Trẻ dậy thì

Trẻ dậy thì sẽ có rất nhiều thay đổi từ hình thể đến tâm lý và sinh lý. Vì thế nếu bố mẹ không nắm bắt kịp thời để có hướng tư vấn, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Tuổi dậy thì là gì?

Dưới góc độ sinh học, tuổi dậy thì là thời kỳ trưởng thành sinh dục, nghĩa là bắt đầu có khả năng sinh con. Ở trẻ gái được thể hiện bởi sự có kinh nguyệt lần đầu và ở trẻ trai là sự phóng tinh lần đầu (mộng tinh).

Các trẻ gái thường bắt đầu dậy thì ở độ tuổi từ 9-14 và ở các trẻ nam dậy thì muộn hơn ở độ tuổi từ 12-15. Nhìn chung, nữ dậy thì sớm hơn nam khoảng 2-3 tuổi. Các bạn trẻ có người sẽ dậy thì sớm hơn và cũng có người dậy thì muộn hơn một vài năm. Vào tuổi này, ở trẻ trai và trẻ gái bắt đầu có sự trưởng thành của hormone sinh dục, cũng như hệ cơ quan sinh dục và bắt đầu có khả năng thụ thai nếu có quan hệ tình dục.

Ảnh minh họa

Khi nói đến tuổi dậy thì, bạn trẻ cần quan tâm đến sự thay đổi về tâm sinh lý. Với những thay đổi này, cần có hiểu biết đầy đủ để tránh những sai lầm không đáng có, làm ảnh hưởng đến việc phát triển về tinh thần, thể chất và bệnh tật có thể xảy đến.

Khi nào đến tuổi dậy thì?

Tuổi dậy thì bao gồm những biến đổi chậm chạp kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và thường diễn ra vào tuổi 12, 13.

Tuy nhiên, người ta thấy có những trường hợp rất sớm (9 tuổi) hoặc muộn hơn (17 tuổi), thường là tùy theo địa phương và dân tộc. Chẳng hạn như ở châu Phi, tuổi dậy thì của con gái rất sớm, có khi chỉ 5, 6 tuổi và nhiều em có thai ở tuổi đó. Ở Pháp và châu Á, những trường hợp quá sớm như vậy hay quá muộn thường được gọi là không bình thường.

Dậy thì sớm là thế nào?

Là khi kinh nguyệt và đặc tính sinh dục phụ xuất hiện trước tuổi lên 8. Đây là trường hợp bất bình thường và cần đi khám sức khỏe để tìm nguyên nhân, có thể do não, có thể do buồng trứng hoặc do tuyến thượng thận.

Dậy thì sớm là khi kinh nguyệt và đặc tính sinh dục phụ xuất hiện trước tuổi lên 8. (Ảnh minh họa)

Dậy thì muộn như thế nào?

Là khi đến 17 tuổi vẫn chưa xuất hiện những biểu hiện của sự trưởng thành sinh dục, dậy thì sớm thường gặp hơn. Dậy thì muộn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Có khi do di truyền, do nguyên nhân tâm thần hoặc những dị tật bẩm sinh ở cơ quan sinh dục và buồng trứng. Nguyên nhân do thiếu dinh dưỡng cũng có nhưng rất hiếm thấy ở những nước có đời sống cao. Cũng có khi do một tổn thất lớn ở não. Và đây là một nguyên tắc tuyệt đối: không được tự ý dùng thuốc kích thích hành kinh khi chưa khám bệnh để tìm nguyên nhân.

Các giai đoạn và dấu hiệu tuổi dậy thì ở trẻ

Giáo sư James M. Tanner - một chuyên gia về phát triển trẻ em, là người đầu tiên xác định các giai đoạn có thể nhìn thấy của tuổi dậy thì. 

Ngày nay, những giai đoạn này được gọi là giai đoạn Tanner. Đó là một hướng dẫn chung để phát triển thể chất, mặc dù mỗi người có một thời gian biểu dậy thì khác nhau.

Mỗi giai đoạn dậy thì ở trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau và khác giữa bé trai và bé gái.

Giai đoạn 1

Vào cuối giai đoạn 1, não bộ mới bắt đầu gửi tín hiệu đến cơ thể để chuẩn bị cho những thay đổi.

Vùng dưới đồi bắt đầu tiết ra hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). GnRH di chuyển đến tuyến yên, là khu vực nhỏ dưới não tạo ra các hormone kiểm soát các tuyến khác trong cơ thể.

Tuyến yên cũng tạo ra hai loại hormone khác: hormone tạo hoàng thể (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) .

Những tín hiệu ban đầu này thường bắt đầu khi bé gái 8 tuổi và bé trai 9 hoặc 10 tuổi. Không có bất kỳ thay đổi thể chất nào đáng chú ý đối với trẻ em trai và gái trong giai đoạn này.

Giai đoạn 2

Giai đoạn 2 đánh dấu sự bắt đầu của phát triển thể chất. Hormone bắt đầu gửi tín hiệu đi khắp cơ thể.

