Chị Hoàng Thị Phương chia sẻ, lần đầu khi nghe chồng nói về quyết định hiến tạng sau khi chết, chị cứ nghĩ chồng đang nói đùa.
Tâm sự của người vợ hiến tạng chồng sau khi anh qua đời.
Đã gần 3 tuần kể từ khi anh Lê Hồng Quý (41 tuổi, ở Ninh Bình) hiến tạng cứu sống 6 người bệnh khác sau khi qua đời vì mắc bạo bệnh. Ngày 2/1/2019, vợ anh là chị Hoàng Thị Phương mới có dịp quay lại Hà Nội, chứng kiến một phần cơ thể chồng mình sống trong thân hình người khác.
Chị tâm sự, từ khi chồng ra đi, ngày nào chị và các con cũng thương nhớ tới anh. Mỗi khi nghe báo đài nhắc về hành động cao cả của chồng, chị Phương lại khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt đầy tự hào của người vợ khi đã vượt qua được mọi định kiến để mang lại cơ hội sống cho 6 người bệnh không may mắn.
Chị Phương chia sẻ về những giây phút ở bên chồng.
Sau quyết định hiến tạng chồng, bản thân chị Phương đã nhận được nhiều lời mời tham gia các chương trình tri ân ở các cơ quan truyền thông. Nhưng trong thời điểm này chị đều từ chối tất cả. Chị muốn ở bên chồng, muốn được hằng ngày tự tay thắp những nén hương thơm để nhớ về anh.
“Tôi thành thật xin lỗi. Tôi không thể tham gia chương trình được. Những ngày này tôi còn phải cúng cơm cho chồng”, đó là câu trả lời của chị Phương với mọi người.
Chị Phương ôm chặt tấm bằng được truy tặng của chồng.
Ôm chặt tấm bằng truy tặng với chiếc huy hiệu cao quý trong tay, nước mắt chị Phương lăn dài khi kể về những giây phút cuối cùng ở bên cạnh chồng. Chị cho biết, ban đầu khi nghe chồng nói về nguyện vọng hiến tạng, chị nghĩ anh nói đùa.
“Khi vào phòng mổ, một lần nữa anh nói với tôi rằng: Nếu mổ không thành công thì hãy cho anh đi hiến tạng. Là người vợ hai lần nghe anh nói vậy tôi cũng rất sốc”, chị Phương kể lại.
Sau ca mổ, tình trạng của anh Quý rất nặng. Bác sĩ thông báo anh thậm chí không sống được thực vật. Khi đó, chị Phương bắt đầu nghĩ đến nguyện vọng hiến tạng của chồng và bàn với gia đình để đi đến thống nhất.
Nụ hôn từ biệt chồng của chị Phương trước khi hiến tạng.
“Khi hiến tạng chồng, tôi chỉ mong là làm sao để cứu được nhiều người nhất. Khi đó thật sự tôi cũng rất đau xót nhưng tôi cùng gia đình vẫn thống nhất hiến tạng của chồng.
Sau này, khi thấy tạng của anh giúp được nhiều người, tôi quả thật cũng rất tự hào về anh, nhưng cũng rất buồn và hụt hẫng khi thiếu anh bên cạnh. Nhưng thôi, anh đã cứu được nhiều người, đó là niềm an ủi cuối cùng để dành tặng mấy mẹ con”, chị Phương nghẹn ngào.
Anh Qúy được truy tặng kỷ niệm chương vì Sức khỏe nhân dân.
Tận dụng chút thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội, chị Phương cùng gia đình đã đến thăm những người bệnh được hồi sinh từ nguồn tạng hiến của anh Quý. Dù chỉ được nhìn những người nhận tạng qua camera phòng bệnh nhưng chị Phương vô cùng xúc động khi thấy các bộ phận của chồng mình đang hồi sinh trong cơ thể người bệnh khác.
Gia đình chị Phương nhìn các bệnh nhân được nhận phổi qua camera bệnh viện.
Trong số những người nhận tạng, có một bệnh nhân rất đặc biệt. Đó là thiếu niên 17 tuổi, nhận cả 2 lá phổi của anh Quý. Trước khi được ghép phổi, thiếu niên này mắc bệnh mô bào ở phổi và tiên lượng tử vong rất cao.
Đến nay, sau khi được ghép phổi, tình trạng bệnh nhân cải thiện rất nhiều. Nhưng do điều kiện gia đình thiếu niên này rất khó khăn, nên chị Phương đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho gia đình cháu bé.
Không chỉ hiến phổi, chị Phương còn tiếp tục giúp đỡ gia đình thiếu niên khi gặp khó khăn.
“Đây là hành động lần đầu tiên xảy ra. Khi một gia đình người hiến tạng hỗ trợ “ngược” đối với người nhận tạng. Hành động đó thật ý nghĩa, thật nhân văn và thật đáng trân trọng”, một cán bộ Trung tâm điều phối tạng Quốc gia chia sẻ.
Trước đó, ngày 12/12/2018 anh Lê Hồng Quý đã hiến tạng sau khi qua đời. Số mô tạng anh Quý hiến đã cứu sống 6 bệnh nhân đang mắc bạo bệnh. Trước hành động cao cả trên, Bộ trưởng Bộ Y tế đã quyết định truy tặng Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân cho anh Dương Hồng Quý.