Từ thứ rau mọc dại, xuất hiện trong những bữa cơm đạm bạc của người nghèo, giờ đây năn bộp trở thành món ăn đặc sản lên tới 120.000 đồng/kg.
Từ xưa, ở xứ An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, năn bộp là loại cỏ dại, mọc hoang bạt ngàn trên những cánh đồng trũng, phèn mặn. Khi dùng tay vỗ nhẹ vào cọng, năn sẽ phát ra tiếng kêu "bộp" rất vui tai, vì thế người dân nơi đây đặt cho nó tên gọi là năn bộp.
Năn bộp có cọng hình trụ, to bằng chiếc đũa, thân rỗng, suôn dài, có thể cao tới 1m, bên trong có từng vách ngăn xốp, thoạt nhìn như cọng hành. Phía bên ngoài của cây năn có phủ một màu nâu vàng vì nhiễm phèn. Khi lột bỏ phần ngoài, phần nõn bên trong lộ màu trắng ngà bắt mắt.
Cây năn bộp mọc hoang bạt ngàn trên những cánh đồng trũng, phèn mặn
Khi lột bỏ phần ngoài, phần nõn bên trong lộ màu trắng ngà bắt mắt.
Không ai rõ năn bộp được sử dụng làm thức ăn từ khi nào, nhưng đã là người dân miền Tây Nam Bộ thì ai cũng biết đến loại rau dại này. Một thời, đây là món ăn "cứu đói" của những người dân nghèo nơi đây.
"Vào mùa mưa, khi nước dâng cao là lúc cỏ năn bắt đầu mọc bạt ngàn trên đồng. Vì là cây dại nên mọi người chỉ việc ra đồng một lúc là có thể nhổ được cả rổ năn bộp về chế biến món ăn. Năn bộp ăn sống rất ngon nên thời còn chăn trâu cắt cỏ, tôi và các bạn trong làng vẫn thường nhâm nhi món khoái khẩu này, vị ngòn ngọt, thanh thanh, và lấy đó làm thú vui", chị Lê Thị Hạnh (ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) kể lại.
Theo chị Hạnh, mùa năn thường bắt đầu từ khoảng giữa tháng 5 cho đến cuối tháng 9 âm lịch hàng năm. Lúc này, do mưa nhiều nên năn sinh trưởng và phát triển rất tốt. Cây năn bộp có ba phần gồm đọt năn, chồi non và củ năn đều được sử dụng để làm món ăn. Đọt năn khi bóc ra có màu trắng ngà, nhẹ như xốp, chồi non thường được sến đầu đỏ ăn. Cuối cùng là củ năn, khi cây năn chết thì đến mùa mưa năm sau mới mọc lên thành cây mới.
Từ một loài cỏ dại, giờ đây năn bộp đã trở thành loại rau đặc sản được nhiều người tìm mua với giá lên tới 120.000 đồng/kg, muốn mua số lượng nhiều còn phải đặt trước vài ngày mới có hàng. Tại nhiều nhà hàng, quán ăn ở miền Tây Nam Bộ, năn bộp được đưa vào thực đơn và rất hút khách.
Nhiều trang bán đặc sản miền Tây rao bán năn bộp với giá lên tới 120.000 đồng/kg
Rao bán năn bộp trên chợ mạng, chị Phan Ánh (ở TP.HCM) cho biết trước đây mọi người ở quê chị thường ăn năn bộp sống, nấu canh, hoặc làm dưa, giờ đây ở các nhà hàng thường chế biến năn bộp xào thịt, trộn gỏi gà, nhúng lẩu… Để thưởng thức món năn xào, người ta xào để to lửa, đảo nhanh cho chồi năn vừa chín tái thì khi ăn sẽ có độ giòn ngọt. "Tôi nhập năn bộp cho một số nhà hàng ở TP.HCM và bán rải rác trên chợ mạng. Trong các loại rau đặc sản của miền Tây, năn bộp được ưa chuộng hơn cả bởi loại rau này rất lạ miệng, giòn, có mùi thơm thoảng đặc trưng. Năn sống chấm với mắm kho, mắm chưng rất hấp dẫn", chị Ánh cho hay.
Về nón năn bộp làm dưa, chị Ánh chia sẻ cách làm dưa khá đơn giản, tước những đọt non của năn bộp, cắt từng khúc vừa gắp, chẻ đôi, sau đó rửa sạch cho ráo nước, cho năn bộp vào hỗn hợp nước giấm đường, ngày hôm sau là có thể ăn được. Hoặc có thể muối xổi, trộn dấm đường tỏi ớt và chút muối ăn để khoảng 30 phút là dùng được. "Nhiều khách hỏi món dưa năn bộp nên gần đây tôi làm thêm để bán, giá 30.000 đồng/hộp. Nếu bảo quản trong tủ lạnh có thể để được vài hôm, ăn cùng với các món thịt luộc, thịt kho đỡ bị ngán và bắt cơm", chị Ánh chia sẻ.
Năn bộp trở thành loại rau lạ, muốn mua phải đặt trước
Vì nó được ưa chuộng và mang lại giá trị kinh tế, mấy năm gần đây, bà con ở một số nơi còn trồng năn bộp với diện tích lớn, thu hoạch quanh năm và bán khắp mọi miền đất nước. Nghề bóc năn bộp cũng mang lại thu nhập cho người dân.
Chị Quách thị Nhã (ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau) cho biết năn sau khi nhổ, lột sạch bán ra thị trường với giá 30.000 đồng/kg. "Mấy năm nay cứ đến mùa hai vợ chồng tôi lại đi nhổ và bóc năn bộp, mỗi ngày được khoảng 5-10kg rồi nhập cho các nhà hàng, thương lái. Qua đó, thu nhập mỗi ngày cũng được khoảng 200-300 nghìn đồng".