Hàng triệu đơn hàng giá 1k, 2k (1.000, 2.000 đồng) được tung ra mỗi khi có đợt sale khủng như 11/11, 12/12, Black Friday trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều người thắc mắc liệu chủ shop có đang chịu lỗ nặng để khách mua được hàng "giá hời" không?
Cuối năm là mùa sale của các cửa hàng, siêu thị và trung tâm mua sắm. Trên các trang bán hàng thương mại điện tử, các gian hàng cũng tung nhiều chương trình khuyến mại "khủng". Giữa bối cảnh rất nhiều gian hàng trên mạng được mở ra, người bán phải cạnh tranh nhau không chỉ chất lượng mà còn phải tung những deal tốt để kích cầu. Khi có nhiều khách hàng tìm đến shop và mua với số lượng lớn cũng là cách khẳng định uy tín của shop với những người khác.
Ngoài những chương trình giảm giá 10, 20, 50% hay lên đến 80-90% thì những deal hời giá 1.000 đồng, 2.000 đồng thực sự "chiếm sóng" khi diễn ra các ngày sale lớn trong năm như 11/11, 12/12 hay Black Friday. Điều mà khách hàng quan tâm là mục đích của những deal này liệu có phải chỉ là để hưởng ứng khuyến mại theo kiểu phong trào.
Nhiều người khoe chiến tích săn được nhiều đơn 1k
Chị Th. (một người bán hàng online ở Hà Nội) cho hay, khi chưa bán hàng, bản thân chị cũng rất hay săn các món hàng 1.000 đồng, từ đồ dùng gia dụng, đồ làm đẹp cho đến quần áo của con cái. Và điều mà chị cũng như bạn bè thắc mắc là vì sao các shop chịu bán với giá 1.000 đồng như vậy, liệu có thực sự họ đang chịu lỗ nặng để bán giá hời cho khách không.
"Khi bán hàng trên mạng tôi mới hiểu việc đưa ra deal khuyến mại 1k, 2k không hoàn toàn là người bán chịu lỗ. Tất nhiên có lúc người bán cũng phải chịu thiệt nhưng cái được thì chỉ có người bán biết mà thôi", chị Th. bày tỏ.
Theo chị Th., người bán "rầm rầm" đua nhau tung đơn 1k, 2k là vì tâm lý "muốn bằng bạn bằng bè". Bởi trong một đợt khuyến mại lớn, nhiều shop cùng tung ra các sản phẩm giá rẻ, hút lượng khách lớn, nếu như không "theo trend" tức là bỏ qua một lượng khách hàng lớn.
Thực tế, người bán không hoàn toàn chịu lỗ khi tung đơn hàng 1k, 2k như nhiều người vẫn nghĩ
"Có những khi tung hàng 1k, 2k và chịu lỗ là để bán lấy lượt mua (lượt đã bán sản phẩm). Ví dụ tôi đăng bán một sản phẩm nào đó trên gian hàng thương mại điện tử, sản phẩm đó đã từng có người bán và ai bán được nhiều thì sẽ hiển thị lên trên cùng khi khách tìm kiếm sản phẩm. Thực tế là khách chỉ nhìn nhiều lắm là 10 người bán đầu tiên chứ không mấy ai kiên trì kéo xuống vài ba trang, trừ khi khách muốn xem kỹ từng shop. Cho nên, chịu lỗ một chút hay coi như tri ân khách hàng mà vẫn có lợi là lượt mua tăng lên, có ích cho việc bán hàng những lần sau", chị Th. tiết lộ.
Bên cạnh đó, nhiều người bán cũng thừa nhận rằng viêc có được lượt bán để giúp shop tăng uy tín nhưng vẫn mất công chăm sóc khách hàng. Nếu gặp phải khách khó tính thì có thể bị nhận xét, phản hồi, đánh giá không tốt đẹp, coi như công sức đổ ra để chịu lỗ cũng bằng không.
Người bán sẽ kiếm lãi thế nào với đơn 1k, 2k?
Chị H. (bán hàng online ở Hà Nội) cho hay, những người bán tung mặt hàng 1k, 2k rất rẻ nhưng phí ship vẫn cao ngất ngưỡng 20.000 đồng, 30.000 đồng hoặc cao hơn. Cho nên, người bán thường dùng cách để câu khách là khách mua thêm vài món đồ khác đến một số tiền nhất định thì được miễn phí ship.
"Người bán chủ yếu kiếm lãi từ những món đồ mà khách mua thêm này, coi như món đồ 1k, 2k là tri ân khách hay quà tặng thêm chứ không phải lúc nào cũng có lãi. Người mua thì có tâm lý chẳng ai lướt vào trang thương mại điện tử rồi mua một món đồ 1-2k là xong. Sau khi chọn món đồ 1k, khách sẽ được người bán giới thiệu các món đồ khác để mua cùng. Khách thì nghĩ rằng miễn phí ship cũng là hời rồi nên chọn thêm", chị H. cho hay.
Còn theo chị Th., các trang thương mại điện tử cũng không bao giờ để cho người bán "tự bơi". Người kinh doanh dưới sự quản lý của phía trang thương mại điện tử, song họ cũng có những chính sách quan tâm và hỗ trợ người bán.
"Những món đồ 1k được tung ra, nếu như sản phẩm đó vốn dĩ đã bán chạy thì phía trang thương mại điện tử sẽ gọi cho chủ shop và đưa ra mức hỗ trợ. Ví dụ như người bán đưa ra mặt hàng khăn mặt 1k, nhưng đã được hỗ trợ 30.000 đồng - 40.000 đồng/sản phẩm từ phía trang thương mại điện tử. Cho nên, nếu so với giá bán khi chưa giảm, người bán có thể không lỗ mà lãi ít hơn một chút hoặc hòa vốn. Nhưng người bán vẫn được tiếng khuyến mại cho khách", chị Th. cho hay.
Tuy nhiên, để được hỗ trợ như nói ở trên, shop phải có uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm, doanh số lớn và lượng hàng bán ra đều.