Ngoài vụ ly hôn đình đám tranh chấp 8700 tỷ của ông chủ Cafe Trung Nguyên, trước đó, trong giới doanh nhân Việt, có nhiều vụ ly hôn nghìn tỷ với nhiều kịch bản khác nhau đã diễn ra.
Hôn nhân tan vỡ, chồng từ bỏ thương hiệu xây dựng hơn 20 năm cho vợ
Kao Siêu Lực - ông chủ của ABC Bakery - từng khởi nghiệp với số vốn là 2 cây vàng trong tay để tạo dựng Đức Phát Bakery từ năm 1984. Vào khoảng thời gian 1992-1995, thương hiệu bánh Đức Phát của ông Kao Siêu Lực trở thành một thương hiệu lớn với hơn 10 tiệm bánh lớn lần lượt ra đời.
Năm 1998, Đức Phát lần đầu tham gia thị trường bánh mì. Cũng trong năm đó, Đức Phát lần lượt cho ra đời các sản phẩm đóng gói, thời hạn sử dụng lâu hơn. Điều này giúp sản phẩm Đức Phát vượt khỏi thị trường thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng dần ra các tỉnh lân cận. Ông xứng đáng với danh xưng "Vua bánh mì" khi sáng tạo ra hơn 400 loại bánh.
Trong khi việc phát triển thị phần ngày một lớn mạnh, các sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng thì gia đình ông Kao Siêu Lực đứng trước bờ vực đổ vỡ. Năm 2007, ông và vợ chính thức ly hôn. Lúc này ông đành chia tay thương hiệu bánh Đức Phát mình từng đổ bao tâm huyết gây dựng để cho vợ mình nắm giữ.
Ông Kao Siêu Lực và các con
Ngày ra tòa, hai vợ chồng ông thỏa thuận sẽ tự chia tài sản, toà chỉ xử việc phân chia thương hiệu. Ông bà chủ Đức Phát đồng ý chia đôi mỗi người 10 cửa hàng. Đồng thời vợ ông đề nghị chia thương hiệu thành Đức Phát 1, Đức Phát 2. Nhưng ông Lực quyết định chọn cho mình tên thương hiệu là Đức Phát-Vina Bread.
Tuy nhiên, sự phân chia này không ổn, vì hệ thống nhận diện của 2 thương hiệu có quá nhiều điểm trùng lặp. Cuối cùng, 2 bên thỏa thuận chỉ một người giữ thương hiệu Đức Phát và phía nhận phải trả cho phía mất thương hiệu 1 triệu USD.
Sau khi suy tính, bà chủ Đức Phát đồng ý trả 1 triệu USD và giữ lại thương hiệu. Còn với ông Lực đã dùng 1 triệu USD đó để khởi nghiệp lại và tạo dựng nên ABC Bakery hiện tại.
Cuộc ly hôn "đắt giá" nhất Việt Nam với khối tài sản 10.000 tỷ đồng
Năm 2011, cuộc ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn đã gây chấn động bởi khối tài sản "khủng" mà cả hai tranh chấp. Cuộc chia tay này được dư luận quan tâm và tranh cãi bởi khối tài sản được ước tính lên đến 500 triệu USD (tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng) của cặp vợ chồng đại gia.
Theo đánh giá thì đây là khối tài sản lớn nhất được tranh chấp trong các vụ ly hôn của đại gia Việt tính đến thời điểm hiện tại.
Khối tài sản khủng mà Tập đoàn Bảo Sơn nắm giữ
Chủ tịch HĐQT-TGĐ Tập đoàn quốc tế Năm Sao và vụ ly hôn 2000 tỷ
Vụ ly hôn giữa ông Trần Văn Mười - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm sao và bà Phạm Thị Hương Giang - Phó giám đốc Công ty cổ phần giám định Đại Tây Dương là một trong những vụ ly hôn đình đám bởi khối tài sản trị giá hàng nghìn tỷ đồng, tranh chấp kéo dài gần 4 năm.
