Tiến sĩ Giáo dục Phạm Minh Hoa: “Ở Việt Nam, vẫn còn quan điểm phụ nữ thì cần gì phải học cao”

THÀNH GIANG - Ngày 31/10/2022 14:35 PM (GMT+7)

Theo Tiến sĩ Giáo dục Phạm Minh Hoa, phụ nữ ở Việt Nam vẫn còn gặp trở ngại bởi những quan điểm như cần gì phải học lên cao, trong gia đình chỉ cần một người có học vị là đủ.

Con đường học vấn luôn bình đẳng với mọi người, không phân biệt giới tính, độ tuổi hay vùng miền. Nhưng ở đâu đó vẫn sẽ còn những định kiến về giới khi phụ nữ được coi là phái không nên học cao, chỉ cần học đến một hạn mức nhất định, nên tập trung vào việc chăm sóc gia đình, con cái nhiều hơn.

Tuy nhiên ở xã hội hiện đại, phụ nữ luôn biết cách để chu toàn giữa việc nhà và những khía cạnh xã hội, trong đó có việc tiếp tục học lên nhiều cấp cao hơn, giữ nhiều chức vụ, vai trò quan trọng trong đời sống.

Tiến sĩ Phạm Minh Hoa, người từng theo học ngành Giáo dục tại Đại học Auckland (New Zealand), Giảng viên khoa Giáo dục tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện phụ nữ làm về nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam và việc học lên cao với những người đã có gia đình, con cái. 

Tiến sĩ Phạm Minh Hoa từng luôn phải hỏi bản thân rằng: “Tại sao chọn đi du học?”

Tiến sĩ Phạm Minh Hoa từng luôn phải hỏi bản thân rằng: “Tại sao chọn đi du học?”

Đưa con đi du học cùng để bé tiếp xúc với môi trường giáo dục mới

Chào Tiến sĩ Phạm Minh Hoa, chị có thể chia sẻ quá trình học Tiến sĩ của chị diễn ra như thế nào, có thuận lợi hay không?

Đó là quá trình khá dài và khó khăn. Có một câu khẩu hiệu mình học được từ giáo sư và luôn nghĩ về nó trong quá trình đến học tập và làm quen môi trường ở New Zealand là: “Tôi phải làm được điều mà tôi nghĩ tôi không thể làm được”. 

Xuất phát điểm của mình không phải dân chuyên tiếng Anh, trong số tất cả bạn bè cùng đi sang New Zealand đợt đó đều là giáo viên tiếng Anh nên vốn tiếng rất thành thạo. Bản thân mình có nền tảng chuyên về ngôn ngữ Việt Nam, giáo dục chứ không hẳn về ngôn ngữ Anh nên ban đầu tiếng Anh là rào cản rất lớn khi đi học ở đất nước nói tiếng Anh. 

Mình nhớ đã phải thi đến 4 - 5 lần IELTS mới đủ điểm. Thậm chí thời gian đầu, các vị giáo sư có nói mình cần gặp chuyên gia ngôn ngữ để bổ sung thêm vốn từ. Điều này khiến mình cảm thấy rất tự ti, stress. Đồng thời khi ấy mình lại đưa con sang nữa, bé lúc đó mới hơn 4 tuổi.

Để có thể cân bằng được việc đi học và cuộc sống cá nhân là điều rất khó khăn. Trong thời điểm khó khăn nhất, mình luôn hỏi bản thân rằng “Tại sao chọn đi du học?”, và tự trả lời rằng bởi vì muốn có một điều khác, muốn con và bản thân có trải nghiệm khác và mình đã cố gắng để đến được đây thì không thể nào nghĩ đến chuyện từ bỏ, phải cân bằng, đạt kết quả tốt trong công việc lẫn học tập.

Việc đi du học không chỉ là cơ hội của mình mà còn là của con để tiếp xúc với một nền giáo dục khác

Việc đi du học không chỉ là cơ hội của mình mà còn là của con để tiếp xúc với một nền giáo dục khác

Tại sao chị quyết định đưa con đi theo du học?

Ở New Zealand có chế độ rất tốt cho con gái du học sinh đi học, các bạn nhỏ sẽ được hưởng 30 giờ giáo dục miễn phí trong các trung tâm mầm non, khi vào tiểu học được miễn phí học phí như học sinh nội địa. Việc đi du học không chỉ là cơ hội của mình mà còn là của con để tiếp xúc với một nền giáo dục khác.

Với trải nghiệm từng là một du học sinh theo học ngành Giáo dục tại New Zealand, theo chị nền giáo dục giữa Việt Nam và New Zealand có điểm gì khác nhau?

