Tuy chỉ là quả dại ăn cho vui, nhưng với vị chua chua ngọt ngọt pha lẫn, bứa rừng trở thành loại quả đặc sản được dân thành phố yêu thích.
Bứa rừng có tên khoa học Garcinia Cambogia, là một loại cây gỗ mọc hoang dại ở nhiều khu rừng tại tỉnh Quảng Ngãi. Cây bứa rừng có chiều cao trung bình khi trưởng thành 5-7m, những cây lâu năm có thể cao tới 15m.
Quả bứa rừng có kích thước nhỏ hơn cổ tay người lớn với lớp vỏ dày bên ngoài, bên trong có những múi nhỏ xếp tròn trông thật bắt mắt. Nhiều người gọi đây là quả măng cụt rừng như muốn liên tưởng đến loại trái đặc sản của vùng đất này.
Đây là loại quả đặc sản của vùng đất Quảng Ngãi, mọc hoang ở các bìa rừng
Nếu nhìn lần đầu, chắc hẳn nhiều người sẽ thấy bứa rừng có nhiều điểm tương đồng với quả măng cụt, nhưng điểm khác biệt rõ thấy nhất là màu sắc, măng cụt rừng có màu xanh, khi chín chuyển vàng nhạt, đẹp mơ màng giữa tán lá. Khi thưởng thức, lúc đầu sẽ thấy vị chát nơi đầu lưỡi, nhưng càng nhai những múi bứa mọng nước sẽ thấy ngọt ngọt, chua thanh thanh.
Những năm trước, bứa rừng mọc hoang nhiều vô kể, quả rụng kín rừng chẳng mấy ai quan tâm, chỉ có trẻ con hoặc người đi rừng hái để ăn cho vui. Mấy năm trở lại đây, hương vị chua ngọt của quả bứa rừng được biết đến nhiều hơn, và trở thành thứ quả đặc sản được nhiều chị em ở thành phố yêu thích.
Loại quả dại này có nhiều điểm tương đồng với quả măng cụt nên người dân nơi đây còn gọi nó là quả măng cụt rừng
Chị An Khánh (quê ở Quảng Ngãi) tâm sự: "Hồi con nhỏ, cứ mỗi buổi trưa, tôi và các bạn trong xóm lại trốn bố mẹ tụ tập bên những gốc bứa. Đứa lớn thì trèo lên cây hái và dùng cây khoèo những quả bám nơi cành xa, đứa nhỏ thì đứng dưới nhặt lại rồi cùng nhau thưởng thức. Vỏ bứa dày phải dùng răng cắn, vị chát từ vỏ bứa đọng nơi đầu lưỡi, nhưng khi ăn những múi bứa màu vàng nhạt chua thanh, ngọt ngọt rất ngon".
Chị Khánh cho biết trước đây đi bộ ra bìa rừng, đồi cạnh bên là có thể tìm bứa mọc và hái ăn thỏa thích. Nhưng bây giờ, bứa rừng bị người dân chặt phá bỏ để lấy đất trồng bạch đàn, rồi keo nên ngày một hiếm dần. Tại nhiều nơi phải lên tận vùng núi khá xa mới tìm thấy. Loại quả rừng này mấy năm nay xuất hiện ở thành phố, vì lạ lẫm nên hương vị của bứa rừng đã làm say đắm thực khách và trở thành một đặc sản hấp dẫn được nhiều người săn đón.
Quả bứa rừng cả xanh và chín đều có thể ăn được
Mùa bứa rừng chín hàng năm ở Quảng Ngãi thường bắt đầu từ khoảng tháng 8, kéo dài khoảng 2 tháng sau thì hết. Bứa rừng thu hoạch được người dân bày bán dọc ven đường, nhiều nhất là dọc tuyến giao thông ở gần trung tâm huyện Trà Bồng. Nhiều người mang bứa rừng lên chợ mạng và rao bán ở nhiều tình thành phố.
Dạo một vòng quanh chợ mạng, chợ chung cư, quả bứa rừng được rao bán khá nhiều với giá từ 35.000-55.000 đồng/kg, có cả bứa canh và bứa chín nhưng số lượng không nhiều. Những người chưa biết đến loại quả dại này thì đặt mua ăn thử, còn những người đã biết đến bứa thì tranh thủ đặt mua để thương thức hương vị của thứ quả gắn với tuổi thơ.
Bứa rừng phơi khô được bán với giá 200.000 đồng/kg
Đăng bán bứa trên trang cá nhân, chị Lan (ở Quảng Ninh) giới thiệu: "Quả bứa hay còn được mệnh danh là măng cụt rừng, mùi hương dễ chịu, vị chua chua ngọt ngọt lạ miệng. Bứa chín 45.000 đồng/kg, có thể ăn sống, hoặc lấy ruột ngâm đường, ngâm rượu, còn vỏ đem phơi khô nấu canh chua, kho cá ăn dần. Quả bứa xanh giá 35.000 đồng/kg, dùng để kho cá, nấu canh chua rất ngon".
Chị Lan chia sẻ, chị quê ở Quảng Ngãi nên năm nào đến mùa cũng nhờ bố mẹ gom bứa của bà con hái trong rừng rồi đăng lên chợ mạng bán. Những năm đầu loại quả này chưa được nhiều người biết đến nên giá rẻ và bán được số lượng ít nhưng khoảng 3 năm nay, loại quả này được nhiều chị em thích mê. "Mỗi mùa tôi bán được vài yến bứa. Ngoài bứa tươi, tôi còn bán cả bứa khô 200.000 đồng/kg cho những chị em nào muốn nấu canh, kho cá quanh năm. Lá và hạt bứa cũng có vị chua nên được thái nhỏ nấu canh chua", chị Lan nói.
Vì nó mang lại kinh tế nên mấy năm nay, người dân các huyện vùng núi ở Quảng Ngãi đến mùa lại vào rừng hái bứa bán cho thương lái. Bà Lê Thị Hân, ở xã Trà Lãnh, huyệnTây Trà cho biết bứa rừng hái về là có thương lái đến tận nhà mua ngay với giá cao, nên những lúc nông nhàn, bà con chịu khó lên hái cũng được vài ba chục cân bứa.
Theo một số tài liệu y học, nhiều thành phần của bứa rừng như vỏ cây... được sử dụng làm dược liệu để chữa một số bệnh thấp khớp, đường ruột, đau tai, giun sán, lỵ, hạ nhiệt...