Cặp đôi đại gia kết hôn năm 1999, có hai đứa con và đến năm 2004 do mâu thuẫn nên kéo nhau ra tòa để giải quyết ly hôn. Ông Mười muốn nuôi cả hai con nhưng con lớn muốn sống với mẹ và ông Mười đồng ý và sẽ cung cấp 35 triệu đồng một tháng để nuôi cháu. Còn bà Mười có nguyện vọng nuôi cả hai con và yêu cầu ông Mười cấp 100 triệu/tháng.
Ông Trần Văn Mười - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn quốc tế Năm Sao
Về phần tài sản, tổng cộng ông Mười và bà Giang sở hữu 2000 tỷ đồng bao gồm: 1 xe hơi Camry, biệt thự ở TP.HCM, Vũng Tàu, Hải Phòng và nhiều nhà đất khác, vốn đầu tư trong các công ty: CP Tập đoàn quốc tế Năm Sao (85 tỷ đồng), Công ty CP quốc tế Hòn Đảo Việt (8,5 tỷ đồng), Công ty CP đầu tư đô thị Sam My (30 tỷ đồng), Công ty CP vật tư nông nghiệp Vàm Cỏ Đông (16 tỷ đồng).
Số tài sản trên bà Giang đề nghị được chia đôi còn ông Mười cho rằng số tài sản này chủ yếu là vay mượn để mua bán kiếm lời. Sau nhiều lần thương lượng hai bên không tìm được tiếng nói chung, ông Mười đưa ra hướng giải quyết là đưa cho bà Giang 60 tỷ đồng và phần còn lại ông sẽ chi trả nợ nần và toàn quyền quyết định. Tuy nhiên bà Giang không chấp nhận phương án này. Cuối cùng tòa án đã hoãn xử để định giá lại khối tài sản trên.
Vụ ly hôn tốn giấy mực của báo chí giữa vợ chồng ông chủ Cafe Trung Nguyên
Theo đơn khởi kiện xin ly hôn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, bà Thảo đề nghị chấm dứt hôn nhân với ông Vũ, đồng thời, bà yêu cầu được nuôi 4 con chung và ông Đặng Lê Nguyên Vũ cấp dưỡng 20% cổ phần của ông Vũ tại Tập đoàn Trung Nguyên cho 4 người con.
Tài sản chung đang tranh chấp, gồm 13 bất động sản trị giá hơn 725 tỉ đồng, bà Thảo đề nghị được nhận căn nhà 31 Tú Xương (Q.1, TP.HCM), còn 12 bất động sản còn lại giao cho ông Vũ.
Tài sản chung gồm cổ phần, phần vốn góp tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, tài sản chung các bên là 90% cổ phần, bà Thảo đề nghị được nhận 51%. Cổ phần tại các công ty trực thuộc, bà Thảo đề nghị được chia đôi.
Những phát ngôn của ông Vũ và bà Thảo đang gây sốt những ngày qua
Về các yêu cầu trên, ông Vũ có đơn phản tố. Trong đó, ông Vũ chấp nhận xin ly hôn với bà Thảo, cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/4 người con. Riêng tài sản chung, ông Vũ đưa ra các đề nghị, gồm: 13 bất động sản sẽ chia đôi. Còn tài sản là tiền mặt, vàng, ngoại tệ trong ngân hàng khoảng 2.109 tỉ đồng sẽ được chia theo tỷ lệ 70% (ông Vũ) – 30%.
Tài sản chung là cổ phần, phần góp vốn tại Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên và 7 công ty trực thuộc tập đoàn, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đề nghị chia theo tỷ lệ 70% (khoảng 3.958 tỉ đồng) - 30% (khoảng 1.696 tỉ đồng).
Ngoài ra, với phần tài sản này, sau khi chia theo tỷ lệ trên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đề nghị HĐXX tuyên ông được thanh toán phần tiền tương đương 30% cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, sau đó ông được nhận số cổ phần này.
Hiện tại, dư luận vẫn đang theo dõi tranh chấp giữa ông Vũ và bà Thảo cùng tương lai của Trung Nguyên sẽ đi về đâu.