Nói chung mình nghĩ về giáo dục ở New Zealand có điểm khác với Việt Nam là tôn trọng sự cá nhân hoá của người học, xây dựng chương trình hội nhập cho tất cả trẻ em. Còn ở Việt Nam, giáo dục vẫn mang màu sắc đại trà, có chương trình chung cho tất cả, mọi trẻ em đều cố gắng để phù hợp với nó. Tại New Zealand, người dạy và chương trình học ra đời là để đáp ứng nhu cầu của trẻ em, tức là học sinh là trung tâm của chương trình học.

Theo mình nhận thấy, ở Việt Nam nhiều khi vai trò của giáo viên và áp lực của cha mẹ còn lớn, nên đôi lúc trẻ em chưa thực sự được là trung tâm của hoạt động học và dạy.

"Ở Việt Nam, vẫn còn quan điểm phụ nữ thì cần gì phải học cao"

Trong vai trò người mẹ và người làm giáo dục, chị có gặp khó khăn để cân bằng thời gian giữa công việc và gia đình?

Có đấy! Một trong những điều mà mình đã được học đó là phải xác định được mục tiêu trong thời gian ngắn và dài. Mình sẽ phải chấp nhận không thể làm tất cả mọi thứ một lúc mà cần đặt mục tiêu 1 rồi đến 2,3…sau đó đầu tư gian cụ thể cho những mục tiêu đấy, rồi dành toàn bộ nguồn lực để hoàn thành mục tiêu này chuyển sang mục tiêu khác.

Điều này mình đã áp dụng khi sắp xếp công việc gia đình và công việc bên ngoài. Ví dụ khi tập trung làm việc sẽ tạm thời gác lại gia đình, con cái. Sau khi ngắt công việc rồi sẽ dành thời gian cho con cái. Nhưng khi đã làm mẹ rồi thì thời gian để làm việc toàn tâm nó rất khó khăn hơn so với những người chưa có gia đình. 

Rất nhiều người đã hỏi chồng của mình rằng chồng đã học Tiến sĩ rồi thì vợ cũng đi học như vậy nữa làm gì

"Rất nhiều người đã hỏi chồng của mình rằng chồng đã học Tiến sĩ rồi thì vợ cũng đi học như vậy nữa làm gì"

Một điều quan trọng nữa là rất cần một người đồng hành, hiểu và chia sẻ những khó khăn. Mình khá may mắn khi có người đồng hành là ông xã. Anh cũng là Tiến sĩ ở Úc nên hiểu được khó khăn của người phụ nữ muốn theo đuổi con đường học thuật khi mà nó vất vả đến nhường nào. Anh sẵn sàng giúp đỡ vợ trong công việc gia đình, khi mình sinh bé thứ 2 và xác định nếu tiếp tục mang con sang New Zealand để làm nốt giai đoạn nước rút Tiến sĩ thì không thể nào. Khi đó chồng đã trông con ở Việt Nam để mình sang New Zealand hoàn thành luận án Tiến sĩ.

Thực sự đến bây giờ nghĩ lại đó là khoảng thời gian rất khó khăn. Thời điểm vừa quay lại New Zealand khi con vẫn đang ở Việt Nam là khi dịch bắt đầu bùng phát. Tháng 3/2020, New Zealand phong toả toàn bộ, mình đã đặt vé về nước để thăm con nhưng dịch bệnh như vậy không biết khi nào có thể gặp lại con và gia đình. Thực sự rất stress.

Chị đã vượt qua khoảng thời gian đó như thế nào?

Mình nhớ mình đã khóc rất nhiều. Ngày nào thức dậy cũng cảm thấy cuộc đời rất tối tăm. Nhưng khi nghĩ chồng con đã hy sinh cho mình có cơ hội để ở đây hoàn thành chương trình Tiến sĩ nên phải làm thật tốt.

Mình nhớ bé thứ 2 khi ấy rất thích bài hát "Twinkle Twinkle Little Star", khi bố bật video ở nhà xem đến đoạn gấu mẹ ôm gấu con thì bạn ấy rơm rớm nước mắt dù mới chỉ 16 tháng thôi. Có lẽ đã cảm nhận được tình mẹ con như thế nào khi phải xa mẹ. Khi đó mình đã khóc rất nhiều nhưng tự nhủ phải mạnh mẽ, nếu bỏ cuộc thì không có cơ hội để hoàn thành Tiến sĩ, sau này khi con lớn lên, muốn theo đuổi mục tiêu, mơ ước mình sẽ không có bằng chứng để nói con phải cố gắng. Sau này mình sẽ nói với con ngày xưa khi theo đuổi ước mơ mẹ đã cố gắng hết sức và muốn câu chuyện của mẹ sẽ truyền cảm hứng cho con.