Con gái

Tuổi dậy thì thường bắt đầu từ 9 đến 11 tuổi. Ngực bắt đầu hình thành vú có thể gây ngứa và dần mềm hơn. 

Ngực thường có các kích cỡ khác nhau và phát triển với tốc độ khác nhau. Vì vậy, có thể ngực sẽ một bên lớn bên nhỏ. Vùng sẫm màu xung quanh núm vú (quầng vú) cũng sẽ nở ra.

Ngoài ra, tử cung bắt đầu lớn hơn và một lượng nhỏ lông mu bắt đầu mọc trên môi âm đạo.

Con trai

Ở các bé trai, tuổi dậy thì thường bắt đầu vào khoảng tuổi 11. Tinh hoàn và vùng da xung quanh tinh hoàn (bìu) bắt đầu to hơn. Ngoài ra, giai đoạn đầu lông mu hình thành ở gốc dương vật.

Giai đoạn 3

Những thay đổi về thể chất ngày càng rõ ràng hơn.

Con gái

Những thay đổi về thể chất ở trẻ em gái thường bắt đầu sau tuổi 12. Những thay đổi này bao gồm:

- “Chồi” vú tiếp tục phát triển và mở rộng.

- Lông mu dày và xoăn hơn.

- Lông bắt đầu hình thành dưới nách.

- Những dấu hiệu đầu tiên của mụn trứng cá có thể xuất hiện trên mặt và lưng.

- Tốc độ tăng trưởng chiều cao bắt đầu cao nhất.

- Hông và đùi bắt đầu tích mỡ.

Khi trẻ dậy thì sẽ có sự thay đổi rõ rệt về chiều cao. (Ảnh minh họa)

Con trai

Những thay đổi về thể chất ở các bé trai thường bắt đầu vào khoảng 13 tuổi. Những thay đổi này bao gồm:

- Dương vật dài ra khi tinh hoàn tiếp tục phát triển lớn hơn.

- Một số mô vú có thể bắt đầu hình thành dưới núm vú (điều này xảy ra với một số nam thiếu niên trong quá trình phát triển và thường mất đi trong vòng vài năm).

- Con trai bắt đầu “mộng tinh” (xuất tinh vào ban đêm).

- Vỡ giọng, âm vực giọng dần trầm xuống

- Cơ bắp trở nên lớn hơn.

- Tăng trưởng chiều cao tăng lên 2 đến 3,2 inch (5-8cm) mỗi năm.

Giai đoạn 4

Tuổi dậy thì đang diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn 4. Cả bé trai và bé gái đều nhận thấy nhiều thay đổi.

Con gái

Ở các bé gái, giai đoạn 4 thường bắt đầu vào khoảng 13 tuổi. Những thay đổi bao gồm:

- Vú có hình dạng đầy đặn hơn.

- Nhiều bé gái bắt đầu có kinh nguyệt, thường ở độ tuổi từ 12 và 14, nhưng nó có thể xảy ra trước đó.

- Tăng trưởng chiều cao sẽ chậm lại khoảng 2 đến 3 inch (5-7,6cm) mỗi năm.

- Lông mu dày lên.

Con trai

Ở các bé trai, giai đoạn 4 thường bắt đầu vào khoảng 14 tuổi. Những thay đổi bao gồm:

- Tinh hoàn, dương vật và bìu tiếp tục to lên, bìu sẽ có màu sẫm hơn.

- Lông nách bắt đầu mọc.

- Giọng trầm.

- Mụn có thể bắt đầu xuất hiện.

Giai đoạn 5

Giai đoạn cuối cùng này đánh dấu sự kết thúc quá trình trưởng thành về thể chất của trẻ

Con gái

Ở bé gái, giai đoạn 5 thường xảy ra vào khoảng tuổi 15. Những thay đổi bao gồm:

- Vú đạt kích thước và hình dạng gần đúng với người trưởng thành, mặc dù vú có thể tiếp tục thay đổi cho đến năm 18 tuổi.

- Các chu kỳ kinh trở nên đều đặn sau sáu tháng đến hai năm.

- Trẻ em gái đạt đến chiều cao trưởng thành từ một đến hai năm sau kỳ kinh đầu tiên.

- Lông mu đầy ra đến đùi trong.

- Cơ quan sinh sản và bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ.

- Hông, đùi và mông đầy đặn.

Con trai

Ở con trai, giai đoạn 5 thường bắt đầu vào khoảng tuổi 15. Những thay đổi bao gồm:

- Dương vật, tinh hoàn và bìu sẽ đạt kích thước trưởng thành.

- Lông mu đã mọc đầy và lan xuống đùi trong.

- Râu trên mặt sẽ bắt đầu mọc và một số chàng trai sẽ cần bắt đầu cạo râu.

- Tăng trưởng chiều cao sẽ chậm lại, nhưng cơ bắp có thể vẫn đang phát triển.

- Đến 18 tuổi, hầu hết con trai đã đạt đến sự phát triển toàn diện.

Dinh dưỡng hợp lý cho tuổi dậy thì

Dậy thì (bao gồm giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì): Tuổi tiền dậy thì của trẻ em Việt Nam thông thường là 9-11 tuổi với nữ và 12-14 tuổi với nam. 

