằng không có gì phải sợ, rằng Titanic là bất khả chiến bại.
Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy không an toàn. Tối hôm đó, tôi không thay quần áo khi đi ngủ.
Trang 4
Khoảng 11 giờ đêm, tôi và bà Stone đi ngủ. Khoảng 45 phút sau, khi con tàu đang đi chuyển với tốc độ cao thì chúng tôi bị hất tung ra khỏi giường sau một chấn động lớn.
Chúng tôi có ý định tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra thì một nhân viên trả lời là không có gì đáng ngại và yêu cầu chúng tôi quay trở lại cabin của mình. Tôi nhanh chóng đáp lại: "Nghe tiếng động lớn đó, có vẻ như nước đang chảy vào tàu."
Tôi thấy rằng người phụ nữ phòng bên đã đóng cửa, quay trở lại giường. Trong khi đó, con gái cô hoảng loạn, hét lên "Mẹ ơi, nhanh lên nhanh lên, dậy đi, nó rất nghiêm trọng."
Tôi đã giúp bà Stone mặc quần áo. Bà nhanh chóng mặc áo phao cứu sinh và giục tôi "Nhanh lên".
Tôi run rẩy mặc áo choàng. Sau đó, tôi lấy áo khoác, áo phao và đi theo bà ấy trên boong.
Titanic chở 2.224 hành khách và thủy thủ nhưng chỉ mang theo 20 thuyền cứu hộ đủ chỗ cho 1.178 người.
Trang 5
Tại đó, tôi tìm thấy chiếc chăn du lịch và áo khoác lông của mình - những vật mà tôi đã để quên trên chiếc ghế tại phòng chờ. Chúng đã giúp tôi sống sót một cách kì diệu sau này.
Chúng tôi cảm thấy dưới chân mình boong tàu đã nghiêng sâu.
Tôi quay trở phía dưới để lấy đồ trang sức của bà Stone nhưng may mắn thay, tôi chọn sai cầu thang và quay trở lại boong giữa chừng. May mắn vì nếu không tôi có thể sẽ không bao giờ quay lại nữa.
Vào thời khắc đó, tôi đã chứng kiến những cảnh tượng kinh dị chưa từng thấy trong cuộc đời và chủ nghĩa anh hùng cao cả nhất mà tôi từng gặp. Những người phụ nữ, còn đang xúng xính trong những bộ đồ dạ hội hoặc phờ phạc trong những bộ đồ ngủ nhăn nhúm, hoảng sợ giành giật các thuyền cứu sinh. Còn thủy thủ đoàn bình tĩnh chỉ đạo phụ nữ cùng trẻ em xuống thuyền. Thuyền trưởng Smith hét lên: "Phụ nữ và trẻ em trước".
Trang 6
Đứng gần tôi là một cặp đôi vô cùng đẹp lão - ông bà. Straus, chủ sở hữu của chuỗi Macy's ở New York. Bà từ chối xuống thuyền cứu hộ sau khi giúp người giúp việc của mình kên tàu, vòng tay ôm cổ chồng, nói với ông: "Chúng ta đã kết hôn được 50 năm, chúng ta chưa từng bao giờ rời xa nhau. Em muốn ra đi cùng anh"
Nửa tỉnh nửa mê, trong một chiếc thuyền bên cạnh là người vợ trẻ của triệu phú J. Jacob Astor, trở về từ chuyến du lịch trăng mật của họ. Cô mới 20 trong khi anh đã 50. Cô bám lấy anh, anh buộc phải đẩy cô ra bằng vũ lực .
Các thủy thủ mặc áo khoác màu xanh, thắt lưng và mũ nồi, đánh lên bài thánh ca tuyệt đẹp.
Trang 7
Xuồng cứu sinh nhanh chóng được đưa xuống. Bằng phép màu nào đó, bà Stone và tôi thấy mình ở cùng một chiếc thuyền, có khoảng ba mươi người. Thủy thủ đoàn hét lớn: "Hãy chèo thật mạnh mẽ, các bạn chỉ có hai mươi lăm phút để cứu mạng mình".
Tôi cầm lấy mái chèo và chèo với rất nhiều năng lượng đến nỗi tay tôi bị chảy máu và cổ tay tôi bị tê liệt; bởi vì chúng tôi phải nhanh chóng thoát khỏi vực thẳm khổng lồ sắp được mở khi Titanic sẽ chìm. Chính tại thời điểm này, tôi nhận thấy có một sức mạnh ẩn giấu bên trong mình bộc phát.
Chúng tôi đã chèo đến một vùng biển gần như yên tĩnh, được soi sáng yếu ớt bởi chiếc đèn lồng mà viên sĩ quan đang cầm, tôi không rời mắt khỏi con tàu Titanic sáng ngời.
Trang 8
Đột nhiên, bóng tối ập đến, những tiếng hét la hét khủng khiếp. Thế là xong! Đôi khi, 43 năm sau thảm kịch, tôi vẫn mơ về nó. Từ 2.229 hành khách và phi hành đoàn, chỉ có 745 người được cứu.
Sau đêm kinh hoàng đó, ngay khi ánh sáng đầu tiên ló rạng, trước khi chiếc Carpathia xuất hiện để cứu lấy chúng tôi - những con người đang bị chấn động tinh thần và kiệt sức, thuyền của chúng tôi và một số người khác đã quay lại hiện trường của thảm kịch. Mặt nước phẳng lặng và không có gì có thể gợi lên được rằng có một chiếc tàu khổng lồ vừa bị nhấn chìm ở nơi đây.
Trang 9
Khi chúng tôi đang tập trung tại phòng ăn của Carpathia thì xung quanh tràn ngập những khung cảnh tang thương. Những người phụ nữ trẻ gào khóc mất chồng, những người mẹ lặng lẽ rơi lệ vì mất con. Có bà mẹ trẻ mất con vì cơn sóng dữ đã phát điên, và nhầm con người khác là con mình.
Một số người sống sót đã kể cho nhau nghe câu chuyện về những khoảnh khắc kinh hoàng. Đã có một số cử chỉ cao đẹp, một người đàn ông lạ mặt đã cởi áo phao cứu sinh đưa cho bà cụ với lời nhắn gửi: "Hãy cầu nguyện cho tôi". Tỷ phú Benjamin Guggenheim sau khi giúp cho phụ nữ và trẻ em lên phao cứu sinh, đã mặc quần áo đẹp, cài một bông hồng ở ve áo, và ra đi cùng con tàu.
Trang 10
Carpathia đang hướng đến New York. Tôi đã chứng kiến những nỗi đau một lần nữa.
Gửi đến Madame Ausein [???] để tưởng nhớ người mẹ thân yêu của cháu, người mà tôi đã sống cùng trong thảm họa bi thảm này trong đêm 14 đến 15 tháng 4 năm 1912.
Rose Amélie Icard
Grenoble, ngày 08/08/1955