Món khoai lang mắm sống có vị mặn của mắm, vị béo bùi của khoai hòa với vị ngọt của các loại rau đồng, ăn một lần khó thể nào quên.
Vĩnh Long là một trong những điểm dừng chân yêu thích của du khách trong hành trình khám phá vẻ đẹp sông nước miền Tây Nam Bộ. Tại đây không chỉ có vẻ đẹp của miền sông nước mênh mông, văn hóa chợ nổi Vĩnh Long trên sông Cổ Chiên, những câu hò vọng cổ ngọt ngào của bà con xứ miền Tây mà còn níu chân những người khách lữ hành ghé thăm với những món ăn đặc sản miền sông nước.
Khoai lang mắm sống – đặc sản Vĩnh Long.
Trong số những món ăn đặc trưng của đất Vĩnh Long phải kể đến khoai lang mắm sống - từng là một món ăn của nhà nghèo. Vốn được thiên nhiên ưu đãi, người dân tại đây đã quen với việc tận dụng đất ruộng, vườn để trồng xen kẽ các loại nông sản như khoai, sắn, rau củ quả.
Trong số đó, các loại khoai lang vốn là loại lương thực quen thuộc. Dân gian thường có nhiều cách chế biến khoai lang như nướng than, hấp cơm hoặc cầu kỳ hơn là đem khoai ngâm nước rửa sạch rồi bắc lên nồi luộc, khoai chín để nguội cắt lát mỏng phơi khô để dành ăn dần. Cũng có những món ăn từ khoai lang trở thành đặc sản, như khoai lang sấy dẻo của Đà Lạt.
Khoai lang là loại nông sản quen thuộc.
Lại thêm địa hình sông nước mênh mông khiến nơi đây có nhiều loại cá tôm tự nhiên khiến nhiều món mắm từ các loại thuỷ sản này ra đời. Trong số đó phải kể đến các loại mắm sống, tức cách làm của các loại mắm này không qua chế biến hay nấu nướng. Mắm ăn sống rất đa dạng về chủng loại, nhưng được người dân đánh giá cao và bình chọn là ngon nhất là mắm cá chốt, mắm thái cá lóc, mắm cá linh, cá rô, cá sặc, cá trê, đặc biệt nhất là món mắm tép và mắm ba khía.
Đa dạng các loại mắm sống miền Tây.
Có lẽ vì vậy mà món khoai lang mắm sống ra đời, cách ăn vừa dân dã lại sáng tạo đã gắn bó với bao thế hệ cha ông. Theo lời kể lại, vào thời chiến khó khăn thiếu thốn, trong nhà chỉ có mấy củ khoai với hũ mắm ủ sau hè, nên người nông dân đã kết hợp chúng ăn cùng nhau cho chắc bụng. Cách chế biến thật sự rất đạm bạc và dân dã nhưng cũng đòi hỏi người làm phải thực hiện công phu và tỉ mẩn một chút.
Trước hết là phải chọn được loại mắm ngon, chất lượng. Thông thường, người ta chọn mắm cá sặc, khi xé ra thịt đỏ au. Mắm tươi mua về sẽ được xé ra từng miếng nhỏ, rút bỏ hết xương mắm rồi trộn với chanh, tỏi, ớt, gừng non, nêm nếm vừa ăn rồi cho vào một đĩa. Còn khoai lang có thể là khoai lang trắng, vàng hoặc tím, những loại khoai nhiều bột, bùi và thơm. Khoai lang rửa sạch đem luộc hoặc hấp chín, lột vỏ. cắt ra từng miếng nhỏ hoặc để nguyên củ. Hai nguyên liệu tưởng chừng như “chẳng hề liên quan tới nhau”, khi kết hợp lại cho ra mùi vị vô cùng đặc trưng.
Theo đó, vị mặn của mắm, vị béo bùi của khoai hòa với vị ngọt của các loại rau đồng, ăn một lần khó thể nào quên. Ngày nay cuộc sống trở nên đủ đầy hơn khiến món khoai lang mắm sống cũng được “cải tiến” với nhiều phiên bản đa dạng hơn. Ví dụ như giờ đây, ăn kèm với món khoai lang chấm mắm sống không thể thiếu được thịt ba rọi luộc thái mỏng, một ít dừa nạo, dưa leo, chuối chát và các loại rau vườn khác. Có rất nhiều cách để thưởng thức món ăn độc đáo này nhưng ngon và đúng điệu nhất chính là ăn kèm với lá cách (lá của một loài cây mọc phổ biến ở các tỉnh miền Tây).
Thơm ngon khoai lang mắm sống.
Đúng điệu không thể thiếu đĩa rau sống mướt mắt ăn kèm.
Khi ăn, người ăn sẽ lấy khoai đặt lên chiếc lá cách trong lòng bàn tay, sau đó dùng đũa gắp thêm một miếng mắm cá, lát thịt luộc, nhúm dừa nạo rồi cuộn tròn lại và đưa vào miệng thưởng thức. Món ăn này không cần ăn kèm các loại nước chấm nào khác vì đĩa mắm cá sống đã được nêm nếm gia vị rất vừa miệng. Nhìn rổ khoai lang căng tròn rất đẹp, bên cạnh là đĩa mắm sống và mớ rau đồng tươi xanh bắt mắt, món khoai lang mắm sống đẹp cả phần “nhìn” và ngon cả phần “vị”.
Giờ đây, khoai lang mắm sống trở thành “đặc sản” không thể thiếu trong các dịp lễ, tết hay đám tiệc… ở Vĩnh Long. Đến bất kỳ bữa tiệc nào cũng có thể thấy khoai lang mắm sống có vị trí như món khai vị trong bữa ăn được nhiều người ưa thích. Đây cũng là món ngon được người dân Vĩnh Long dùng để đãi khách quý, khách phương xa ghé lại hoặc dùng để làm quà cho người thân xa quê. Đặc biệt nhất, món ăn “nhà nghèo” ngày nay còn xuất hiện trong các thực đơn của nhà hàng sang trọng, tiếp đón khách du lịch với giá cả không hề rẻ.
Thông thường, một phần khoai lang mắm sống tại các nhà hàng bao gồm một đĩa khoai lang luộc, một đĩa mắm sống, thêm một khay bày lên nào là thịt luộc, dừa nạo, lá cách, mớ rau đồng tươi xanh có giá dao động từ 100 - 200.000 đồng/dĩa tại các nhà hàng. Anh Huỳnh Văn Linh - một chủ nhà hàng đặc sản miền Tây tại khu sinh thái ở Vĩnh Long cho hay: “Đây là món ăn đặc trưng của quán, ngày thường tôi bán từ 100 - 150 phần, các ngày thứ 7 chủ nhật và lễ tết sẽ đông hơn. Tôi còn bán cả đặc sản mắm sống mang về với giá 50.000 đồng/hũ 200gr. Còn khoai lang, khách có thể tìm mua ngoài chợ nhưng khi nào tôi cũng dặn là chọn loại khoai bùi, nhiều bột thì ăn mắm sống sẽ ngon hơn như khoai lang tím, khoai lang mật…”.