Vào mùa nước nổi, cây rau mương theo nước vươn lên đầy các mương nước, được người dân nhổ về làm thức ăn hoặc phơi khô làm thuốc trị bệnh.
Rau mương còn có các tên: rau mương thon, rau lục, thuộc họ rau dừa nước. Đây là cây thảo cao 25 - 50cm, phân nhánh, mọc đứng, thân và cành có 4 góc tù. Lá hình dải - ngọn giáo, thuôn hẹp dài thành cuống, nhọn mũi, dài 4 - 8cm, rộng 10 -15mm. Hoa nhỏ màu trắng ở nách lá, không cuống. Quả hình trụ, nhẵn hơi phồng lên ở đỉnh, dài 15 - 18mm, rộng 2,5mm, chứa nhiều hạt hình bầu dục.
Rau mương mọc đầy các vườn, ruộng, mương…
Rau mương có rất nhiều ở các tỉnh thành, từ Lào Cai, Quảng Ninh, vào Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đến các tỉnh Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Cây thường mọc ở những chỗ ẩm ven các ngòi nước, hồ nước, các bờ đê, gò ruộng, ruộng cạn, tới độ cao 1.500m, hoàn toàn là mọc dại vì rất ít người trồng loại cây này. Đặc biệt, cây có sức sống rất mãnh liệt nên nếu có mọc chen vào các ruộng lúa thì phải nhổ bỏ để tránh việc cây phát triển lấn chỗ của lúa.
Theo lời của ông Huỳnh Văn Tá (huyện Tam Bình, Vĩnh Long), rau mương là một loại rau rất quen thuộc với người dân tại đây. Vốn được thiên nhiên ưu đãi, là môi trường lý tưởng cho nhiều loài cây cỏ mọc hoang nên người dân các tỉnh miền Tây quen với những loại rau như rau mương. Chỉ cần xách rổ đi một vòng các mương nước là đã có một bữa canh rau mương nấu tép đồng cực ngon giữa trưa hè oi ả.
Hoa rau mương rất đẹp.
Rau mương có vị ngọt tự nhiên, mùi hương đồng cỏ nội đặc trưng chứ không nồng như các loại cỏ dại. Khi ăn vào cảm thấy “nhẹ cả người” vì loại rau này có tính thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể rất tốt. Chọn những đọt non của rau mương, rửa sạch rồi nấu canh hay xào ăn đều rất ngon. Bên nồi cơm nóng, tô cá khô sền sệt nước chấm với rau mương xào mỡ cũng đủ để no lòng. Hay ăn sống rau mương với cá kho, đặc biệt là lẩu mắm thì thật tuyệt vời, không kém gì đậu đũa, đậu que, bông lục bình hay bông so đũa.
Canh rau mương nấu với tép đồng và mướp.
Vào mùa nước nổi, rau mương theo nước vươn lên, non xanh mơn mởn. Đây cũng là lúc người dân quê ra đồng hoang nhổ loại rau này về làm thức ăn. Nhiều thì mang ra chợ để bán cải thiện thêm đời sống. Gặp những đám lớn, nhanh tay nhổ nửa buổi dễ có đến cả thúng rau mương, mang về phơi khô để trong nhà làm thuốc. Bởi loại rau dại này sinh trưởng và có sức sống rất nhanh, lại dễ nhổ nên chịu khó một buổi là hái được rất nhiều.
Chính vì vậy mà dễ dàng có thể tìm được loại rau này ở các chợ quê, chợ huyện với mức giá rất phải chăng, chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/bó khoảng 200gr. Tuy vậy, có lẽ vì ở các thành thị lớn, ít người biết tới loại rau này nên khó có thể mua được rau mương ở siêu thị hay quầy rau chợ tạm. Nếu muốn ăn rau mương, chị Bình Vy (Tp. HCM) phải săn lùng các chợ mạng, tìm người đặt dùm.
Chỉ cần năng hái sẽ được một rổ đầy trong một lúc.
Theo chị Vy chia sẻ, rau mương là loại rau mộc mạc, chân chất lại phảng phất đâu đó nét đẹp văn hóa ẩm thực của vùng bưng biền nhiều sông, lắm rạch này như miền Tây quê chị. Chính vì vậy, thi thoảng khi nhớ rau mương, chị Vy phải nhờ một vài thương bán buôn bán trên các chợ chung cư, đặt rau từ miền Tây lên để tìm dùm.
“Rau mương mình đặt lần 1 - 2kg, ăn không hết thì chia lại cho bạn bè, cô dì chú bác. Loại rau này dễ ăn nên cứ mang biếu thì ai cũng thích, toàn để đổi vị cho bữa ăn. Rau mình đặt từ miền Tây lên được đóng trong thùng xốp, đi xe 1,2 ngày vẫn còn tươi nguyên. Mình cất trong tủ lạnh bảo quản thêm được vài ngày nữa ăn dần”, chị Vy chia sẻ.
Ngoài ra, trên các sàn thương mại điện tử cũng bán rau mương khô, chủ yếu được dùng làm thuốc trị bệnh dạ dày (đau dạ dày, trào ngược dạ dày, khuẩn H.P…) với giá dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Theo tìm hiểu, các loại rau mương bán trên đây đều không có số lượng nhiều, thậm chí khách phải đặt trước thì mới có hàng chứ không có sẵn như các loại lá khô khác.
Một số trang website bán rau mương.