Từ món ăn dân dã gắn bó với người dân từ thời nghèo khó, dưa môn muối giờ đây đã trở thành đặc sản nổi tiếng ở xứ Huế, khiến bao người thích mê.
Cây môn còn có tên gọi khác là dọc mùng, chúng mọc dại ở khắp các làng quê Việt Nam. Loài cây này dễ sống, cả trên cạn và dưới nước chúng đều phát triển xanh tốt mà không cần phải chăm sóc. Những món ăn từ cây môn từ lâu đã gắn liền với những bữa cơm dân dã, nghèo khó của người dân như: môn nấu canh cá, môn xào, dưa môn. Trong đó, món dưa môn là đặc sản đặc sắc nhất.
Trước đây, cây môn ngứa được người dân ở Huế làm thành món dưa môn, món ăn này có thể chấm nước cá kho, nấu canh chua, xào tỏi… Có một thời gian, món dưa môn dần dần bị lãng quên và chỉ còn một vài người biết đến món dưa này. Còn bây giờ, thứ món ăn nhà nghèo này đã thành đặc sản được bán trên chợ mạng, đặc biệt vào dịp lễ Tết rất đắt hàng. Thế mới thấy, giờ đây cuộc sống khá giả hơn xưa nhiều, có vô vàn sự lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày, nhưng món dưa môn chua dân dã quê mùa ít giá trị thẩm mỹ và bổ dưỡng này vẫn được người dân thành phố ưa chuộng.
Trên chợ mạng, dưa môn được bán theo hũ với giá 40.000-60.000 đồng/hũ. Chị Khánh An - một người bán đặc sản dưa môn trên chợ mạng chia sẻ: "Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đây là món ăn chơi chơi, thỉnh thoảng mẹ tôi muối lại gửi lên cho tôi vài hộp ăn dần. Sau đó tôi thử bán trên chợ chung cư thì bất ngờ khi mọi người đặt hàng rất đông, từ đó tôi bắt đầu bán dưa môn, mỗi ngày bán được chục hộp. Vào dịp lễ Tết có khi bán được cả trăm hộp".
Để làm được hũ dưa môn ngon người ta lựa ngày nắng thu hái chúng bằng cách cắt sát gốc, bỏ lá rồi bó lại mang về. Dựng vào chỗ mát cho môn ra hết mủ rồi bóc sạch lớp vỏ bên ngoài sau đó cắt khúc rồi đem phơi cho héo. Bóp với muối nhiều lần cho hết chất ngứa rồi cho vào vại ngâm với nước muối, muốn nhanh chua thì cho ít nước vo gạo vào khoảng bốn, năm ngày sau là ăn được. Cũng như các loại dưa muối khác, muốn muối dưa môn ngon, màu sắc đẹp và ăn giòn.
Chị An nói thêm: “Dưa môn muốn ngon phải lựa chọn cây môn ở nước sâu, phần gốc môn sẽ trắng, mềm, giòn. Để đảm bảo dưa môn có bán mỗi ngày, mẹ tôi phải gom môn của hàng xóm và người dân trong làng, khoảng 50kg cây môn tươi đem về sơ chế và cứ ủ môn nối tiếp nhau, mẻ dưa này bán xong đến mẻ dưa khác".
Nghề làm dưa môn truyền thống đã đem lại thu nhập khá cho một số người dân ở xứ Huế, do tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ngoài tự nhiên, không phải tốn chi phí đầu tư trồng như các loài cây màu khác.