Đều đặn mỗi thứ 6 hàng tuần khi con học xong ở trường, chị Mai lại gọi xe ôm chở bé Khôi từ Bình Tân lên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - nơi mẹ đang nằm trị bệnh chỉ để.... nhìn cho đỡ nhớ con.
Niềm tin cạn kiệt
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn trong một gia đình với 2 chị em gái, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Phương Mai (sinh năm 1966) đã phải vật lộn trong cảnh nghèo khó. Vừa đôi mươi, chị đã phải đi làm đủ nghề trước khi xin vào một xí nghiệp nhỏ làm công nhân để có tiền đỡ đần lo thuốc thang cho ba mẹ.
Dòng xoáy cơm - áo - gạo - tiền cuốn phăng đi tuổi thanh xuân của người con gái tảo tần lúc nào chẳng rõ. Để đến khi giật mình nhìn lại khi đã ở tuổi tứ tuần, chị vẫn chưa có một chỗ dựa hay bến đỗ để dừng chân. Cha mẹ già không ít lần thúc giục, sợ khi họ trăm tuổi già đứa con gái út vẫn bơ vơ. Thương cha mẹ, lo sợ phận mình, chị Mai gật đầu đồng ý lời ngỏ ý của người đàn ông trạc tuổi ở gần nhà. Anh ấy vẫn hay qua lại thăm nom cha già mà ngó coi cũng hiền lành, chịu thương chịu khó. Đám cưới nghèo diễn ra với lời chúc tụng của họ hàng hai bên và nụ cười hiền, mãn nguyện của những bậc sinh thành. Không lâu sau đó bé Khôi (con chị Mai) ra đời.
Tìm thấy và quyết định gắn bó với nhau khi cả hai vợ chồng đều đã lớn tuổi, cứ nghĩ họ sẽ yêu thương và gắn bó với nhau cho đến bạc mái đầu thế nhưng ngôi nhà tranh, 2 quả tim vàng và tiếng cười bi bô của trẻ thơ mấy chốc tan vỡ vì sự thay đổi chóng mặt của người chồng.
“Từ khi Khôi ra đời, chồng tôi sa đọa, rơi vào cờ bạc, rượu chè rồi muôn vàn những thói hư tật xấu khác. Lúc đó tôi đi làm công ở một trường tiểu học, lương tháng không đủ để trả nợ cho chồng, huống gì lo cho con. Gắng gượng được thời gian, không chịu nổi nữa, tôi ly hôn chồng, khi ấy Khôi mới chỉ vào lớp 2. 5 năm qua, một mình tôi đi làm để nuôi con ăn học”, mắt chị Mai ầng ậc nước khi kể về hoàn cảnh của mình.
Chị Mai bật khóc khi nói về hoàn cảnh của mình.
Thiếu vắng đôi bàn tay của người đàn ông, đôi vai của người mẹ tội nghiệp phải gồng gánh thêm bao nhiêu là trách nhiệm. Vật lộn với dòng đời, bươn chải làm nhiều việc chỉ để lo lắng và chăm sóc cho con, vừa làm cha, vừa làm mẹ, không ít lần chị Mai trốn ra hiên nhà trọ khóc khi nghe con ngây thơ hỏi “Sao con thấy cha, con gọi mãi mà cha không trả lời”.
Vẫn tưởng cảnh làm mẹ đơn thân đã đủ bất công với người phụ nữ tảo tần, cách đây 2 năm, một bi kịch cuộc đời giáng xuống đầu chị khi phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung vào giai đoạn muộn. “Tôi thấy mình thường xuyên đau bụng, xuất huyết bất thường nhưng không dám nghỉ làm cũng như không có tiền để đi khám. Đến khi vào bệnh viện, bác sĩ bảo tôi mắc ung thư cổ tử cung, đang có dấu hiệu di căn sang những bộ phận lân cận. Nghe xong, tôi gần như ngã gục”, chị Mai kể.
Những lúc nhớ con, chị Mai thường gọi bác xe ôm gần nhà, nhờ chở con lên thăm.
Mặc dù có bảo hiểm y tế nhưng số tiền phải trả cho những đơn thuốc xạ trị vượt hoàn toàn khả năng có thể chi trả của người mẹ nghèo, vay mượn khắp nơi với ước mong chữa hết bệnh để tiếp tục sống mà nuôi con. Từ đó chị Mai bắt đầu làm bạn với bệnh viện, với những đợt điều trị kéo dài. Xong mỗi đợt, được về nhà, không còn sức để xin làm công nhân, chị Mai lãnh vé số đi bán mong kiếm thêm được vài đồng mua tập, sách cho con và có tiền để tiếp tục trị bệnh.
Thương mẹ, chưa một lần Khôi than thở về hoàn cảnh gia đình.
Từ khi phát hiện bệnh cho đến hiện tại, chị Mai không còn nhớ hai mẹ con đã dọn đi hết thảy là bao nhiêu căn nhà trọ. Trong một lần bán vé số gặp lại người bạn cũ, thương cho hoàn cảnh đơn chiếc của hai mẹ con, họ cho chị dọn đến mảnh đất bỏ trống ở quận Bình Tân, cất căn chòi nhỏ, làm chỗ che mưa che nắng. “Bán vé số được vài tháng, bệnh trở nặng, tôi lại trở vào bệnh viện, bé Khôi ở lại một mình trong căn chòi. Hàng xóm, mạnh thường quân biết hoàn cảnh, thương tình thì cho ít tiền để xoay xở. Giờ tiền bạc cũng cạn, sức khỏe thì không biết tôi cầm cự đến khi nào. Cả niềm tin giờ cũng dần cạn kiệt, cuộc đời tôi giờ như ngọn đèn treo trước gió, chẳng còn hy vọng gì nữa đâu”, nói đến đây chị bật khóc.
Thường chị Mai hay ăn cơm từ thiện, hôm nào có nhiều tiền chị mới dám mua cơm.
“Lỡ mai này mẹ chết…”
Ngày PV đến thăm chị Mai cũng là lúc Khôi mới từ Bình Tân lên thăm mẹ. Chị Mai bảo nay con bắt đầu nghỉ hè, chỉ còn học thêm vài môn ở trường nên cũng rảnh rỗi. Lúc trước mỗi lần cuối tuần nhớ con, chị hay gọi điện thoại cho bác xe ôm gần nhà chở giùm con lên thăm mẹ, dù đôi lúc chỉ để nhìn và nghe thấy giọng con.
“Thầy cô biết hoàn cảnh nên miễn hoàn toàn học phí. Mấy tháng gần đây khi tôi vào lại bệnh viện, Khôi sáng đi học, trưa về được cô chú hàng xóm nấu cơm giúp cho ăn. Tối lại chạy sang nhà thầy giám thị để ngủ nhờ. Thương con, nhớ con nhưng giờ số phận như vậy, thử hỏi tôi còn biết làm sao?”, khẽ đưa mắt nhìn con, chị bật khóc.
Căn chòi nhỏ trên bãi đất trống ở quận Bình Tân- nơi mẹ con chị Mai trú ngụ.
Một mình nằm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khi không có bất kỳ người thân nào chăm nom, chị bảo việc gì làm được thì chị tự làm, việc nào quá sức thì nhờ người thân của mấy bệnh nhân cùng phòng đỡ đần giúp. Chị kể: “Có lần tự đi thử máu, tôi ngất xỉu ở hành lang, thấy vậy nhiều người chạy vào báo bác sĩ rồi đỡ tôi về phòng bệnh. Cơm ăn thì tôi vẫn hay nhờ người nhận giúp cơm từ thiện, hôm nào có tiền thì tôi nhờ người mua giúp cơm phần để ăn. Nhìn cảnh mọi người xung quanh đều có chồng, con chăm sóc, tôi không khỏi chạnh lòng. Lúc mới bắt đầu xạ trị, tóc dần rụng đi, đêm nào tôi cũng khóc”.
Bé Khôi đi mua cơm cho mẹ.
13 năm từ lúc lập gia đình, 5 năm một mình còm cõi làm mẹ đơn thân, 2 năm vừa vật lộn với bệnh tật, vừa cố gắng nuôi con, mọi bi kịch đau đớn nhất dường như đã bất công mà đổ dồn lên vai chị, thế nhưng khi được hỏi có bao giờ định cho con nghỉ học, chị nhất quyết bảo không. “Khôi phải đi học, phải đến trường thì mới mong hết khổ. Con bây giờ là động lực, là hi vọng duy nhất của cuộc đời tôi. Nó đã không có cha, nếu sau này mẹ chết..”, chị bỏ dở câu nói, nước mắt trào ra kèm theo những tiếng nấc nghẹn.
Cuôc trò chuyện ngắt quãng khi chị nghe tiếng Khôi thủ thỉ ở góc giường: “Mẹ đói chưa? Để con đi mua cơm cho mẹ nhé”, chị Mai lắc đầu rồi mỉm cười cho biết: “Con trai nên ít khi nào nói thương mẹ, vậy mà mấy khi lên thăm, tôi quặn người vì đau, để ý thấy nó quay mặt đi rồi hai mắt rưng rưng. Nhiều lần nó năn nỉ bác xe ôm chở lên thăm mẹ nhưng không thấy tôi gọi, bác không dám chở vì sợ Khôi trốn học lên bệnh viện thăm tôi. Không có mẹ chăm sóc, quần áo đi học về Khôi phải tự giặt, lúc chưa về ngủ ké nhà thầy, Khôi phải ngủ một mình trong căn chòi giữa bãi đất trống. Nó gan dạ và bản lĩnh lắm, chắc một phần hiểu hoàn cảnh của gia đình nên chưa bao giờ than khổ”, chị Mai nói.
Không khỏi chạnh lòng khi nhìn thân hình gầy nhom co quắp của người mẹ nghèo khi căn bệnh ung thư quái ác đang ngày ngày bòn rút cả sức khỏe và niềm tin, mường tượng đến hình ảnh đứa con trai mới 12 tuổi đầu, thiếu vắng hơi thở và sự bảo ban chăm sóc của mẹ, một mình còm cõi co quắp giữa màn đêm trong căn chòi hiu hắt giữa bãi đất trống cỏ cao vút đầu người. Tương lai của con còn dài, nhưng sức khỏe của mẹ thì không ai biết trước, rồi cuộc đời của Khôi sẽ đi về đâu khi một mai mẹ không còn...?
Mọi sự giúp đỡ của quý độc giả đến hoàn cảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Phương Mai xin liên hệ SĐT: 0965363301 (chị Mai) Hoặc thông qua số tài khoản 1604205504841, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), chi nhánh quận Phú Nhuận, TPHCM. Chủ tài khoản Nguyễn Thị Phương Mai |