Hằng ngày, chị Nhung vẫn vác bụng bầu lên nương làm cỏ hoặc tranh thủ lúc rảnh làm mướn đủ việc để có thể cho các con đến trường học chữ.
Về thôn Gia É, xã Phước Bình (Bắc Ái, Ninh Thuận) hỏi thăm gia đình chị Nhung (26 tuổi) ai cũng hay biết, thậm chí vanh vách kể từng chi tiết trong cuộc đời của chị. "Bé đó có hoàn cảnh khó khăn vô cùng, góa chồng nên phải tự mình gồng gánh 5 đứa con ăn học. Đáng nói bé còn đang mang thai một đứa trẻ nữa. Chúng tôi cũng nghèo khó, thi thoảng giúp được gì đỡ đần chút thôi. Giờ chỉ mong có mạnh thường quân nào thương tình cưu mang mấy đứa trẻ, chứ tội nghiệp quá", chị A Hường - một người dân trong thôn cho biết.
Lúc này một người già trong thôn cảm thán khi nhắc đến mẹ con chị Nhung: "Mấy mẹ con nó tội lắm, sống trong căn lán nhỏ dựng bằng tre lứa, không có cửa... Vì thế mỗi lần trời mưa to là ướt hết bên trong, còn nắng chiếu rộng khắp không lấy một bóng râm".
Chị Nhung dù mới 26 tuổi nhưng đã góa chồng và có 6 đứa con.
Chị Nhung vốn có cuộc sống hạnh phúc bên người chồng chăm chỉ cùng đàn con thơ dù kinh tế còn thiếu thốn. Vậy mà khi đứa con thứ 6 chưa chào đời, chồng chị đã vội rời xa thế gian. Chị đau khổ đến tột cùng, không chấp nhận nỗi đau mất chồng khi còn quá trẻ. Song chị nhìn đàn con thơ ngơ ngác đành gắng gượng đứng dậy vừa làm cha làm mẹ làm nơi nương tựa cho các con.
"Ai ở trong hoàn cảnh mất chồng mới thấu hiểu hết nỗi đớn đau này! Đến giờ em vẫn không tin anh ấy đã rời ra khỏi nơi đây! Em thực sự muốn gục gã, buông xuôi tất cả để đi theo anh ấy nhưng làm sao có thể chứ? Em còn các con, còn cả đứa trẻ trong bụng nữa. Ước gì thời gian quay ngược trở lại để gia đình em mãi được bên nhau", người phụ nữ góa chồng xót xa nói.
Sau đó, chị Nhung từ từ giới thiệu từng đứa con của mình: "Vợ chồng em có tất thảy 6 đứa con: một bé lớp 3, một bé lớp 2, một bé lớp 1, hai bé học mẫu giáo và đứa đang ở trong bụng chờ ngày chào đời. Mấy đứa còn nhỏ nhưng hiểu chuyện và thương mẹ lắm!
Con trai cả của chị mới học lớp 3 đã phải đi nương hái măng, hoa chuối về bán.
Chúng biết em đang mang bầu nên bảo ban nhau đỡ đần việc nhà. Thậm chí thằng cả còn đeo gùi rồi lên nương vào rẫy hái hoa chuối, đào măng rừng về bán kiếm tiền đưa mẹ mua gạo mua muối. Nhìn chúng nheo nhóc em xót lắm nhưng hoàn cảnh vậy, phải chấp nhận thôi".
Lũ trẻ chăm chỉ làm lụng là thế nhưng chưa từng biết đến gói bánh cái kẹo. Khi được cho gói kẹo, chúng vội vã nhận lấy và cúi đầu cảm ơn. Song sau đó không biết làm sao để bóc kẹo ra ăn. "Quanh năm mấy đứa chỉ biết đến rau rừng và cháo thôi. Em cũng chưa bao giờ bỏ tiền ra mua đồng quà cái bánh cho chúng cả. Ngày nhỏ thì chúng cũng được uống sữa bò, giờ lớn thì uống nước lã hoặc sang lắm là nước đường", chị Nhung vội vàng giải thích.
Hằng ngày, chị Nhung vẫn vác bụng bầu lên nương làm cỏ hoặc tranh thủ lúc rảnh làm mướn đủ việc để có thể cho các con đến trường học chữ. Mỗi ngày chị đi tra bắp cho hàng xóm được trả công 140.000 đồng. Số tiền ấy, chị phải tằn tiện chi li từng chút mới có thể chi trả phí sinh hoạt cũng như tiền học cho con.
Mẹ con chị Nhung ăn cơm cùng một mạnh thường quân (bìa trái).
Nhắc đến chuyện một thân một mình nuôi 6 đứa con, có khi nào muốn cho bớt để đời đỡ cực?, người đàn bà góa quả quyết: "Em chưa từng nghĩ đến chuyện đó! Dù em nghèo nhưng vẫn lo được cho chúng nên sẽ không bao giờ cho ai nuôi cả. Chúng là con của em, sao em nỡ lòng nào vứt cho chúng chứ".
Chị vừa dứt lời, con trai lớn cất tiếng gọi: "Mẹ ơi! Vào nhà ăn cơm". Gọi là cơm cho sang chứ bữa ăn của 7 mẹ con chị chỉ có một nồi canh rau độn và bát cơm trắng. Vậy mà, lũ trẻ vẫn thi nhau gắp và ăn ngon miệng vô cùng. Chị tâm sự: "Em đi làm suốt, thằng cả ở nhà nấu nướng hết đó. Nó lên rẫy kiếm được măng, bông đủ đủ... về nấu thành canh rau độn, thêm chút muối trắng là ăn được.
Mấy đứa trẻ họa huần mới được ăn thịt cá thôi. Ở thôn này, người nghèo nhiều lắm nên mấy thứ đồ ăn đó xa xỉ vô cùng".
Nồi canh rau độn - thức ăn chính trong bữa cơm của 7 mẹ con chị Nhung.
Ngoài chị Nhung, ở thôn Gia É cũng có rất nhiều mẹ bầu hoàn cảnh khó khăn. Họ chưa hiểu biết nhiều về kiến thức sinh sản và kế hoạch hóa gia đình nên đông con, cuộc sống khó khăn chồng chất khó khăn. Song họ luôn cố gắng để con được đến trường, học cái chữ con số bởi đó là con đường duy nhất có thể thoát nghèo.