So với "anh chị em" cùng dòng họ, những loại quả rừng này có nhiều khác biệt về hình dáng cũng như hương vị khiến nhiều người thấy lạ lẫm, tìm mua về ăn thử.
Nhãn rừng
Nhãn là hoa quả mùa hè được nhiều người yêu thích. Nhắc tới quả nhãn ở Việt Nam có những loại nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên, nhãn cùi, nhãn Hương Chi... Còn nhãn rừng thì rất ít người biết đến và chưa từng được thưởng thức bởi nhãn rừng chỉ mọc trên sườn núi cao, năng suất có hạn, thậm chí nhiều cây còn không ra quả. Vì thế, không dễ dàng để mua được nhãn rừng ở các chợ hay cửa hàng hoa quả ở đồng bằng.
Chia sẻ với báo Vietnamnet, chị Xanh - tiểu thương bán hoa quả ở chợ Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chị có người họ hàng ở miền múi, hàng năm khi tới mùa nhãn rừng, chị phải nhờ người thân gom để chuyển về Hà Nội bán cho khách.
Chị Xanh tiết lộ, nhãn rừng thường vào mùa sớm hơn 1-2 tháng so với các loại nhãn khác và số lượng có hạn. Không phải cây nhãn rừng nào cũng sai quả, thậm chí có cây vài năm mới ra quả một lần. Cây nào sai thì thu hoạch được 20-30kg, có cây chỉ lác đác vài quả. Công tác thu hoạch cũng gặp rất nhiều khó khăn, bà con dân tộc phải vào rừng, trèo lên núi đá mới hái được.
Nhãn rừng có hương vị đặc trưng, ngọt bùi chứ không phải ngọt đậm như nhãn thường, cùi nhãn rừng mỏng màu vàng óng, dẻo thơm. Vỏ nhãn dày và cứng, quả nhỏ hơn hẳn nhãn thường, rất dễ phân biệt.
Theo khảo sát, nhãn rừng thường được bán trên thị trường với giá từ 45.000-55.000 đồng/kg, đắt hơn nhãn thương một chút nhưng vì lạ và hiếm gặp nên nhiều người đặt mua về ăn thử.
Vải rừng
Vải rừng là đặc sản của Tây Ninh, đã xuất hiện trên thị trường vài năm trở lại đây và được nhiều người tìm mua mỗi khi đến mùa vì có mùi vị khác lạ. Mùa vải rừng kéo dài từ 2-3 tháng nhưng mặt hàng này không có nhiều, đến chừng cuối tháng 6 thì sẽ khan hiếm vì quả đã được người dân vào rừng thu hái gần hết, muốn có thêm phải vào sâu trong rừng, sẽ khiến giá quả tăng lên.
Người dân miền Nam gọi quả vải rừng là trái trường. Nó có vỏ rất giống với quả vải thông thường nhưng hình dáng của quả thuôn dài chứ không tròn đều, và kích thước chỉ bằng nửa vải thiều.
Phần cùi của vải rừng khá giống quả chôm chôm, có vị chua chua kích thích vị giác chứ không ngọt đậm nên thường được các chị em văn phòng ưa thích. Do có vị chua nên quả này thường được ăn bằng các xóc cùng muối ớt hoặc trộn cùng nước nắm đường thành món vải dầm ngon thứ thiệt, ngon hơn cả cóc và xoài dầm.
Vải rừng cũng được bán trên chợ mạng với giá chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, loại 50.000 đồng/kg là loại ngon và có kèm thêm gia vị để trộn.
Chị Hạnh (tiểu thương bán vải rừng ở Hà Nội) cho biết loại quả này được các chị em văn phòng yêu thích nên năm nào chị cũng nhập hàng về bán. "Loại quả này không vận chuyển đi xa được, mang ra các tỉnh miền Bắc lại càng khó. Đây là quả khó bảo quản, để lâu vỏ quả sẽ bị thâm không còn đỏ đẹp như lúc mới hái, ruột cũng bị teo lại, nên đến mùa tôi chỉ lấy đủ bán trong ngày, ai mua thêm thì hẹn sang ngày mai nhập hàng mới chứ không lấy nhiều cùng một lúc", chị Hạnh nói.
Măng cụt rừng
Măng cụt rừng xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, được biết với những cái tên như trái rỏi, quả bứa rừng... Trước kia, măng cụt rừng mọc dại rất nhiều, nhưng không được mấy ai quan tâm, đến mùa trái chín người dân khi đi rừng hái về ăn hoặc mang xuống chợ bán với giá rất rẻ. Nhưng bây giờ thì khác, hương vị của loại quả này được nhiều người biết đến, trở thành trái cây rừng "đặc sản" được nhiều người tìm mua để ăn thử.
Theo khảo sát, măng cụt rừng có giá khoảng 50.000 đồng/kg. Măng cụt rừng có hai loại, một loại có vẻ ngoài trông y đúc quả măng cụt thường nhưng vỏ màu đỏ hồng thì được người dân An Giang gọi là trái rỏi, còn một loại vỏ màu vàng vàng còn gọi là quả bứa rừng.
Quả măng cụt rừng của nó có hương thơm nhẹ dễ chịu, ăn vị chua ngọt, có nhiều hạt. Thịt bên trong xếp khía múi trông như trái măng cụt thường.
Mít rừng
Mít rừng là loại trái cây mọc tự nhiên trong rừng ở các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Nông, Đắk Lắk và một số tỉnh miền Trung. Ở đó, người ta còn gọi mít rừng là mít nài, quả bé hơn mít Tố Nữ, mỗi cân có khoảng 2-3 quả, múi ướt.
Về hương vị, mít rừng có vị chua như chanh leo chứ không ngọt sắc như các loại mít thường, thậm chí có quả rất chua, phải dầm với muối ớt mới ăn được.
Quả mít rừng có múi dày đặc, vị hơi chua và có mùi thơm của mít thông thường
Trước đây, mít rừng rụng đầy gốc, người dân nhặt về để ăn còn hạt sẽ rang lên chứ không thấy ai bán ở chợ. Gần đây, nhiều người thích mùi vị lạ của loại quả này nên người dân các bản lân cận đi rừng để hái về.
Các tiểu thương ở Đắk Lắk cho biết mấy năm gần đây có người hỏi mua mít rừng nên họ lấy về bán, lúc đầu chỉ vài người mua, sau đó số lượng người đặt càng đông, có cả mua sỉ và mua lẻ nên mỗi ngày bán tới vài tạ mít.
Theo chị Giang (tiểu thương ở Đắk Lắk) cho biết khách đặt mua mít rừng chủ yếu ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội với giá buôn từ 20-25.000 đồng/quả, mọi người lấy về bán lẻ khoảng 35.000 đồng/quả, tính ra mỗi cân khoảng 100.000 đồng.
Trên chợ mang, loại quả này cũng được đăng bán với giá từ 35.000-50.000 đồng/quả.