Khi thấy trẻ phát triển vượt trội về chiều cao và bộ phận sinh dục, phụ huynh không nên mừng vội, hãy đưa con đi khám để tránh những hệ lụy sau này.
Mẹ từ tự hào đến lo lắng vì con phát triển chiều cao vượt trội
Bé Minh Hà (8 tuổi), gần đây có những biểu hiện như ngực phát triển nhanh, giọng nói thay đổi, có mùi cơ thể, đặc biệt vài tháng tháng gần đây xuất hiện tình trạng ra máu kinh, nhưng không đều. Thấy vậy, chị Minh Hạnh (42 tuổi, mẹ bé Hà) đưa con đến một bệnh viện tư nhân thăm khám. Kết quả khám lâm sàng và chụp chiếu (xương cổ tay và bàn tay), bác sĩ kết luận bé Hà dậy thì sớm. Với trường hợp này, bác sĩ khuyên gia đình nên cân nhắc việc điều trị bằng hormone để kìm hãm dậy thì sớm, tăng chiều cao của con sau này.
Kết quả trên khiến chị Minh Hạnh vô cùng lo lắng, đồng thời cũng tự trách bản thân mình vì quá chủ quan. Chị cho biết, từ năm 6 tuổi con chị phát triển nhanh hơn hẳn những bạn cùng trang lứa, cho đến bây giờ cháu vẫn luôn đứng đầu lớp về chiều cao.
Chụp xương cổ tay và bàn tay để đánh giá tuổi xương, từ đó lấy cơ sở chẩn đoán trẻ có bị dậy thì sớm hay không. Ảnh: Xương bàn tay của trẻ 9 tuổi được chẩn đoán bị dậy thì sớm.
“Thấy con cao lớn, nhưng thân hình cân đối, không bị thừa cân nên tôi mừng và tự hào khoe với mọi người về chiều cao của con. Hàng ngày, con ăn uống cũng điều độ, không ăn đồ chiên rán, thi thoảng uống nước ngọt và mỗi ngày một cốc sữa tươi. Chính vì ăn uống điều độ như vậy, nên tôi không bao giờ nghĩ con bị dậy thì sớm, chỉ khi cháu ra máu vùng kín tôi mới lo lắng, đưa đi khám”, chị Hạnh chia sẻ.
Dậy thì sớm ngoài hạn chế phát triển cao, còn nhiều hệ lụy khác
Ths.BS Phạm Như Quỳnh, nguyên bác sĩ BV Nội tiết Trung ương cho biết, hiện rất nhiều mẹ có tâm lý chủ quan như trường hợp trên, thậm chí còn cảm thấy tự hào khi con cao lớn hơn các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, nếu trẻ dậy thì sớm mà không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển sau này.
Theo đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, trẻ nữ được chẩn đoán bị dậy thì sớm, khi trưởng thành sẽ thấp hơn các bạn đồng trang lứa 12cm. Còn bé trai, nếu dậy thì sớm sẽ thấp hơn 20cm so với các bạn đồng trang lứa khi trưởng thành.
“Trẻ dậy thì sớm ngoài bị hạn chế chiều cao khi trưởng thành, còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý, nhất là những trẻ không được giáo dục sớm về sức khỏe sinh sản. Đó là vấn đề xâm hại tình dục, quan hệ sớm từ đó dễ mắc các bệnh lây qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn”, bác sĩ Quỳnh cảnh báo.
Bác sĩ khuyến cáo, khi thấy con phát triển vượt trội về chiều cao so với các bạn, phụ huynh đường vội mừng. Ảnh minh họa.
Nhận biết con dậy thì sớm không khó
Về nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ, bác sĩ Quỳnh cho biết, có đến 90-95% trẻ dậy thì sớm là vô căn (không xác định nguyên nhân), trong đó tỉ lệ trẻ nữ dậy thì sớm thường cao hơn so với trẻ nam. Trước những thông tin cho rằng, các đồ ăn, đồ uống như uống sữa, ăn đồ ngọt, đồ chiên rán gây dậy thì sớm, vị chuyên gia này cũng cho biết, đó chỉ là yếu tố làm gia tăng nguy cơ, chứ không phải nguyên nhân trực tiếp gây dậy thì sớm.
Để nhận biết trẻ dậy thì sớm, bác sĩ Như Quỳnh khuyến cáo các bậc phụ huynh, nên quan tâm đến sự phát triển hình thể của trẻ. Theo đó, khi thấy trẻ phát triển vượt trội về chiều cao, kèm theo đó là phát triển cơ quan sinh dục, có mùi cơ thể, trẻ nam vỡ tiếng, có ria mép, trẻ nữ có kinh thì cần nghĩ đến dậy thì sớm và đưa đi khám.
“Thông thường, các biểu hiện trên ở nữ xuất hiện trước 8 tuổi, ở nam xuất hiện trước 9-10 tuổi thì bố mẹ hãy nghĩ ngay đến con bị dậy thì sớm và đưa đi khám”, bác sĩ Quỳnh tư vấn.
Để xác định trẻ có dậy thì sớm hay không, bác sĩ Quỳnh cho biết, phải dựa vào nhiều yếu tố, từ đó bác sĩ mới đưa ra kết luận. Đầu tiên, các bác sĩ sẽ phải thăm khám lâm sàng như chiều cao, cân nặng, các dấu hiệu sinh dục, sự phát triển của râu, tóc, móng.
Bên cạnh đó, sẽ cần phải chụp Xquang bàn tay, cổ tay để đo tuổi xương xem có phát triển trước so với tuổi hiện tại hay không. Một số trường hợp sẽ phải thực hiện các xét nghiệm hóc môn, từ đó bác sĩ mới đưa ra chẩn đoán trẻ có bị dậy thì sớm hay không và có những biện pháp can thiệp cụ thể tùy vào từng trẻ.
Một số biện pháp giảm nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ phụ huynh cần thực hiện:
- Giữ trẻ tránh xa các nguồn estrogen và testosteron từ bên ngoài, như các đơn thuốc dành cho người lớn.
- Khuyến khích trẻ duy trì cân nặng phù hợp, khỏe mạnh. Tạo thói quen vận động thể thao cho trẻ 30 phút/ngày, điều này không chỉ giúp trẻ cải thiện thể lực, giải phóng năng lượng mà còn hỗ trợ phát triển tầm vóc và sức khỏe xương.
- Cho đến nay người ta vẫn chưa chứng minh được mối liên quan giữa việc ăn uống một loại thức ăn nhất định nào đó có liên quan đến dậy thì sớm. Tuy nhiên, có mối liên quan giữa béo phì và dậy thì sớm. Những trẻ thừa cân béo phì có nhiều nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm hơn. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động và chế độ ăn uống phù hợp để tránh tình trạng béo phì.
- Tăng cường rau củ quả cho trẻ trong bữa ăn hàng ngày, đảm bảo lượng đạm đầy đủ, không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ… Không tẩm bổ quá mức, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán chứa nhiều chất béo... vì sẽ khiến trẻ thừa dinh dưỡng. Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, không rõ nguồn gốc.