Bệnh viêm khớp háng ở phụ nữ là bệnh lý xương khớp nguy hiểm nhưng thường bị bỏ qua do xem thường hoặc hiểu biết còn hạn chế.
Tổng quan
Khớp háng gồm có khớp háng bên trái và khớp háng bên phải. Khớp háng là khớp nối xương chậu với xương đùi, có bao khớp, trong bao khớp là chất hoạt dịch nuôi dưỡng và bôi trơn để khớp hoạt động nhịp nhàng không gây đau đớn, trở ngại gì. Bên ngoài bao khớp còn có bao xơ để bảo vệ bao khớp. Bên cạnh gồm các dây chằng ôm chặt lấy khớp để cho khớp hoạt động nhịp nhàng.
Khớp háng là cơ khớp chịu nhiều lực ép của cơ thể và phải vận động thường xuyên. Bên cạnh đó, khớp háng còn là vị trí quan trọng của phụ nữ bởi có liên quan đến khớp xương chậu, xương cột sống... Vì vậy, chỉ cần một trong các thành phần cấu tạo nên khớp háng bị tổn thương đều ảnh hưởng đến toàn bộ khớp háng.
Viêm khớp háng thường bị bỏ qua.
Nguyên nhân
Hiện nay, theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp háng ở phụ nữ ngày càng có xu hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân làm viêm khớp háng ở nữ giới.
Trước hết, phải kể đến là do chấn thương (tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vấp, ngã, tai nạn trong thể thao...). Tình trạng chấn thương do va đập hoặc những phụ nữ có tiền sử bị gãy xương là một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm khớp háng. Những chấn thương từ mức độ vừa đến nghiêm trọng do tai nạn hoặc vận động sẽ khiến cho khớp háng bị viêm từ bên trong.
Tiếp đến, phải lưu ý nguyên nhân do đa số phụ nữ trong thời kỳ mang thai, sinh nở. Một số phụ nữ trong thời gian mang thai có thể gặp phải bệnh viêm khớp háng, bởi vì trong thai kỳ, cơ thể người mẹ phải thay đổi để thích nghi với sự phát triển của thai nhi, các xương khớp cũng chịu ảnh hưởng lớn. Do đó, người mang bầu bị ảnh hưởng khớp háng luôn thấy đau ê ẩm, nhức mỏi ở vùng khớp háng. Nếu trong thời gian này, các bà bầu không quan tâm đến xương khớp thì khả năng cao sẽ bị viêm khớp háng và nghiêm trọng hơn là những hệ luỵ về sau.
Đối với phụ nữ lớn tuổi hơn có thể mắc bệnh thoái hóa khớp háng do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân loãng xương, thiếu hụt hormon sinh dục nữ (thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh) và sức nặng của cơ thể thường xuyên đè lên khớp háng. Khi thoái hóa khớp háng rất dễ dẫn đến viêm khớp háng từ lúc nào không hay biết.
Bên cạnh đó, xương khớp ở nữ thường mềm hơn so với nam giới, trong khi đó, một số phụ nữ thường ngồi sai tư thế (ngồi xổm) hoặc đi giày cao gót... nên tỷ lệ thoái hoá khớp háng ở phụ nữ thường tăng cao. Ngoài ra, viêm khớp háng ở phụ nữ còn có thể do thừa cân hay mắc bệnh béo phì. Bởi vì khi trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ làm tăng áp lực cũng như sức ép lên xương khớp và dễ dẫn tới tổn thương.
Một số phụ nữ mắc chứng viêm khớp dạng thấp, trong đó có khớp háng hoặc có trường hợp bị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi sẽ làm máu đến nuôi dưỡng kém dẫn đến viêm khớp háng. Cùng với sự lão hóa xương khớp theo thời gian thì một chế độ dinh dưỡng không phù hợp cũng khiến cho bệnh viêm khớp háng ở phụ nữ ngày một gia tăng.
Biểu hiện
Triệu chứng đau ban đầu có thể xuất hiện ở háng hoặc vùng trên, sau mông. Đau có thể lan xuống mặt trước đùi, đến đầu gối. Cơn đau có thể âm ỉ nhưng cũng có trường hợp đau dữ dội làm cho người bệnh rất khó chịu. Các động tác xoay, vặn mình, cúi gập người sẽ rất khó khăn do đau.
Viêm khớp háng không phát hiện hoặc không được điều trị đúng có thể gây cứng khớp háng, mỗi lần đi nghe tiếng kêu lạo xạo ở khớp háng, nhất là lúc vừa ngủ dậy buổi sáng và làm cho việc đi lại khó khăn.
Điều trị
Phụ nữ mỗi khi thấy có hiện tượng bất thường ở khớp háng cần đi khám bệnh ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa nội về khớp (lưu ý là không phải khám ở chuyên khoa ngoại) nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng, kịp thời, tránh để biến chứng rất khó điều trị.
Phòng bệnh
Phụ nữ nên hạn chế đi giày cao gót, đặc biệt là loại giày, guốc quá cao; nên chọn giày dép vừa chân, chất liệu tốt để giúp các cử động tại chân, khớp háng nhẹ nhàng mỗi lúc đi lại.
Vận động đúng là điều rất cần thiết để phòng bệnh viêm khớp háng. Việc vận động quá nhanh, quá mạnh tại khớp háng chính là nguyên nhân dẫn đến chấn thương, bào mòn sụn nhanh... gây viêm khớp háng. Phụ nữ mang bầu cần khám thai định kỳ và thông báo cho bác sĩ biết những thay đổi bất thường ở khớp háng để được bác sĩ tư vấn sớm.
Cần kết hợp dinh dưỡng hợp lý đủ chất và nên bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi, uống đủ lượng nước cần thiết (1,5 -2,0 lít/ngày)...