Loại cá này có nhiều ở các các tỉnh miền Nam, đặc biệt là Kiên Giang và Cà Mau.
Cá sặc rằn còn có tên gọi khác là cá bổi, cá lò tho, cá rô tía da rắn, sống ở cả vùng nước lợ và nước ngọt. Loài cá này phân bố nhiều ở Thái Lan, Campuchia, Lào... Ở Việt Nam, chúng có nhiều ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là Kiên Giang, Tiền Giang và Cà Mau.
Về đặc điểm hình dạng, thân cá dẹt, vây ngực dài, vây lưng dài và nhọn, cơ thể có màu vàng nâu, sọc đen chéo chỗ đậm chỗ nhạt. Thịt cá thơm nhẹ, hơi dai và có vị ngọt đặc biệt.
Cận cảnh con cá sặc rằn
Anh Hòa (ở Cà Mau) cho biết có nhiều loại cá sặc nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cá sặc bướm và sặc rằn. Cá sặc bướm chỉ cỡ ngón tay cái người lớn, còn cá sặc rằn con trưởng thành cỡ bàn tay người lớn, lớp vảy có những lằn đen trắng chen nhau.
Trước đây, cá sặc rằn có nhiều trong tự nhiên, sống ở nhữn vùng ao đìa, đầm lầy, sông rạch tự nhiên. Hồi đó, người ta dùng chài hay kéo dưới để bắt, một lúc là được cả mẻ cá to. Thế nhưng lúc đó cá sặc rằn lại chưa có giá trị, chủ yếu để chế biến món ăn chứ ít ai mang ra mua bán ở chợ. Khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch, khi những cơn mưa cuối mùa đã dứt, cá sặc rằn được đánh bắt phơi khô để dành… ăn Tết. Cá được đánh vảy, làm sạch đầu, ủ muối rồi phơi trên vỉ tre chừng hai, ba nắng là được.
Theo anh Hòa, khi chọn khô cá sặc rằn thì nên chọn loại cá sặc cỡ vừa khoảng 8-9 con/kg. Thịt khô cá sặc có màu đo đỏ, không quá dai cũng không bở, phần bụng cá có một lớp mỡ dày béo ngậy. Bên ngoài quan sát kỹ đảm bảo cá không bị mốc, sờ vào cá cảm nhận được độ mềm vừa phải, khô cá không quá cứng và có mùi thơm đặc trưng tự nhiên.
Khô cá sặc có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn vừa hao cơm vừa có thể là món mồi nhậu cho cánh mày râu lai rai cả ngày không biết chán. Ngoài việc chiên, nướng thông thường, các bạn có thể biến tấu thành nhiều món ngon như: Cơm chiên với khô cá sặc, gỏi xoài khô cá sặc,...
Nếu như trước đây, cá sặc rằn ít người biết tới, chủ yếu xuất hiện trên mâm cơm người nghèo thì giờ đây cá sặc rằn đã trở thành đặc sản nổi tiếng. Trên thị trường, cá sặc tươi được đóng làm sạch, đóng túi zip và bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg. Còn khô cá sặc, cá sặc một nắng có giá tới 400.000 đồng/kg.
Khô cá sặc là đặc sản nổi tiếng ở miền Tây
Chị Linh (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ, nhà chị chuyên làm khô cá sặc rút xương để bán ra thị trường. Để có được sản phẩm ngon, công đoạn đầu tiên là phải chọn được cá tươi, quá trình chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cá giữ được độ ngọt và thơm tự nhiên chứ không bị mốc.
Đặc biệt, khô của gia đình chị làm ra không sử dụng phẩm màu và chất bảo quản nên rất được ưa chuộng. Trung bình 8kg cá tươi sẽ cho ra 1kg khô thành phẩm, hiện bán với giá 320.000 đồng/kg đối với sặc bướm và sặc điệp, còn cá sặc rằn chị bán với giá 400.000 đồng/kg.
Cá sặc rút xương phơi khô được bán với giá 400.000 đồng/kg
Vì mang lại giá trị kinh tế nên những năm gần đây, người dân các tỉnh miền Tây đã mở rộng mô hình nuôi cá sặc rằn trong ao nhà. Cá sặc rằn sinh trưởng tốt ở nhiệt độ 25 - 30oC và pH nước trung tính. Thức ăn cho cá sặc rằn gồm cám, bột cá. Sau 8 - 10 tháng cá đạt trọng lượng 100 - 150 gr/con thì có thể thu hoạch được.