Trẻ con mới 5-6 tuổi vốn quen ăn, quen chơi, nay bị bố mẹ gò ép vào khuôn khổ học chữ, học phát âm, luyện trí nhớ… nên nhiều bé phản kháng cáu gắt, mệt mỏi thậm chí ngất xỉu hoặc đổ bệnh.
Dù mới đầu hè nhưng thời tiết những ngày gần đây liên tục nắng nóng gay gắt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tinh thần “quyết chí” đưa con đi luyện thi vào lớp 1 của các bậc phụ huynh suy giảm.
Đều đều vào 5h chiều thứ 2, 4, 6 hàng tuần, chị Nguyễn Thu Lý (Mỹ Đình, Hà Nội) lại sấp ngửa từ cơ quan về đón con tại nhà trẻ, rồi đưa con đến ngay lớp luyện thi. Có những hôm vội quá, đường đi lại tắc dài, chị Lý đón con muộn, rồi không kịp cho bé ăn thêm gì. Cả ngày dài ở trường mầm non, rồi lại cả quãng đường nắng nôi buổi chiều mà như giữa trưa, thêm một “ca 3” luyện trí nhớ, logic hay luyện phát âm tiếng Anh… bé Đăng Khôi con trai chị từ một bé trai hoạt bát, nghịch ngợm, hay cười hay nói bỗng trở nên lầm lỳ, uể oải.
“Biết là con mệt mỏi vì có lẽ thời gian luyện thi này hơi quá sức với con bởi từ trước tới nay con chỉ quen ăn chơi, ngủ nghỉ, nhưng vợ chồng tôi cũng chỉ biết động viên con và chăm sóc con tốt hơn về sức khỏe. Về nhà, bố cháu có nhiệm vụ hỏi han, kiểm tra lại những kiến thức con đã học, chỗ nào con chưa hiểu thì giảng giải lại rồi bổ sung kiến thức cho con. Nhiều hôm bé về nhà là nằm dài trên giường, bỏ ăn khiến vợ chồng tôi cũng lo lắng lắm. Mong rằng con sẽ thi đỗ để có thể được học trường chất lượng cao, đền bù xứng đáng cho công sức mà bố mẹ và cháu đã bỏ ra”, chị Lý giãi bày.
Không nên ép trẻ luyện thi vào lớp 1 (Ảnh minh họa)
Cùng cảnh ngộ với chị Lý, anh Phạm Văn Nam (Phố Vọng – quận Hai Bà Trưng) cũng đang vất vả ép con học mỗi ngày theo các dạng đề mà trường tiểu học con định thi.
Theo anh Nam, nhiều câu hỏi IQ trong các đề án kiểm tra dành cho các bé lứa tuổi 5-6 mà đôi khi khiến anh “không biết đâu mà lần”. Bé gái Phạm Hồng Hà – con anh Nam vốn thông minh nhưng ham chơi, ít tập trung khi người lớn hỏi. Chính vì vậy, vài lần trả lời các câu hỏi sai, bé đâm nản. Bố ra sức giảng giải cho con, con lại càng không hiểu. Bị bố mắng, bé Hà ấm ức khóc lóc và dỗi không học nữa.
“Đề kiểm tra khả năng logic, IQ cho trẻ nhưng tôi thấy cũng rất hóc búa. Đôi khi vợ chồng tôi phải ngồi ngẩn ra một lúc mới tìm ra đáp án chính xác, vậy mà các bé phải hoàn thành những câu hỏi này chỉ trong 1 phút, 2 phút thì quả thực rất khó”, anh Nam nói. Để minh chứng cho câu nói của mình, anh Nam đưa ra một tập giấy photo các câu hỏi mà con gái anh phải hoàn thành trước buổi học hôm sau. Những câu hỏi logic, trắc nghiệm IQ khá oái oăm không phải người lớn nào cũng có thể làm được, chứ chưa nói gì đến tư duy của các bé chưa đến 6 tuổi.
“Ép con học không được, dọa con học không xong, tôi đã từng treo thưởng, hứa sẽ mua quà cho con nếu con chăm học và thi đỗ, nhưng con gái tôi có vẻ không mặn mà lắm”, anh Nam trăn trở.
Theo thạc sỹ Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ, hay chuẩn bị vào lớp 1, trẻ cần được phát triển một cách tự nhiên, học mà chơi, chơi mà học, có như vậy trẻ mới tiếp thu và không bị “sốc” tinh thần. Nếu như chỉ vì để thi đỗ vào các trường tiểu học được đánh giá là có chất lượng cao, mà phụ huynh ép trẻ “luyện thi” thì chính các bậc cha mẹ đã vô tình “cướp” đi tuổi thơ của con trẻ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, tinh thần của các bé.
Với những dạng đề kiểm tra đầu vào của các trường tiểu học hiện nay, theo thạc sĩ Lê Thị Lan Anh, hầu hết các câu hỏi đều mang tính chất đánh giá năng lực nhận biết, ghi nhớ, diễn đạt, phát âm của các trẻ, do đó, bố mẹ cũng không nên nặng nề quá về vấn đề này.
“Đừng để vì ước muốn của phụ huynh hay sự ích kỷ theo tâm lý ‘con mình phải hơn con hàng xóm’ mà làm khổ con trẻ”, thạc sĩ Lan Anh nhấn mạnh.