Kì vọng con mình sẽ giỏi giang và đạt kết quả tốt nhất trong học tập, nhiều phụ huynh chỉ chú ý đến việc cho con học kiến thức mà bỏ qua những yếu tố cần thiết khác cho sự phát triển toàn diện ở con mình.
Dù cô giáo dạy mầm non nhận định “lực học của cháu rất tốt, cháu tỏ ra rất hiếu động, ham tìm hiểu thế giới xung quanh”, nhưng thay vì chọn trường “điểm” cho con như nhiều phụ huynh khác, anh Nguyễn Thành Nam (kỹ sư tin học, trú tại 304, KTT B10, ĐH Bách Khoa, Hà Nội) lại để cho con học, vui chơi một cách tự nhiên và thi vào một trường công lập gần nhà.
Theo anh Nam, việc tạo áp lực về học tập và thi cử quá sớm cho con là không nên mà nên để con được phát triển tự nhiên, thoải mái trong việc học.
Anh Nam cho biết: “Cháu còn quá nhỏ, nên vợ chồng tôi không muốn định hướng hay tạo áp lực cho cháu. Tôi thấy bạn bè tôi đều cố gắng chọn trường chuyên lớp chọn cho con, nhưng nhiều khi kết quả học tập của con cái cũng không đươc như mong muốn. Cháu thứ hai nhà tôi năm nay vào lớp 1, cháu đầu thì đã học lớp 9. Cháu đầu nhà tôi học ở trường bình thường thôi nhưng cháu học cũng rất tốt. Nên từ trường hợp của thằng anh, tôi cũng để cho đứa em về sau được thoải mái trong việc học tập như vậy”.
"Cái áo kiến thức" trong nhà trường tiểu học đang quá rộng đối với học sinh.
“Tôi nghĩ với học sinh lớp 1 và cấp tiểu học nói chung, kiến thức quan trọng một phần nhưng những kỹ năng khác và hiểu biết về thế giới xung quanh cũng rất quan trọng. Tôi rất muốn con mình được phát triển bình thường và hoàn thiện chứ không chỉ nặng về kiến thức trên lớp học”, anh Nam nói.
Tuy nhiên, những bậc cha mẹ có suy nghĩ như anh Nam không nhiều. Với nhiều bậc phụ huynh, trường “điểm” vẫn là sự lựa chọn tối ưu cho con mình, dù con chỉ mới vào lớp 1.
Cách đây 2 năm, vụ việc hàng trăm phụ huynh sau một đêm thức trắng chờ đợi đã “ào ào” chen lấn nhau, xô đổ cổng trường Thực nghiệm trên đường Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) để mong nộp được hồ sơ cho con dự thi vào trường này đã trở thành một đề tài “nóng” về giáo dục lúc bấy giờ, khiến báo chí tốn không ít giấy mực.
Vụ việc đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và cũng không ít các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục đã lên tiếng. Người ta khen cũng nhiều, chê cũng không ít. Ở Việt Nam, mô hình giáo dục thực nghiệm còn quá mới mẻ, trong khi ở nước ngoài, đây là mô hình khá phổ biến.
Mô hình giáo dục thực nghiệm ở Việt Nam được GS. Hồ Ngọc Đại lần đầu tiên đưa ra vào năm 1978. Nội dung cơ bản của mô hình (phương pháp) này là cách tổ chức giáo dục học sinh từ lớp 1 (6 tuổi) được đổi mới so với mô hình giáo dục truyền thống. Nội dung chương trình giáo dục thực nghiệm được thiết kế ở ba lĩnh vực: Khoa học, Nghệ thuật và Lối sống.
Trẻ lớp 1 được tiếp xúc ngay với những kiến thức hiện đại phù hợp tâm lý lứa tuổi. Nhà trường xây dựng chương trình tuân theo ba nguyên tắc: Phát triển, Chuẩn mực và Tối ưu. Hay nói đúng hơn, mô hình giáo dục thực nghiệm là dựa trên sự đánh giá, nghiên cứu về khả năng, tâm lý, lứa tuổi của học sinh để từ đó đưa ra một mô hình giáo dục sao cho phù hợp.
Bởi vậy, có lẽ không lạ khi có cuộc “vượt rào” có một không hai kia của các phụ huynh khi cố gắng nộp hồ sơ dự thi cho con mình. Nhưng đáng tiếc là mô hình này ở Việt Nam chưa nhiều và cũng chưa thực sự hoàn chỉnh.
