Loại cây này đang dần giúp người dân các tỉnh miền Bắc dần ổn định kinh tế, có nguồn thu nhập cao hơn so với khi canh tác những loại cây trồng trước kia.
Cuối tháng 8 (cuối thu) là thời điểm cây na bở vào mùa, người dân tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Tp. Hải Phòng lại tất bật thu hoạch loại cây “chủ lực" của Hợp Tác Xã. Từ đầu tháng 8, xã Liên Khê nô nức người dân đến làm thời vụ, thương lái đến mua hàng, có cả nông dân, khách hàng từ những khu vực khác đến tham quan vụ mùa na bở - loại quả được đồn là “hái ra vàng" ở Liên Khê.
Những cây na bở sai trĩu quả tại Liên Khê.
Vườn na bở thẳng tắp.
Na bở vốn không phải là loại quả xa lạ với nhiều người. Có thời gian, loại quả này bị "thất sủng", không ai ăn vì chê na bở dễ giập nát, khó vận chuyển. Người dân chặt cây na bở bỏ đi vì không mang lại thu nhập. Thế nhưng, mấy năm gần đây, na bở "sốt" trở lại, nhiều người thích ăn na bở bởi hương vị thơm ngon, ngọt thanh. Na chín khi ăn cảm giác tan trong miệng vô cùng hấp dẫn.
Các Hợp Tác Xã liên tục khuyến nghị người dân tại xã mình trồng na bở thay cho các loại cây canh tác khác. Một phần là bởi loại quả này có thị trường xuất khẩu. Na bở có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với giống na dai và na nhập ngoại khác vì cây phát triển nhanh, khỏe, đậu quả nhiều, sinh trưởng tốt, na chín có mắt hồng, căng bóng, thịt trắng, vị ngọt sắc và hương thơm đặc biệt nên cây na ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Giá loại na này dao động từ 80.000-160.000 đồng/kg, thậm chí nhiều cửa hàng bán na bở VietGAP với giá lên tới 200.000-240.000 đồng/kg tùy size quả.
Hiện tại, các loại na bở được rao bán khá nhiều, đa phần đều có nguồn gốc từ Đông Triều (Quảng Ninh), Chi Lăng (Lạng Sơn) và Thủy Nguyên (Hải Phòng). Thế nhưng nói đến đặc sản na bở, phải nhắc đến xã Liên Kê, huyện Thuỷ Nguyên, Tp. Hải Phòng với hơn 100ha trồng na bở trên khắp xã. Nhận thấy tiềm năng của loại quả này, anh Hoàng Đại Nghĩa (46 tuổi, Hải Phòng) quyết tâm cắt bỏ hơn 1ha trồng bưởi, chanh… kém chất lượng để chuyển hướng sang canh tác cây na bở.
Na bở to, tròn, căng mọng.
Loại sản vật này được thị trường đón nhận.
Theo anh Nghĩa, na bở thích hợp trồng vào mùa xuân (khoảng tháng 3), điều kiện thời tiết lúc này phù hợp với loại cây này. Trước khi trồng na bở, cần phải làm sạch đất và đào hố trước đó 1 tháng. Kích thước hố trồng khoảng 50x50x50cm và khoảng cách giữa các hố là 3m. Để xử lý hết mầm bệnh trong đất và cung cấp dinh dưỡng cho đất, cần bón lót cho từng hố một lượng phân bón 10kg phân chuồng hoai mục, 0,5kg phân lân và 1kg vôi bột. Thời gian đầu sau khi trồng, cần duy trì việc tưới nước đều đặn 3 ngày 1 lần, khi cây phát triển cao 1m trở đi thì giảm lượng nước tưới nhưng vẫn cần duy trì độ ẩm thường xuyên cho cây.
Cứ như vậy, sau hơn 1 năm trồng 300 gốc na bở vườn nhà anh Nghĩa đã có thể thu hoạch. Trung bình mỗi cây cho 20 kg quả, bán 1,5-1,7 triệu đồng/năm, chi phí chăm sóc chỉ khoảng 100.000 đồng. Mỗi hecta, người dân thu hoạch khoảng 9 tấn/năm, như vậy thu nhập lên đến vài trăm triệu đồng, năng suất gấp 100 lần so với trồng bưởi, chanh hay canh tác lúa… Nhờ trồng cây na bở, anh Nghĩa đã “đổi đời", từ căn nhà nhỏ cha mẹ để lại nay đã xây được nhà cửa khang trang, sắm sửa xe cộ đi lại. Đặc biệt, chăm cây na rất nhàn nên thời gian rảnh, anh Nghĩa còn tranh thủ trồng thêm các loại rau ngắn ngày để tăng thêm nguồn thu nhập.
Trồng na bở tạo công ăn việc làm cho người dân trong khu vực.
Cũng trong xã Liên Khê, hơn 10ha trồng na bở của ông Phùng Văn Đại (68 tuổi, cựu chiến binh) luôn là một trong những trang trại tiêu biểu của Hợp Tác Xã Liên Khê. Những gốc na bở trồng thăng tắp, sai trĩu quả, cứ đến mùa là từ xa đã ngửi thấy mùi na bở thơm phức. Vườn lớn nên thu hút nhiều nhân công đến làm thời vụ, vừa chăm sóc vừa thu hoạch na bở, thương lái lui tới thường xuyên, rất tấp nập.
“Phấn khởi lắm. Trước kia người dân Liên Khê chỉ tập trung vào cây lúa. Diện tích canh tác đan xen nhiều đồi núi, vùng trũng, năng suất thấp, đời sống người dân khó khăn. Giờ đây con đường xuyên xã dài 3 km gồ ghề, nhỏ hẹp được thay bằng đường nhựa rộng 9 m. Những con đường nhánh vào các thôn được làm mới rộng 5-7 m.
Hàng chục km đường nội đồng được bê tông hóa, rộng 2-3 m, dẫn đến những vườn na. Nhiều nông dân trong vùng đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động nhưng vẫn không ổn định cuộc sống, nhờ na bở mà đã thay đổi cuộc sống hoàn toàn", ông Đại chia sẻ.
Người dân tự hào với loại sản vật địa phương.
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trong vùng, vườn na bở của ông Đại còn là nơi nhiều nông dân đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm canh tác loại cây này. Ông Đại cũng dành nhiều thời gian để tham dự các triển lãm trong khu vực, giới thiệu loại quả mang thương hiệu địa phương.