Sự tâm lý của ông xã trở thành điểm tựa vững chắc để chị Phạm Minh Hoa hoàn thành chương trình học Tiến sĩ và cân bằng cuộc sống lẫn công việc thường ngày

Sự tâm lý của ông xã trở thành điểm tựa vững chắc để chị Phạm Minh Hoa hoàn thành chương trình học Tiến sĩ và cân bằng cuộc sống lẫn công việc thường ngày

Là người có kinh nghiệm học tập chuyên sâu về giáo dục ở nước ngoài lẫn đang làm việc trong ngành giáo dục, chị có chia sẻ gì về câu chuyện phụ nữ làm nghiên cứu giáo dục tại Việt Nam?

Theo mình nhận thấy, ở Việt Nam phụ nữ làm nghiên cứu giáo dục cũng nhiều. Nhưng khi xác định nghiên cứu chuyên sâu, đi học nước ngoài, có những công bố quốc tế thì thực sự khá khó khăn, áp lực. Đầu tiên là từ phía mọi người, vẫn còn tồn tại quan điểm phụ nữ thì việc gì phải học lên cao như thế. 

Rất nhiều người đã hỏi chồng của mình rằng chồng đã học Tiến sĩ rồi thì vợ cũng đi học như vậy nữa làm gì. Mình nghĩ là phụ nữ hay đàn ông đều có ước mơ và mỗi ước mơ đều rất xứng đáng để theo đuổi. Với phụ nữ Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi phải cân bằng trong cuộc sống học thuật và gia đình. Nếu như không có thấu hiểu từ chồng, gia đình thì rất vất vả.

Mình có biết những bạn bè của mình đi học Tiến sĩ nhưng chồng không ủng hộ, thậm chí còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Nhưng nếu đã có ước mơ thì hãy cứ theo đuổi, mỗi lựa chọn đều có được và mất. Chấp nhận và hiểu lựa chọn đó sẽ đưa mình đến đâu và khi đã chọn sống hết lòng thì những điều tốt đẹp sẽ đến.

Liên quan đến việc đi du học, có nhiều ý kiến về việc du học sinh ra nước ngoài học không về Việt Nam làm việc. Từng là một cựu du học sinh nước ngoài, chị cảm nhận như thế nào về câu chuyện này?

Đây là câu chuyện không có câu trả lời đúng hay sai vì mỗi người có một lựa chọn khác nhau. Đi học không về không có nghĩa là không phục vụ cho quê hương đất nước. 

Nói thực ở nước ngoài có điều kiện nghiên cứu tốt hơn Việt Nam. Với bản thân mình, mình đã lựa chọn học ở nước ngoài và quay về Việt Nam làm việc, đó là lựa chọn cá nhân không đại diện cho số đông. Mình nghĩ mình đã học những điều tốt đẹp như vậy, nếu có thể mang những giá trị tích cực đó về Việt Nam thực sự tạo được những thay đổi trong cộng đồng. Đó chính là định mệnh, cuộc đời đã trao cho mình.

Mình cảm thấy may mắn khi đã có cơ hội đến New Zealand học tập và sẽ phải làm điều gì đó để đáp đền lại những điều tốt đẹp mà mình đã nhận được. Quay về Việt Nam để phát triển mô hình giáo dục New Zealand tại quê hương.

Chị Phạm Minh Hoa trong thời gian học tập tại New Zealand

Chị Phạm Minh Hoa trong thời gian học tập tại New Zealand

Đảm nhận nhiều vai trò cùng lúc, một ngày của chị có bận rộn và bị quá tải không?

Nói chung công việc hiện tại rất bận rộn. Hiện tại mình đang là Giảng viên khoa Giáo dục tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội, vừa điều hành ở trường mầm non và sắp xếp công việc gia đình. 

Bản thân mình phải luôn cố gắng để cân bằng mọi thứ, chia nhỏ các mục tiêu trong 1 tuần và xác định mỗi ngày cần làm những gì. 

Với tư cách là một cựu du học sinh New Zealand, chị có thể chia sẻ điều gì với những bạn trẻ có mong muốn du học nước này?

Với những bạn có ý định du học ở New Zealand, mình nghĩ đây là môi trường yên bình, thân ái, có sự công bằng và bình đẳng trong tiếp nhận. Từ những chia sẻ và công việc liên quan đến giáo dục hiện tại bản thân đang theo đuổi, mình mong muốn sẽ mang đến giá trị tích cực, mỗi trẻ em đều được coi là một cá thể chuyên biệt, đón nhận, đối xử như các bạn ấy vốn và đang là.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Tiến sĩ! Chúc cho giấc mơ phát triển mô hình giáo dục "đặt học sinh là trung tâm" của chị sẽ trở thành hiện thực ở Việt Nam.

Ngành nghề HOT mới xuất hiện ở Việt Nam: Vẫn còn lạ lẫm, thu nhập khủng nhưng yêu cầu khắt khe
Trong khoảng 3 năm trở lại, nghề coaching nổi lên là một ngành nghề hot có thu nhập cao mỗi năm. 

Giáo dục

THÀNH GIANG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Du học