Ở Việt Nam, rau cần trôi thường gặp ở vùng núi hoặc trung du với độ cao dưới 1000m và được ví như măng tây trong các món ăn.
Rau cần trôi, còn có tên gọi khác là ráng gạc nai, quyết gạc nai, cây trôi tàu…, tên khoa học là Ceratopteris thalictroides (L.) Brongn. Dù mang tên “cần trôi" nhưng loại rau này lại không có “họ hàng" gì với cây rau cần mà là một chi thuộc họ dương xỉ sống lâu năm ở vùng bán cạn.
Một số tài liệu ghi chép cho thấy loại rau này được tìm thấy ở Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ.. các nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm và độ cao trên dưới 1000m so với mực nước biển. Ở Việt Nam, rau cần trôi mọc dại ở đầm lầy, bùn, ven sông suối ở các vùng núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc); Ba Vì, Chùa Hương (Hà Tây); Lương Sơn, Kỳ Sơn, Tân Lạc, Mai Châu (Hòa Bình); Thanh Sơn (Phú Thọ); Quảng Hòa, Hòa An, Thạch An (Cao Bằng)…
Cây cần trôi không có “họ hàng" gì với cây rau cần mà là một chi thuộc họ dương xỉ sống lâu năm ở vùng bán cạn.
Rau cần trôi sống thuỷ sinh, có tuổi thọ lên đến hàng năm trời. Cây có thân rễ ngắn mọc đứng. Lá mọc thành túm, có cuống dày, mọng nước, xốp và dài, phiến không sinh sản nổi hay mọc đứng, xẻ lông chim hai lần rất sâu ở cây trưởng thành, trông giống lá rau cần ta, các thuỳ dài ngắn không đều, rất hẹp, đầu nhọn. Mùa sinh sản nhiều nhất là từ tháng 6 cho đến tháng 8 hằng năm.
Cần trôi có vị đắng, tính mát nên thường được bà con sử dụng làm rau xanh trong các bữa ăn hằng ngày. Chưa hết, vị giòn giòn của loại cây này khiến nhiều người liên tưởng tới “măng tây”, thậm chí tại nhiều nơi, người ta còn gọi loại rau hoang dại mọc đầy ao hồ, sông suối này là “măng tây Việt Nam". Lá non của rau cần trôi có thể xào, luộc hoặc nấu canh, làm salad…
Loại cây mọc dại, phát triển nhanh, sống lâu năm.
Loại rau này không chỉ lạ miệng, thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe vì giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều loại rau khác. Tuy vậy, không dễ dàng để tìm được rau cần trôi trên thị trường, đa phần còn là loại rau mọc dại tự phát, được bà con vùng nông thôn sử dụng trong bữa cơm nhà. Bà Trần Thị Hòa (Bắc Giang) có một bờ ao, rau cần trôi thường mọc dại đợt cuối hè, đầu thu. Thi thoảng khi gia đình sử dụng không hết, bà Hòa vẫn cắt rau đi bán tại chợ đầu mối. Trung bình mỗi bó rau cần trôi khoảng 500gr, bà bán với giá 20.000 đồng.
Cận cảnh cành là nhánh cây rau cần trôi.
“Chủ yếu người mua là hàng xóm láng giềng trong thôn bản, vì rau mọc rất nhanh nên tôi cũng bán rẻ, cốt là để chia sẻ với mọi người chứ không nặng buôn bán kiếm tiền. Cũng vì thế mà tôi không có ý định tìm cách nhân giống hay trồng loại rau này, rau mọc tự nhiên vốn là lộc trời cho, ăn tốt cho sức khỏe nên tôi cứ để vậy”, bà Hòa chia sẻ.
Cần trôi mọc dại tại các nơi bùn nước.
Ngoài ra, nếu tìm loại rau này trên Internet hay các trang thương mại điện tử, khó có thể tìm thấy loại rau này phổ biến. Tuy vậy, một số nơi vẫn bán cây cần trôi “làm cảnh” với giá khá cao, khoảng 200.000 đồng/cây cao từ 20 - 30cm. Được biết, đây là loại cây có khả năng hút bức xạ từ máy tính và giới phong thủy truyền tai nhau rằng hình ảnh “gạc nai” của lá cây cần trôi tượng trưng cho sự vươn lên, phát triển trong sự nghiệp. Chính vì vậy, loại cây này được nhiều người chơi cây cảnh săn lùng để chơi cây thủy sinh, trồng ở bể cá...
Cần trôi được trồng thủy sinh, làm cảnh.
Thi thoảng, chị Thúy Bình (Hà Nội) vẫn có một đợt rau cần trôi để bán qua trang Facebook cá nhân. Theo tìm hiểu, chị Bình lấy rau từ một người quen ở Hòa Bình, là rau mọc tự nhiên trong vườn nhà người họ hàng này. Mỗi đợt có hàng từ 5 - 10kg, 120.000 đồng/kg, chị Bình chỉ cần rao bán là sẽ rất nhanh chóng được đặt hàng hết. “Khách sành ăn nhìn là biết ngay rau cần trôi là "của ngon vật lạ", vừa ngon lại đảm bảo sạch sẽ không thua gì rau sạch Vietgap, vì mọc tự nhiên thủy sinh nên hoàn toàn không dùng phân bón hay thuốc trừ sâu gì”.
Trong y học dân gian, rau cần trôi còn được dùng làm thuốc giải độc, chữa rắn cắn, hen suyễn. Ở Trung Quốc, rau cần trôi chữa đờm tích, ho hen, ly, lâm trọc (chứng đái ra nước tiểu đục), chữa vết thương chảy máu. Ở Malaysia, Ấn Độ, lá rau cần trôi là thuốc chữa các bệnh ngoài da.