"Tôi chỉ hy vọng, với lá đơn, cùng tấm lòng của bậc sinh thành… con trai có thể giữ được mạng sống. Đây là mong ước lớn nhất của một người mẹ như tôi”, bà Thi, mẹ của Vũ Văn Tiến thành thật.
Ngồi trong căn phòng nhỏ, khuôn mặt gầy rộc so với lần đầu chúng tôi gặp, vợ chồng ông Nguyễn Phú Hải (cha Vũ Văn Tiến) nghẹn đắng: “Con tôi sai thì phải chịu. Nhưng, Tiến bị phạt tử hình bằng khung hình phạt của Nguyễn Hải Dương thì nặng quá”.
Ông kể, vài hôm trước khi phiên tòa lưu động diễn ra, cả gia đình không ai chợp mắt được. Cả nhà đều cầu mong cho Tiến thoát án tử. Hôm xử, ông đến, nhưng sợ mọi người phát hiện nên lủi vào đám đông. Ông thấy cảnh khóc lóc của người thân bị hại thì lòng thắt lại.
Ba bị cáo trong phiên tòa
Suốt buổi sáng, ông không dám đứng một chỗ vì sợ bị phát hiện. Ông cũng không dám đứng gần vành móng ngựa dù rất muốn được nhìn thấy mặt con trai. Ông chỉ thấy lưng con trai với chiếc áo màu xám. Đến trưa, ông trở về nhà. Buổi chiều, ông mở ti vi xem trực tiếp phiên xử vì: “Đến đó không được nhìn thấy mặt con. Ở nhà, xem ti vi tôi mới nhìn thấy mặt nó”.
Ngồi bên cạnh, bà Vũ Thị Thi (mẹ Tiến) nước mắt ngắn dài: “Từ khi sinh Tiến ra đến nay, tôi rất hy vọng nó thành công trong cuộc sống. Đầu năm, tôi đi xem bói, thầy bói nói năm nay là năm tuổi nên phải canh chừng. Về nhà, tôi căn dặn con rồi canh chừng rất kĩ. Trước khi bị bắt, thấy Tiến sút cân, tôi đi mua mấy bịch sữa về bồi dưỡng cho con. Thế nhưng, nó chỉ mới uống hết hai bịch thì công an ập vào bắt giữ”.
Hôm xử sơ thẩm, bà có đến nhưng hóa trang bằng cách mặc áo khoác, khẩu trang bịch kín mít tránh trường hợp bị phát hiện. Bà lắng nghe từng lời khai của con trai. Khi nghe viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình, bà không kìm được nỗi lo sợ và bật khóc. Người dân đứng gần hỏi có phải người nhà của ba bị cáo không, bà chối bay chối biến.
Theo dõi diễn biến phiên tòa cùng lời khai của Tiến, bà đặt rất nhiều niềm tin và cho rằng, con trai sẽ thoát được án tử. Thế nhưng, sau giờ nghị án, Tiến phải nhận mức án tử hình cùng với Dương. Lúc này, lòng người mẹ tan nát, ngã gục khóc. Lần này, bà thừa nhận với mọi người chính là mẹ của Tiến. “Là người mẹ, nuôi con từ khi đỏ hỏn đến lúc lớn. Chính tai mình nghe tuyên án nó bị tử hình làm sao chịu nổi”, bà rấm rứt.
Bà kể, sinh được 5 người con, trong đó, Tiến là con út. Cả bốn anh chị đều đã kết hôn. Trong mắt bà, Tiến là đứa con hiền lành, siêng năng và ít nói. Từ khi Tiến bị bắt đến nay, gia đình như rơi vào vũng lầy, lúc nào cũng cảm thấy nơm nớp lo sợ.
Do hoàn cảnh quá nghèo, gia đình bà Thi không có đủ tiền để mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con trai. Trong phiên xử, dì của Tiến đã dung máy thu âm ghi lại toàn bộ diễn biến phiên tòa. Sau đó, vợ chồng bà Thi đã nhờ luật sư tư vấn ngay tại phiên tòa.
Về đến nhà, vợ chồng bà viết một lá đơn xin tha tội chết cho con trai để gửi cho chủ tịch nước và các báo đài dài 7 trang giấy. Trong đơn, vợ chồng bà lập luận với 7 luận điểm quan trọng.
Người thân bên di ảnh các bị hại
Thứ nhất, Tiến là đồng phạm, bị Dương lôi kéo, khống chế về mặt tinh thần và không thể thoát ra. Thứ hai, Tiến nhiều lần tỏ thái độ không đồng tình, khuyên Dương nên dừng lại. Thứ ba, Tiến giúp Dương khống chế các nạn nhân với động cơ là để tra hỏi lấy tiền chứ không có ý định sát hại các nạn nhân. Thứ tư, Tiến không bàn bạc, không trực tiếp ra tay sát hại các nạn nhân, không chuẩn bị các phương tiện… Thứ năm, Tiến có trình độ học vấn thấp, gia cảnh nghèo khó, thiếu tự chủ, thành khẩn khai báo, hối hận, cả nội và ngoại đều giàu truyền thống cách mạng…
“Gia đình tôi không có học vấn cao, không biết phải làm gì để kêu cứu cho con trai. Bất kể chúng tôi nghe mọi người khuyên làm gì thì làm theo. Tôi chỉ hy vọng, với lá đơn, cùng tấm lòng của bậc sinh thành… con trai có thể giữ được mạng sống. Đây là mong ước lớn nhất của một người mẹ như tôi”, bà Thi thành thật.
Luật sư Lê Văn Nam (luật sư chỉ định cho Tiến) thông tin, Tiến đã gửi đơn kháng cao lên TAND Cấp cao tại TP HCM theo thủ tục xét xử phúc thẩm để xin giảm án. Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 17/12, Tiến tỏ ra hối hận. Tiến xin lỗi gia đình các nạn nhân và mong được tha tội chết để có cơ hội quay về làm lại cuộc đời, sửa chữa một phần lỗi lầm. Tiến khóc trong phiên tòa sơ thẩm Theo nội dung vụ án, Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, ngụ An Giang) và chị Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi) từng có mối quan hệ tình cảm. Khoảng 4 năm nay, Linh nói lời chia tay. Từ đó, Dương nảy sinh lòng thù hận, lên kế hoạch giết cả gia đình người yêu cũ để trả thù. Rạng sáng 7/7, Dương cùng Tiến đột nhập vào biệt thự của ông Lê Văn Mỹ (cha chị Linh) ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Tiến được xác định siết cổ, khống chế các nạn nhân để Dương dùng dao sát hại 6 người. Trong vụ án, Trần Đình Thoại (27 tuổi, tỉnh Vĩnh Long) từng được Dương rủ đến nhà ông Mỹ. Sau đó, Thoại sợ và từ chối. Trong phiên tòa sơ thẩm, Dương và Tiến cùng bị mức án tử hình. Riêng Thoại bị phạt 16 năm tù giam, tất cả cùng về tội Giết người, Cướp tài sản. |