Vào mùa mưa, người dân ở huyện Yên Thành, Nghệ An đi bắt loài đặc sản này để ăn và bán cho thương lái.
Những năm gần đây, các loại côn trùng như kiến vàng, dế, cào cào, châu chấu, bọ cạp.... trở thành món ăn vừa lạ vừa ngon được người thành phố tìm mua về thưởng thức. Trong số đó phải kể tới con nhện đen sọc vàng ở núi rừng Bình Thuận và Nghệ An.
Theo tìm hiểu, nhện đen sọc vàng còn có tên gọi khác là nhện chuối, tên khoa học Nephila pilipes, cư trú trên khắp Đông Nam Á cũng như Châu Đại Dương. Tại Việt Nam, chúng có nhiều ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Loài nhện này có 6 chân, thân màu đen với những sọc vàng trên lưng và các đốm màu vàng dưới bụng. Con đực có pha chút màu phấn nên các sọc vàng nhạt hơn, không nổi bật bằng con cái.
Người dân địa phương cho biết, khoảng tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là thời điểm nhện đen sọc vàng bắt đầu xuất hiện. Đặc biệt loài này có nhiều vào những ngày mưa. Chúng giăng tơ qua các cành cây vừa tầm với hoặc cao hơn đầu người một sải tay. Loài này hiền lành và di chuyển chậm nên chỉ cần dùng nhánh tre khô để khều làm nhện rơi xuống. Người bắt nhện chọn những con trưởng thành có kích cỡ to hơn ngón tay cái.
Anh Thanh (ở xóm Làng Cầu, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) cho biết trước đây người đi rừng thường bắt con nhện đen sọc vàng làm thức ăn cứu đói. Cách chế biến nhanh nhất là xâu chúng vào thanh tre rồi nướng bằng than củi. Nếu có đầy đủ dụng cụ nồi niêu, người ta rang nhện bằng nước mắm hoặc muối sẽ mang đến hương vị đậm đà hơn. Chúng vừa bùi vừa béo, có chút tơ nhện rất đặc trưng.
"Con nhện này dễ bắt, nhưng phải cẩn thận vì rất dễ bị chúng cắn. Loài này không có nọc độc nhưng chỗ cắn dễ bị sưng tấy vài hôm mới khỏi. Người dân địa phương ví loài này là sản vật của núi rừng, làm mồi nhậu cũng rất ngon", anh Thanh nói thêm.
Không chỉ là một món ăn dân dã, nhện đen sọc vàng còn mang lại thu nhập cho người dân. Theo đó, 1kg nhện được bán với giá từ 100.000-300.000 đồng/kg tuỳ kích cỡ, nhện càng to bán càng được giá. Trung bình một ngày, nếu may mắn một người có thể bắt được hơn 1kg nhện, thương lái thu mua tận nơi.
Chị Ngọc (người chuyên đi bắt nhện ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) cho biết: "Muốn bắt được loài nhện này phải đi vào sâu trong rừng, khá vất vả và nguy hiểm, do địa hình rừng núi hiểm trở, đôi khi bị ngã chấn thương, nhưng bù lại có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Sau khi bắt về, tôi để lại một ít để ăn, còn lại bán cho thương lái".
Dù là món ăn đặc sản của người dân địa phương, nhưng chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: "Chúng tôi khuyến cáo không nên bắt nhện làm thực phẩm. Nhện là mắt xích nằm trong hệ sinh thái, bên cạnh có hại thì vẫn có lợi. Hơn nữa, thực vật và động vật trong tự nhiên rất đa dạng, nhiều cây, con tiềm ẩn độc tố gây hại sức khỏe, không phải loài nào cũng ăn được".
Các chuyên gia khuyến cáo những người có tiền sử dị ứng với côn trùng không nên ăn loài nhện này để tránh nguy cơ bị ngộ độc.