39 năm lưu lạc nơi đất khách quê người, “liệt sĩ” Nguyễn Văn Kế không nghĩ rằng sẽ có ngày được trở về quê hương, gặp lại mẹ và người thân sau ngần ấy năm xa cách.
“Liệt sĩ” Nguyễn Văn Kế (SN 1959, quê ở thôn Tân Đa, xã Quảng Tân, Quảng Xương, Thanh Hóa) - người được công nhận là liệt sĩ cách đây 34 năm đã bất ngờ trở về trước sự ngỡ ngàng của người thân và bà con lối xóm. Và càng bất ngờ hơn, cuộc trùng phùng ấy là nhờ những chia sẻ, kết nối trên mạng xã hội facebook.
Nhìn thấy người con trai bằng xương, bằng thịt trở về sau 39 năm xa cách, cụ Trịnh Thị Hẩy (SN 1935 – mẹ "liệt sĩ" Kế) không khỏi nghẹn ngào, xúc động.
Suốt những năm tháng qua, mẹ Hẩy luôn đau đáu một nỗi niềm là tìm được hài cốt của con trai mang về hương khói. Giờ nhìn thấy con trai còn sống, còn khỏe, mẹ Hẩy và những người trong gia đình đều vui mừng khôn xiết.
Cụ Hẩy tâm sự: “Ngày nghe tin con hy sinh ở chiến trường, tôi như chết lặng. Giờ con về mà tôi không thể nào tin được đây là sự thật, cảm ơn trời phật đã đưa con về đoàn tụ với gia đình”.
"Liệt sĩ" Nguyễn Văn Kế trở về trước sự bất ngờ của gia đình.
Hành trình lưu lạc 39 năm nơi đất khách
Năm 1978, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Kế lên đường nhập ngũ, tham gia huấn luyện tại sư 442 (Nông Cống, Thanh Hóa), sau đó được chuyển vào chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Đến năm 1983, mẹ Hẩy đau xót khi nhận giấy báo tử và bằng công nhận liệt sĩ, xác nhận con trai mình là Nguyễn Văn Kế đã hi sinh nơi chiến trường.
Nói về những năm tháng lưu lạc nơi đất khách, ông Kế cho biết: “Tôi chỉ nhớ hôm đó khi đang đánh nhau với địch thì tôi và một vài đồng đội bị thương. Rồi chúng tôi dạt vào một bệnh xá của Campuchia để điều trị. Khi quay về đơn vị thì bị quân Pol Pot bắt giữ.
Trong nhóm chúng tôi có một người bị bắn chết tại chỗ, còn tôi và một đồng đội nữa bị chúng đưa về giam giữ. Sau đó chúng tôi đã chạy trốn và lưu lạc ở Campuchia và Thái Lan".
Với cụ Hẩy, ngày nhìn con trai trở về bằng xương, bằng thịt khiến cụ vui mừng khôn xiết.
Lưu lạc trên đất Campuchia hơn 20 năm, rồi ông Kế lại dạt về vùng biên giới của Thái Lan. Do không hiểu tiếng của người dân bản xứ nên ông không thể hỏi thăm đường về quê. Khoảng thời gian lưu lạc, ông chưa một lần được ăn no.
Để sống sót trở về như ngày hôm nay, ông đã phải sống cơ cực như những người vô gia cư, ngày lượm ve chai, đêm đến xin ngủ nhờ ở nhà dân.
“Khi bị lạc ở Campuchia, tôi được người dân thương tình cho ăn, cho uống. Ngày qua ngày, tôi cứ đi hết chỗ này đến chỗ khác. Không giấy tờ tùy thân, không hiểu tiếng nước họ nên tôi chẳng biết đi đâu, về đâu. Tôi đi lượm ve chai bán lấy tiền ăn, đêm đến lại xin ngủ nhờ nhà dân, có những lúc tôi phải vào chùa để tá túc.
Những ngày đầu ở bên đó tôi suy sụp hoàn toàn vì gần như không còn nhớ bất kỳ thứ gì, có những lúc như người vô hồn không biết đi đâu. Cũng may, đến khi dạt sang Thái Lan, được người dân thương tình cho ở tạm tại một khu nhà nhỏ. Không biết tiếng nên tôi không thể hỏi thăm đường về quê” – ông Kế chia sẻ thêm.
Cuộc trùng phùng bất ngờ nhờ… facebook
Dẫu vẫn đau đáu nỗi niềm được trở về quê nhà, nhưng vì không biết tiếng của người bản địa nên ông Kế nhiều lúc nghĩ rằng sẽ phải bỏ xác lại nơi xa xứ. Nhưng thật may mắn, ông giờ đây đã được trở về với gia đình.
Nói về cơ duyên ấy, ông Kế cho biết: “Cuối tháng 9/2017, trong lúc đi nhặt ve chai ở Thái Lan, tôi nghe thấy có tiếng người Việt Nam ở gần đó nên chạy lại hỏi thăm. Sau một hồi trò chuyện, anh ấy đã dùng điện thoại rồi đưa lên mạng xã hội để tìm người thân giúp tôi.
Khoảng gần một tuần, anh ấy bảo người nhà và chính quyền xã đã nhận được thông tin. Sau đó, tôi cũng được nói chuyện với anh Tùng – Phó Chủ tịch xã Quảng Tân nơi nhà tôi để xác nhận”.
Sau 39 năm lưu lạc, ngày trở về quê nhà, ông Kế cứ nghĩ là giấc mơ.
Liên quan đến thông tin trên, ông Lê Bá Tùng - Phó Chủ tịch xã Quảng Tân cho biết: “Trưa ngày 26/9, trong lúc đọc báo và vào mạng thì thấy có dòng chia sẻ của một đồng nghiệp tại cơ quan về trường hợp của bác Kế. Vì đây là mảng chính sách mà tôi hay làm nên tôi nhớ rất rõ.
Sau khi đọc xong tôi thấy những thông tin rất giống với một liệt sĩ tại địa phương nên đã gọi đến số điện thoại ghi dưới dòng chia sẻ. Sau một hồi nói chuyện thì được gặp ông Kế và được ông ấy chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, xác nhận rõ đây đúng là người địa phương.
Đến ngày 1/10, ông Kế đã trở về quê hương. Xã đang làm báo cáo lên huyện và trước mắt sẽ thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bước đầu cho gia đình. Đồng thời, sẽ có kế hoạch trình báo làm chế độ trợ cấp cho ông Kế và cắt chế độ liệt sĩ”.
>> Xem thêm: Cuộc đoàn tụ đẫm nước mắt sau 39 năm dù hai mẹ con chỉ sống cách nhau 1 km