Thứ quả dại này xưa không ai biết đến, mấy năm gần đây bất ngờ được thu mua với giá cao, còn xuất khẩu cả sang nước ngoài.
Trái nhàu là thứ quả dại dân dã ở các tỉnh miền Tây. Dù hình thức không bắt mắt, lại có mùi hơi "đậm", nếu ai ăn chưa quen còn thấy nặng mùi (tương tự như trái sầu riêng), nhưng chỉ ăn vài lần là quen và bị ghiền.
Cây nhàu thuộc họ cà phê, có tên khoa học là Morinda Citrifolia L. thường mọc ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Tại Việt Nam, loại quả này thường xuất hiện nhiều ở những vùng ẩm thấp dọc theo bờ sông suối, ao hồ hoặc mương rạch ở khắp các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung.
Cây nhàu mọc hoang dại khắp các tỉnh miền Tây và một số tỉnh miền Trung
Quả nhàu hăng và đậm mùi nhưng ai ăn quen sẽ rất nghiện
Quả nhàu dài khoảng 5-7cm, kích cỡ to bằng 2/3 nắm tay người lớn, khi còn non có màu xanh nhạt, lúc chỉ sẽ ngả vàng. Vỏ của nó nhẵn, có những chấm tròn sần sùi đặc trưng, phần cơm bên trong mềm, có thể ăn được.
"Ngày trước quả nhàu mọc ở đầy khắp nơi, cứ đến khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm à quả chín rộ, rụng đầy gốc nhưng không mấy ai ngó ngàng. Với mùi hơi khai khi chín rất đặc trưng nên đi ngang qua thấy thoang thoảng mùi là biết ngay gần đó có cây nhàu. Trẻ con trong làng thường nhặt để ăn chơi, vừa ăn vừa nhăn mặt nhưng vẫn thấy hấp đãn", chị Lành (ở thị trấn Đức Phổ, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho hay.
Trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử, trái nhàu tươi và trái nhàu khô được bán với giá lên tới 250.000 đồng/kg. Người bán giới thiệu thứ quả này có thể ăn được như một loại hoa quả nhưng thường được dùng làm thuốc nhiều hơn vì những tác dụng đặc biệt của nó với sức khỏe, đặc biệt với những người có bệnh về huyết áp, đau nhức xương khớp, các vấn đề về tiêu hoá…
Trái nhàu có thể ăn được như một loại hoa quả nhưng thường được dùng làm thuốc nhiều hơn
Liên hệ với một shop có bán thứ quả này ở Hà Đông, Hà Nội, chị Giang - chủ shop cho biết bây giờ đang là mùa nhàu, shop của chị có bán quả tươi với giá 90.000 đồng/kg. Vì quả nhàu tươi rất nhanh chính và nhanh hỏng sau khi hái nếu bảo quản không cẩn thận sẽ chín dần từ cuống lên đầu, do vậy cần tiêu thụ sớm. Vận chuyển trái nhàu từ Tây Nguyên về đến Hà Nội thường hư hỏng 1 nửa do đóng thùng trái nhàu chín nhanh hơn nữa nên giá thành đội lên cao.
Trên sàn thương mại điện tử, nhàu khô có giá tới 250.000 đồng/kg
Cách dùng phổ biến nhất là nhàu tươi ngâm rượu hoặc ngâm đường
"Thường 1 tuần tôi mới lấy trái nhàu một lần nên khách đặt trước, có hàng tôi ship ngay để đảm bảo nhàu tươi, chín vừa phải. Khách mang về cũng cần chế biến ngay trong ngày để tránh quả nhàu chín nhũn. Cách đơn giản và phổ biến nhất đó là trái nhàu ngâm đường hoặc ngâm rượu dùng dần trong năm, có nhiều tác dụng với sức khỏe", chị Giang cho hay.
Ngoài nhàu tươi, trên thị trường còn có trái nhàu khô được đóng gói cẩn thận và bán với giá đắt hơn. "Nhàu tươi chỉ có có trong 1-2 tháng, thứ quả này không để được lâu nên bà con cắt thành miếng rồi phơi khô, bán dần trong năm. Nhàu khô sử dụng vẫn có những tác dụng như trái nhàu tươi', chị Giang cho biết thêm.
Từ cây dại mọc bờ bụi, mấy năm gần đây người dân nhiều nơi đã đưa cây nhàu về trồng quy mô lớn và đem lại nguồn thu cho gia đình. Cây nhàu rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không bị sâu bệnh hại. Có thời điểm thương lái thu mua trái nhàu với giá cao để làm nước cốt nhàu; mật ong hoa nhàu nguyên chất; tinh dầu nhàu cao cấp; nhàu sới lạnh xuất khẩu sang nước ngoài.
Chia sẻ với báo chí, chị Nhung (ở Hà Tĩnh) cho biết chị mua nhàu của bà con trong huyện để làm ra các sản phẩm từ nhàu. Ngoài nhàu khô, cơ sở của chị còn làm bột nhàu, trà nhàu túi lọc, nhàu tươi ngâm mật ong, rễ nhàu ngâm rượu và bán đi nhiều nơi : Quảng Nam, TP.Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội…
Trong quả nhàu có tới 29 loại axit hữu cơ, tinh dầu và nhiều loại axit amin, caroten, vitamin C, sắt, Mg, Ca, K, Na đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Theo y học dân gian, quả nhàu vị hăng nồng, tính mát, trị nhức mỏi xương khớp, nhuận trường và lợi tiểu nhẹ, hỗ trợ tiêu hóa... dùng dưới dạng quả chín phơi khô hoặc quả tươi ngâm rượu, ngâm đường, sắc uống...