Thứ quả này từng là món quà vặt với những đứa trẻ ở núi rừng Tây Nguyên. Khi chín quả chuyển sang màu tím, vị chua ngọt và mọng nước.
Nếu ai đã từng dừng chân dưới tán lá xanh, thưởng thức những quả chòi mòi chín mọng ở núi rừng Tây Nguyên, chắc hẳn sẽ không thể quên được cái vị chua thanh, ngọt dịu của chúng. Đây không chỉ là món quà của thiên nhiên, mà còn là ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ lớn lên ở vùng đất này.
Trái chòi mòi là quả rừng có vị chua ngọt hấp dẫn, từng gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ ở núi rừng Tây Nguyên
Những năm gần đây, khi các loại quả rừng có hương vị lạ được du khách và người thành phố "săn lùng" về thưởng thức, thì quả chòi mòi bỗng thành đặc sản nổi tiếng. Tại nhiều tuyến đường ở các tỉnh Tây Nguyên, hay trên chợ mạng và một số cửa hàng bán đặc sản vùng miền, quả chòi mòi được rao bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Vì lạ lẫm nên ai ghé ngang qua đều mua để ăn thử.
Theo tìm hiểu, chòi mòi còn có tên gọi khác là chồi mồi, cây cơm nguội, chua mòi, chóp mòi,... Ở nước ta, cây thường phân bố rộng rãi khắp mọi nơi nhưng thường tập trung ở một số tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Quả chòi mòi khi chín có màu đỏ tím đẹp mắt, mọc thành từng chùm, có thể ăn vặt cho vui miệng hoặc làm mứt, ngâm rượu
Quả chòi mòi có kích thước bé, chúng mọc thành chùm nhìn rất thích mắt. Trái non có màu xanh, khi gần chín chuyển sang màu đỏ, chín kỹ chuyển sang màu tím. Khi ăn có vị chua chua pha lẫn vị ngọt nhẹ. Chúng ra hoa từ khoảng tháng 3 đến tháng 6, quả chín rộ nhất từ tháng 7.
Chị Uyên (ở huyện Tuy Đức, Đắk Nông) cho biết: "Quả chòi mòi khi chín có thể ăn như một loại trái cây rừng, hoặc xóc muối ớt thành món đặc sản có vị chua, cay, mặn, ngọt. Trước đây chỉ có người dân miền núi biết tới chòi mòi. Bây giờ thứ quả này thành đặc sản được nhiều người săn tìm, nên đến mùa tôi hái về để bán.
Mỗi ngày tôi tranh thủ hái được khoảng 10kg trái chòi mòi, mang một ít bán ở ven đường cho khách du lịch. Còn lại tôi rao bán trên chợ mạng".
Trước đây cây chòi mòi có nhiều nhưng bây giờ phải đi vào rừng sâu mới hái được trái dại này
Vì được khách du lịch và người dân thành phố tìm mua nên người dân đi hái chòi mòi về bán
Không chỉ ăn cho vui miệng, theo chị Uyên, trái chòi mòi còn có thể làm mứt hoặc ngâm rượu, đặc biệt là làm thức uống thảo dược. Ở Tây Nguyên, rượu chòi mòi dùng để thiết đãi khách quý.
Nhớ về quả chòi mòi, anh Hoàng (ở làng Sơ, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) kể: "Tôi lên thành phố nhiều năm, một lần về quê đúng mùa quả chín, bắt gặp tán cây chòi mòi cao lớn với từng chùm quả chi chít. Thoáng chốc, bao nhiêu ký ức thời trẻ của tôi ùa về. Hồi đó tôi và anh chị thường vào rừng hái chòi mòi, ăn luôn dưới gốc cây. Quả nào chín kỹ, mọng nước thì rất ngọt, còn chín vừa thì có vị chua".
Ở Thái Lan, phần thịt trái chòi mòi chín được nghiên cứu để chế biến thành bột thảo dược hòa tan giúp chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe...