Tết đến với nhiều mối lo toan là thời điểm dễ xảy ra các xung đột. Nếu không giải quyết được, mâu thuẫn có thể kéo dài tới năm mới khiến vợ chồng mất Tết. Dưới đây là lời khuyên của chuyên gia hôn nhân và gia đình giúp bạn tránh những xung đột ngày Tết thường gặp.
1. Tiền bạc
Tết là thời kỳ tuyệt vời nhất trong năm nhưng cũng là thời điểm mà phải dùng tới nhiều tiền nhất. Các khoản chi phí mua sắm, đi lại, biếu Tết đôi bên… dẫn tới bội chi. Với những gia đình không có sự chuẩn bị sớm về tài chính thì một danh sách cần chi tiêu ngày Tết cũng là vấn đề gây stress. Chưa kể nếu như bạn lại là người không có điều kiện, lương thưởng không ở mức hậu hĩnh thì tính toán, chi tiêu như thế nào cho vừa đủ cũng phải đau đầu. Nếu không khéo léo có thể dẫn tới xung đột giữa hai vợ chồng.
Lời khuyên: Chuyên gia tâm lý Hồng Hương chia sẻ để tránh xung đột về vấn đề tiền bạc trong ngày Tết, vợ chồng cần đối diện chuyện tiêu Tết một cách trung thực, thiết lập một giới hạn hợp lý. Để lương thưởng cuối năm không phải gánh tất cả chi phí trong dịp tết, mỗi tháng trước đó cần tiết kiệm một chút. Bạn cũng có thể chọn những mặt hàng bán giảm giá trong dịp Tết hay tự mình làm món ăn, đồ trang trí nhà cửa; mua chung cùng bạn bè… để chia sẻ dịch vụ, giảm chi. Đừng để mình lâm vào cảnh rỗng túi sau kỳ nghỉ Tết vì điều này dẫn tới tâm lý căng thẳng, khi đó quan hệ vợ chồng cũng căng thẳng theo.
2. Đón Tết ở đâu
Ảnh minh họa
Nhiều vợ chồng xảy ra xung đột ngày Tết chỉ vì không biết đón Tết ở đâu. Sẽ thật khó quyết định khi mà cả bên nội, ngoại đều muốn đón gia đình nhỏ của bạn về ăn Tết. Đó là không kể, nếu như không vướng dịch bệnh như năm nay thì nhiều người lại có xu hướng đi du lịch trong dịp này.
Lời khuyên: Vợ chồng để tránh xung đột về vấn đề này tốt nhất là chia thời gian cho cả hai bên nội và bên ngoại. Thay vì châm ngòi cho các xung đột hãy kiềm chế cơn nóng giận. Chẳng hạn một trong hai người muốn trốn Tết và người kia thì không thì hãy thảo luận những mong muốn của bạn trong ngày lễ một cách thật thà nhất và xem liệu cả hai có thể thỏa hiệp được những gì với nhau.
3. Phân công lao động
Những ngày cuối năm tất bật với nhiều việc, ngoài việc cơ quan, con cái còn có việc nhà, việc lặt vặt phát sinh... Thật dễ dàng để bạn cảm thấy dường như mình đang phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm. Việc tị nạnh nhau công việc nhiều, ít tới việc trang trí nhà cửa…. không được hợp lí có thể dẫn tới bức xúc.
Lời khuyên: Chuyên gia tâm lý khuyên bạn hãy lập một danh sách những gì cần phải làm, xác định trách nhiệm cho từng người ở mỗi việc khi bắt đầu chuẩn bị tết. Vợ chồng sau đó nên nói chuyện với nhau để xem việc thực hiện đạt kết quả ra sao, cần chỉnh sửa thế nào… Nếu như một trong hai người mà cảm thấy khối lượng công việc của mình quá nhiều không thể thực hiện được hết thì có thể thảo luận để cùng nhau điều chỉnh.
Mỗi người cần phải hỗ trợ nhau một tay. Hãy nghĩ tới các tác động tích cực từ việc dọn dẹp nhà cửa như các thành viên có thời gian trao đổi, nói chuyện với nhau nhiều hơn khi cùng nhau tham gia công việc nhà. Hơn nữa, khoa học cũng đã chứng minh làm công việc nhà giúp bạn giảm bớt được nguy cơ căng thẳng cũng như các yếu tố bệnh tật.
4. Quà tặng, quà biếu
Quà tặng ngày Tết cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn tới tranh cãi vợ chồng. Ngay từ việc quyết định ai sẽ là người được tặng quà, tặng quà gì… khi không có tiếng nói chung dễ dẫn tới xung đột.
Lời khuyên: Chìa khóa để tránh xung đột về quà tặng, quà biếu trong dịp Tết là cả hai cần trao đổi thẳng thắn. Hãy cùng nói chuyện này sớm và cùng quyết định xem những ai trong gia đình, bạn bè và người quen nào được tặng quà. Vợ chồng cũng cần lên dự kiến chi phí có thể chi cho biếu quà ngày Tết.