Từ thứ rau dại người dân hái về ăn "chống đói", rau dớn giờ đã thành đặc sản được bán ở siêu thị và các cửa hàng rau sạch, được nhà hàng và những người sành ăn lùng mua về thưởng thức.
Những năm gần đây, các món ăn từ rau rừng xuất hiện nhiều trong thực đơn của các nhà hàng từ bình dân đến cao cấp. Nhờ có hương vị thơm ngon đặc trưng của núi rừng mà những thứ rau dại này thành đặc sản, có thể chế biến được thành nhiều món ăn ngon, lạ miệng được người sành ăn lựa chọn, trong đó có rau dớn.
Rau dớn mọc dại ở các tỉnh Tây Bắc, Quảng Ngãi, và Tây Nguyên.
Mùa mưa, núi rừng trở nên ẩm ướt, rau dớn thi nhau mọc lên những chồi non mơn mởn. Lúc này, bà con vùng cao lại gọi nhau lên rừng, tìm rau dớn ở những khu đất ẩm, khe đá hay bờ rừng để ăn "chống đói" những ngày còn nghèo khó. Sau đó, thứ rau dại này trở nên phố biến hơn trong bưa cơm của các gia đình hoặc để tiếp đãi khách.
Rau dớn còn có tên gọi khác là dón từng, ráng song quấn rau hay thái quyết, còn người Thái gọi loại rau là "pắc cút". Loại cây này mọc hoang dại ở bờ suối, bờ hay thành vạt, thành đám rộng dưới những tán cây rừng râm mát. Ở Việt Nam, rau đớn có nhiều ở các tỉnh Tây Bắc, Quảng Ngãi, và Tây Nguyên.
Mùa mưa, núi rừng trở nên ẩm ướt, rau dớn thi nhau mọc lên những chồi non mơn mởn
Rau dớn thuộc họ quyết, mới nhìn nhiều người thường nhầm với cây dương xỉ. Điểm dễ nhận dạng của loại rau rừng này chính là phần đầu cong cuốn tròn lại như vòi voi, phủ một lớp lông tơ trắng mỏng. Khi ăn sống, thứ rau dại này sẽ có vị chát chát, cảm giác hơi nhớt nhưng khi nấu chín lên thì rau dớn lại thơm ngon, bùi bùi. Lúc chế biến rau dớn phải cho lửa đều và vừa đủ chín để giữ được độ đậm đà, giòn tan của loại rau rừng này.
Anh Tùng (ở xã Sơn Ba, Sơn Kỳ, Quảng Ngãi) cho biết loại rau này sinh sôi và phát triển vào mùa xuân và mùa hạ. Đến mùa, nhiều người phải đi xe máy vài chục cây số rồi băng rừng, lội suối tìm hái rau dớn về bán cho thương lái. "Mùa mưa hai vợ chồng tôi mỗi ngày cũng hái được 20-30kg rau dớn, còn hôm nào không mưa thì số lượng ít hơn. Vì nó rất dễ dập và không để được lâu nên sau khi hái phải cẩn thận cho vào bao ni lông, xếp ngay ngắn vào thùng xốp rồi bán cho các siêu thị, nhà hàng với giá 35.000 đồng/kg. Nhờ rau dớn, vợ chồng tôi có nguồn thu ổn định từ 5-6 triệu đồng/tháng", anh Tùng cho hay.
Rau dớn dễ dập nát nên sau khi hái phải bảo quản cẩn thận
Không chỉ ở Quảng Ngãi, tại một số tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, bà con cũng vào rừng tìm hái thứ rau dại này để bán, kiếm thêm thu nhập. Theo chị Bình (ở Lai Châu), món ăn từ rau dớn mà được khách ưa thích nhất trong các nhà hàng là nộm rau dớn. Để làm ra món ăn đặc biệt này, người ta thường chọn những ngọn rau dớn đang độ bánh tẻ cong non sau đó phơi nắng cho tái rồi đem hấp khoảng 20 phút cho rau chín mà vẫn giữ nguyên màu xanh đẹp mắt. Khi rau đã chín, bỏ rau ra bát, sau đó cho ớt, tỏi, gừng, nước chanh tươi, rau thơm, muối và mì chính trộn đều và rắc thêm ít lạc.
Thứ rau dại này có thể làm thành nhiều món, trong đó món nộm là ngon nhất
Một lần được thưởng thức món nộm rau dớn khi đến du lịch ở Lai Châu, Huỳnh Nguyễn (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết món nộm này vừa giòn, vừa ngon, vị rất khác so với các loại rau hay ăn. "Lúc đầu tôi còn tưởng đó là rau dương xỉ, hỏi ra mới biết là rau dơn đặc sản. Sau đó tôi tìm mua về thành phố để thưởng thức, luộc hay xào tỏi cũng đều rất ngon", Huỳnh Nguyễn kể lại.
Dạo một vòng quanh chợ mạng và các trang bán rau sạch, rất nhiều địa chỉ đặc sản rau rừng có rao bán rau dớn với giá lên tới 95.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, rau dớn có giá lên tới 95.000 đồng
Chị Giang (người bán rau dớn trên chợ mạng) cho biết trong số các loại rau rừng như rau bò khai, rau ngót rừng, thì rau dớn cũng được nhiều người mua. Do loại rau này dễ dập nát, khó bảo quản và không để được lâu nên chị chỉ nhập hàng và giao hàng trong ngày, mỗi lần chỉ lấy số lượng ít. "Tôi gom các đặc sản rau rừng của bà con ở Sơn La gửi xuống Hà Nội bán lẻ cho khách. Đến mùa rau dớn, mỗi ngày cũng bán được vài chục cân, chị em nào đặt muộn phải chờ sang ngày hôm sau vì rau dớn để cuối ngày không còn tươi nữa", chị Giang cho hay.