Song, qua câu chuyện trên có lẽ cũng đã le lói một tia sáng đáng mừng: nhận thức của một bộ phận các bậc cha mẹ về việc học tập cho con cũng đã được thay đổi ít nhiều, không còn nặng nề về kiến thức.
Một học sinh lớp 4 nhưng lại không biết viết bài văn miêu tả con bò như thế nào bởi từ nhỏ đến lớn em chưa được tận mắt thấy con bò bằng xương bằng thịt bao giờ ngoài món ăn làm từ thịt bò mà mẹ vẫn thường nấu cho ăn mỗi ngày; bản thân người viết bài này cũng đã có lần tận mắt chứng kiến và không khỏi kinh ngạc khi trong một buổi ngoại khóa của một công ty nọ tổ chức, một cô gái 23 tuổi đã không thể hoàn thành bức tranh vẽ về con lợn bởi theo lời cô nói thì cô đã không biết… chân con lợn có bao nhiêu móng (!).
Phát triển toàn diện và hoàn thiện nhân cách nơi học sinh mới là cái đích mà giáo dục hướng đến.
Những câu chuyện tưởng chừng như đùa nhưng đó lại là sự thực đang hiện hữu hằng ngày mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu.
Câu hỏi đặt ra: vậy trong trường học, các em đã học được những gì, khi mà ngay cả kiến thức cơ bản nhất về thế giới xung quanh cũng không hề biết? Phải chăng “cái áo” kiến thức thuần túy quá rộng với các em trong khi “cái áo” cơ bản nhất là hiểu biết cuộc sống, về thế giới xung quanh của các em lại quá chật mà vẫn không được nhà trường, cha mẹ chú ý đến?
Sẽ không sai nếu như ai đó nói rằng học sinh bây giờ không có khái niệm nghỉ hè. Quả đúng như vậy, thay vì cho con vui chơi, giải trí để lấy lại trạng thái cân bằng về tâm lý thì nhiều bậc cha mẹ lại nhanh chóng tìm ngay cho con mình một lớp học thêm nào đó về Tiếng Anh, Toán, Văn… bởi “sợ cháu không theo kịp bạn bè”. Chính sự lo lắng (có thể là sai lầm) luôn thường trực đó đã dẫn đến những nhận thức sai lệch về việc định hướng học tập cho con cái từ phụ huynh. Các em sợ học hơn là cảm thấy hứng thú từ việc học.
Trong thời gian qua, kì thi tuyển sinh vào lớp 1 lại thu hút được sự chú ý của dư luận. Cũng trong thời gian qua, những vấn đề muôn thuở mỗi năm lại được đào xới lại là chọn trường công lập hay dân lập cho con khi con bắt đầu bước vào ngưỡng cửa học đường? Nên cho con thi vào trường nào, tỉ lệ chọi bao nhiêu,…
Những lo lắng trên của các bậc làm cha làm mẹ là điều hoàn toàn dễ hiểu và có thể cảm thông, bởi cha mẹ nào mà chẳng lo lắng cho con, mong muốn con mình sẽ giỏi giang và được học trong những môi trường giáo dục đào tạo với chất lượng (cả về hàm lượng tri thức lẫn dịch vụ) tốt nhất? Song, có lẽ các bậc làm cha làm mẹ cũng nên quan tâm đến sự phát triển một cách toàn diện mang tính lâu dài và hoàn thiện cho con, đặc biệt là kích thích tính độc lập và sáng tạo nơi các em thay vì chỉ quan tâm đến việc “nhồi nhét” kiến thức thuần túy sách vở trước mắt.
Cuối cùng, xin được mượn lời của Tiến sĩ Ngô Thị Tuyên – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Giáo dục (thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) để thay cho lời kết trong bài viết này: “Nếu học sinh không làm được thì đó là lỗi của người lớn chứ không phải của các em… Trân trọng trẻ em, hiểu trẻ em để dạy trẻ em, dạy trẻ biết tư duy, biết yêu thương và biết cách tự phục vụ là đích đầu tiên, dung dị và nền tảng nhất trong nhân cách con người là thứ mà giáo dục nhà trường của chúng ta cần phải hướng đến”.