Loài này được ví như "tôm bay", xuất hiện nhiều sau mỗi mùa thu hoạch lúa. Chúng là đặc sản lạ có mặt trong các nhà hàng, quán nhậu, giá lên tới 220.000 đồng/kg.
Châu chấu được coi là một trong những loại côn trùng phá hoại mùa màng. Ở một số nước trên thế giới, châu chấu là nỗi kinh hoàng khi chúng phá hoại hàng trăm ngàn hecta hoa màu, thậm chí là tấn công vào cả nhà dân. Còn ở Việt Nam, vào mùa lúa hàng năm, châu chấu như một loại “giặc cỏ” phá hoại mùa màng nhưng đây cũng là đặc sản quê có mặt trên bàn nhậu, trong các nhà hàng, mang về thu nhập cho người dân.
Châu chấu được nhiều người ví là “tôm bay” vì nó có thân mình thon dài, có nhiều càng giống con tôm. Từ đầu tháng 8 sang tháng 9 là thời điểm bước vào mùa thu hoạch lúa, đây cũng là thời điểm châu chấu xuất hiện nhiều trên các cánh đồng, nhất là ở các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh....
Sau mỗi mùa thu hoạch lúa là thời điểm châu chấu có nhiều trên các cánh đồng, người dân tranh thủ "vợt" để bán cho các thương lái, mang về nguồn thu nhập kha khá
Thời điểm châu chấu xuất hiện nhiều trên đồng thì chỉ cần chuẩn bị vợt to có lưới dày rồi ngồi sau xe máy chạy trên trục đường lùa châu chấu bay vào vợt. Còn vào thời điểm châu chấu thưa ít thì dùng lưới dài khoảng 7-10 mét, thậm chí dài hơn để bắt. Vợt được bao nhiêu đều có người đến thu mua ngay trong ngày.
Châu chấu có nhiều loại như châu chấu tre, châu chấu voi, châu chấu lúa… nhưng ngon nhất và đắt nhất là loại châu chấu lúa, khoảng 220.000 đồng/kg. Hàng quán ở Hà Nội là nơi tiêu thụ nhiều nhất các loại châu chấu.
Châu chấu rang lá chanh là đặc sản có mặt trên bàn nhậu
Anh Hòa An (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, ở các quán nhậu, món châu chấu rang lá chanh có giá 200.000-300.000/ đĩa, giá khá đắt so với các mồi nhậu khác. Vì thế, đến mùa anh thường đặt mua ở quê ra 2-3 cân, để tủ đá cấp đông ăn dần, có bạn nhậu mang ra chế biến cũng rất tiện và lạ nữa.
Châu chấu lúa còn gọi là trách mãnh, tên khoa học là Acrida cineria thuộc họ châu chấu Arididae, sống khắp nơi trên ruộng lúa, nương ngô, lạc, đậu, trong lùm bụi, đám cỏ, cây ăn quả và cây công nghiệp. Về thành phần hóa học, châu chấu lúa chứa tới 24,3% protid, 3,6% lipid, 210mg% P, 0,4mg% Fe và cung cấp 133 calo/100g thịt.
Không chỉ là đặc sản xuất hiện ở các quán nhậu, châu chấu còn được bán ở các khu nuôi bán chim cảnh để làm thức ăn cho chim. Loại này là châu chấu cốm, chúng có màu xanh như cốm, chưa có cánh dài, chỉ to bằng ngón tay út trở xuống, xuất hiện ở những cánh đồng hoang từ tháng 2 đến hết tháng 8.
"Loại châu chấu này non nên chế biến món ăn sẽ không ngon, không bùi như châu chấu già, hơn nữa giá lại đắt đỏ. Thế nhưng, loài này lại chứa chất diệp lục, protein, chất béo và nhiều chất dinh dưỡng nên thường được cái “đại gia chim cảnh” mua về cho chim ăn”, một người chuyên săn châu chấu ở Thanh Hóa cho hay.
Châu chấu cốm là loại châu chấu non, thường làm thức ăn cho chim cảnh
sau khi thu hoạch, châu chấu cốm được người dân đóng vào túi lưới mang về nhặt sạch rác, bỏ chân và râu rồi cấp đông ngay hoặc bán luôn cho khách với giá từ 450.000-500.000 đồng/kg.