Thứ lá này là gia vị không thể thiếu trong một số món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc, ai thưởng thức cũng thích mê.
Lá mắc mật là loại lá được hái từ cây mắc mật, từ lâu đã được bà con ở Tây Bắc sử dụng như một thứ gia vị trong nhiều món đặc sản nổi tiếng như vịt nướng, thịt nướng, khâu nhục...
Nếu như trước đây ít ai biết đến lá mắc mật thì mấy năm gần đây, thứ lá gia vị này được bán nhiều trên chợ mạng và các chợ truyền thống. Lá mắc mật tươi có giá khoảng 40.000 đồng/kg, trong khi đó lá mắc mật khô có giá tới 250.000 đồng/kg. Nhiều người lùng mua lá mắc mật khô về sử dụng dần trong năm. Lá mắc mật bỏ ngăn mát tủ lạnh có thể sử dụng được từ 7-10 ngày, còn nếu phơi khô và bảo quản cẩn thận thì có thể để quanh năm mà mùi vị vẫn giữ nguyên.
Lá mắc mật là thứ gia vị đặc sản để chế biến nhiều món hấp dẫn ở Tây Bắc
Là người thường xuyên bán các loại đặc sản núi rừng ở chợ cóc (Thanh Xuân, Hà Nội), chị Hoa cho biết lá mắc mật là món chị bán rất đắt hàng. Nếu trước đây người dân vào rừng hái lá mắc mật để chế biến món ăn thì giờ đây họ hái để bán cho thương lái. Thậm chí nhiều gia đình còn trồng cây mắc mật để hái lá và quả để bán.
"Lá mắc mật có mùi thơm đặc trưng, cay nhẹ. Tôi bán cả lá tươi và lá khô, ai thích loại nào mua loại đấy. Loại lá tươi thì dùng luôn, còn lá khô có thể bỏ ngăn mát dùng trong năm. Dù phơi khô nhưng loại này vẫn giữ nguyên mùi thơm và vị đặc trưng của lá mắc mật. Loại này người ta đóng gói sẵn 3 lạng, hút chân không", chị Hoa nói.
Lá mắc mật tươi có mùi thơm như tinh dầu, cay nhẹ
Theo tim hiểu, cây mắc mật thuộc họ Cam (Rutaceae) tên khoa học là Clausena indica, phân bố tự nhiên ở rừng tự nhiên Quảng Tây - Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Thái lan, Malaysia, Indonesia và Philippines và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc phổ biến từ Bắc vào Nam, tập trung phân bố ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hòa Bình... Ở những vùng khác cây mắc mật rất khó sống hoặc nếu cây sống cũng không có quả, không có mùi thơm đặc trưng như tại quê hương của loài cây này hay rất có thể lá sẽ bị đắng không dùng để chế biến món ăn được.
Loại cây này trưởng và phát triển tốt ở độ cao 200-600m, nhiệt độ thích hợp 20-25oC, lượng mưa bình quân 1.000-1.900mm/năm. Cây mắc mật là cây ưa sáng, chịu hạn tốt, lúc nhỏ cần che bóng nhẹ. Quả mọng hình trứng đường kính 9-13mm, khi chín vỏ quả màu vàng nhạt, nhẵn bóng, trong. Mắc mật ra hoa từ tháng 3, tháng 4, mùa quả chín tháng 6 tháng 8.
Lá mắc mật khô được ưa chuộng vì có thể bảo quản để sử dụng quanh năm
Lá mắc mật có hình lông chim, thuôn dài, mọc so le nhau, nhọn ở hai đầu. Viền lá có nhiều khía răng cưa nhỏ. Mặt trên lá xanh, nhẵn, bóng, mặt dưới thì có màu nhạt hơn và có thêm lớp lông tơ gây cảm giác thô ráp khi sờ vào.
Người ta tìm đến mắc mật vì mùi thơm đặc trưng. Mùi hương có nguồn gốc đến từ hàm lượng tinh dầu chứa trong cây. Lá mắc mật có thể dùng trực tiếp hoặc phơi hay sấy khô để bảo quản lâu dài.