Lứa tuổi này, chiều cao của trẻ tăng rất nhanh, trẻ em gái tăng khoảng 6cm/năm và trẻ em nam tăng 7cm/năm hoặc hơn nữa nếu dinh dưỡng, vận động hợp lý.

Khi đến tuổi dậy thì (12-13 đối với nữ và 15-16 đối với nam), sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. 

Tuy nhiên, trong thực tế, giai đoạn này ở mỗi trẻ mỗi khác và chúng ta không thể biết chính xác ranh giới tiền dậy thì và dậy thì của từng trẻ, do đó, nên đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ suốt cả giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì để giúp trẻ phát triển. 

Vì sau thời kỳ dậy thì, cơ thể trẻ cũng tăng chiều cao nhưng với tốc độ rất chậm, tổng cộng mức tăng chiều cao của các năm sau không bằng 1 năm chiều cao tăng vọt trong thời kỳ tiền dậy thì.

Mỗi ngày, trẻ cần 2.200-2.600 calo, tương đương người trưởng thành. Nếu không cung cấp đúng và đủ, trẻ sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến chậm hoàn thiện và phát triển các bộ phận cơ thể. 

Lượng đạm cần cao hơn người trưởng thành, giúp trẻ phát triển cơ bắp nên chiếm 14-15% tổng số năng lượng trong khẩu phần, tương đương 70-80g/ngày, chú ý đạm động vật nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu cũng như cung cấp vật liệu để xây dựng các cấu trúc tế bào và hoàn thiện phát triển các nội tiết tố về giới tính, tham gia hệ miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng. 

Chất béo (dầu, mỡ) nên chiếm 20-25% năng lượng khẩu phần, là nguồn cung cấp năng lượng, giúp cơ thể hấp thụ vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K, nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật, khoảng 40-50gr mỗi ngày. 

Chất bột đường cung cấp năng lượng chính cho cơ thể chiếm 60-70% năng lượng, có trong gạo, bột mì, sản phẩm chế biến, khoai, củ… Nên chọn lựa những loại bột đường thô để cung cấp chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và phòng chống béo phì.

Canxi rất cần thiết cho lứa tuổi dậy thì, nếu được cung cấp đủ sẽ giúp xương chắc khỏe và độ đậm xương đạt mức tối đa giúp trẻ phát triển tốt về chiều cao và phòng được bệnh loãng xương mai sau. Mỗi ngày trẻ cần 1.000 - 1.200mg canxi. Canxi có nhiều trong sữa, cả sữa bò và sữa đậu nành, các loại thủy sản, xương cá (nên kho nhừ cá để có thể ăn cả xương). Nên uống 400 - 500ml sữa/ngày.

Chất sắt: Bé gái khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng sắt nhiều hơn bé trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Nên bé trai chỉ cần 12 - 18mg sắt/ngày, trong đó, bé gái cần tới 20mg sắt/ngày. Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ, phủ tạng động vật: thịt bò, gan, tim…, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau xanh có nhiều vitamin C giúp hấp thu sắt tốt hơn… Nếu thiếu sắt, trẻ sẽ bị thiếu máu gây ra các triệu chứng mệt mỏi, hay quên, buồn ngủ, da xanh…

Các vitamin và khoáng chất: Đây là những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nhu cầu vitamin nhóm B, C, A, D, acid folic... cũng cao do tăng chuyển hóa năng lượng. Vì vậy, cần phải ăn đa dạng thực phẩm và những thực phẩm tươi càng ít qua chế biến thì càng ít mất chất dinh dưỡng. Lượng rau cần thiết trong ngày là 300-500g.

Thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa; chậm phát triển chiều cao. Khi thiếu vitamin C, quá trình tổng hợp collagen gặp trở ngại, làm giảm quá trình hình thành tế bào ở các thành mạch, mô liên kết, xương, răng, giảm sức đề kháng.

Kẽm là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp sản sinh, thúc đẩy và điều hòa các hormon tăng trưởng IGF- I và hormon sinh dục, giúp trẻ có thể phát huy hết tiềm năng phát triển của cơ thể một cách toàn diện trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, nhu cầu từ 10-20mg/ngày, có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật. Bổ sung iod cho trẻ qua việc sử dụng muối iod khi nấu ăn và các loại hản sản.

Thiếu iod, trẻ sẽ bị bướu cổ, kém thông minh...

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thể thao đều đặn, thường xuyên cũng rất quan trọng ở lứa tuổi này vì đây là giai đoạn cuối cùng để trẻ tăng tốc chiều cao, sau khi dậy thì, trẻ sẽ cao rất chậm, thậm chí không tăng chiều cao nữa. Các môn thể thao giúp trẻ tăng chiều cao như bơi, chạy, đạp xe, bóng rổ, cầu lông…

Trẻ cũng cần ngủ đủ giấc, ngủ sâu, giúp hormon tăng trưởng tiết ra nhiều, kích thích xương dài hơn.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh trẻ em khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY