Mặc dù có giá vô cùng rẻ, chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/bó nhưng loại quả này lại không hề dễ tìm thấy ở thành phố.
Đồng bằng Sông Cửu Long được thiên nhiên ban tặng đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nước ngọt quanh năm… nên có ưu thế tuyệt đối trong phát triển nông nghiệp. Vì thế nơi đây rất đa dạng các loại trái cây, đặc biệt còn nổi tiếng với thức quả độc, lạ và ngon khó cưỡng.
Thứ quả gắn bó với tuổi thơ của bao người miền Tây
Anh Lâm Vũ (32 tuổi, Tiền Giang) tâm sự: “Quê tôi có nhiều loại trái cây sạch, thơm ngon và bổ dưỡng lắm. Mùa nào là có loại quả đó nên người dân tha hồ thưởng thức, thậm chí ăn không xuể còn để chúng rơi rụng đầy vườn. Nhưng ấn tượng với tôi hơn tất cả chính là quả ô môi – có thể nói nó chính là thứ quả gắn liền với tuổi thơ của tôi và bao người miền Tây”.
Quả ô môi có vỏ màu đen nhánh, xù xì. Quả có hai đường gân chạy dài từ đầu quả cho đến cuống, khoảng 50-60cm. Vì vậy ai muốn ăn phải chặt ra từng khúc, ép hai đường gân cho xệu xạo rồi mới lấy múi ô môi đen nhánh, tròn tròn như đồng tiền ra…
Quả ô môi dài khoảng 50-60cm, có màu đen nhánh.
“Ngày xưa, hễ đến mùa ô môi là vườn hoặc đường làng lại đầy những quả chín không ai nhặt. Tôi và đám trẻ trong xóm cứ đến trưa là trốn cha mẹ ra vườn nhặt quả chín rụng hoặc cầm que đập quả cho đến khi rơi thì thôi. Sau đó, đứa nào đứa ấy tự róc lấy thịt rồi chấm với muối ớt. Có lẽ từng múi cơm ô môi đen sì xếp thành từng lớp đều nhau sẽ khiến người ta “sợ” nhưng nếm rồi mới thấy ngon làm sao”, anh Vũ nhớ lại.
Chị Trần Liễu (35 tuổi, quê Bến Tre) - hiện sinh sống tại TP.HCM cho biết, ngoài cơm thì hạt ô môi cũng có thể ăn được. Hạt có màu hồng nhạt, cỡ đầu ngón tay và đính kèm bên trong múi ô môi.
“Hạt ô môi là nguyên liệu để nấu chè - thức nước giải khát bình dân ở vùng quê miền Tây. Để nấu một nồi chè ô môi cũng đơn giản lắm, chỉ cần ngâm nước cho vỏ của hạt mềm ra, lột sạch rồi bỏ vào nấu cùng dừa là được. Món chè này có mùi thơm của dừa tươi, độ bùi béo của hạt ô môi.
Quả ô môi sau khi bóc vỏ.
Trước khi dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát, tôi may mắn về quê được mẹ gói cho một túi nhỏ hạt ô môi thu hoạch từ năm ngoái đem lên thành phố. Sau đó tôi mải mê công việc nên cũng không làm gì chúng cả. Đến khi Sài Gòn giãn cách xã hội, tôi đem chúng ra nấu một nồi chè để mọi người trong nhà thưởng thức. Tụi trẻ lần đầu được ăn và khen ngon lắm. Các con còn bảo khi nào ngoại gửi lên, mẹ nấu tiếp nhé”, chị Liễu tâm sự.
Ô môi có giá 25.000 đồng/bó 20 quả nhưng mua được không dễ
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, thị trường càng xuất hiện món quà vặt mới – lạ miệng khiến người ta quên đi những thức quà miệt vườn dân dã. Chỉ khi chợt bắt gặp lại hình ảnh trái ô môi ở đâu đó thì họ mới nhớ đến.
Chị Mỹ Phương (40 tuổi, TP.HCM) – dân buôn hoa quả miền Tây thứ thiệt cho hay: “Trước giờ, tôi chỉ nhập rồi đổ buôn, bán lẻ sầu riêng, bưởi, thanh long, chôm chôm, măng cụt... từ các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long lên Sài Gòn. Vậy mà đợt gần đây có người nhắn tin hỏi tôi có bán trái ô môi hay không? Tôi giật mình vì giờ có mấy người nhớ đến loại quả dại này nữa”.
Thịt ô môi chấm với muối ớt, còn hạt là nguyên liệu nấu chè.
Theo chị Phương, giờ là thời điểm để người dân miền Tây thu hoạch quả ô môi chín. Vì thế chúng hiện được bày bán rất nhiều ở các chợ quê với giá 25.000 – 30.000 đồng/bó/20 quả. Song để vận chuyển chúng lên Sài Gòn lại không phải chuyện dễ.
“Phần vì đang dịch bệnh, phần người quê họ đổ buôn cho những người thu mua ô môi để sản xuất dược liệu. Vì thế tôi rất khó gom ô môi để bán cho người dân thành phố. Nếu sang năm nhiều người hỏi mua, tôi sẽ nhập về rồi rao bán”, chị Phương tâm sự.