Đau thần kinh tọa là một bệnh thường gặp trong cộng đồng làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giảm khả năng lao động. Nếu không được chữa trị đúng có thể gây biến chứng, thậm chí tàn phế...
Tổng quan
Dây thần kinh tọa (TKT ) là dây thần kinh dài nhất của cơ thể, chạy từ tủy sống và vùng hông tới phía sau của mỗi chân. Việc điều trị lại rất mất thời gian và tốn kém chi phí, vì thế việc phòng bệnh là rất quan trọng.
Nguyên nhân
Đau thần kinh tọa có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân xuất phát từ cột sống thắt lưng chiếm tỉ lệ cao hơn cả mà chủ yếu là do thoát vị đĩa đệm. Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm gây nên đau thận kinh tọa chiếm tỉ lệ từ 60 - 90%. Đĩa đệm là phần cấu trúc không xương nằm giữa 2 đốt sống, được cấu tạo bởi các sợi rất chắc bao bọc xung quanh và ở giữa là nhân nhầy. Khi lực tác động mạnh, đột ngột lên đĩa đệm, có thể làm cho các vòng sợi bị rách và nhân nhầy bị đẩy ra ngoài, chui vào ống sống hoặc chui vào vị trí thoát ra của rễ thần kinh thắt lưng số 5 và cùng 1 làm chèn ép rễ thần kinh và gây đau. Khi làm việc nặng, quá sức, sai tư thế, nhất là người cao tuổi, rất có thể bị tổn thương đĩa đệm. Vì vậy, tổn thương đĩa đệm thường xảy ra cấp tính.
Ở người cao tuổi, đau thần kinh toạ thường do thoái hóa đĩa đệm, bệnh thường xảy ra mạn tính và hay tái phát. Đau thần kinh tọa cũng có thể do có sự biến đổi bất thường ở đốt sống thắt lưng như: trượt đốt sống số 5 hoặc do thoái hóa đốt sống thắt lưng.
Đau thần kinh tọa cũng có thể do u xương sống, nhiễm khuẩn (lao cột sống, viêm do tụ cầu…), viêm khớp cùng chậu, ung thư ở cơ quan khác di căn đến… làm thu hẹp ống sống thắt lưng, chèn ép rễ thần kinh và có thể gây nên hội chứng đuôi ngựa.
Viêm cột sống dính khớp có thể gây nên đau thần kinh tọa, thường gặp ở tuổi trung niên (dưới 40 tuổi) biểu hiện là đau thắt lưng, mông và hạn chế vận động. Bệnh tiến triển âm ỉ, đau nhiều về đêm và buổi sáng thường có biểu hiện cứng khớp cột sống thắt lưng.
Ngoài ra người ta cũng thấy đau thần kinh tọa có thể có liên quan đến chấn thương trực tiếp vào dây thần kinh tọa như bị gãy xương chậu hoặc tiêm trực tiếp vào thần kinh tọa hoặc do ảnh hưởng của một loại thuốc dầu được tiêm mông rồi thuốc khuếch tán đến thần kinh tọa.
Biểu hiện
Đa số đau TKT khởi phát từ từ. Các bệnh nhân hầu hết đã có một hay nhiều đợt đau thắt lưng trước đó. Đau là triệu chứng nổi bật, khởi đầu là đau thắt lưng vài giờ hoặc vài ngày sau đau tiếp tục tăng lên và lan xuống mông, mặt sau đùi, kheo và cẳng bàn chân theo đường đi của dây TKT.
Có khi đau âm ỉ nhưng thường đau dữ dội, đau tăng khi ho, hắt hơi, cúi. Đau tăng về đêm, tăng khi trời lạnh giảm khi nằm yên trên giường cứng, gối co lại. Có cảm giác kiến bỏ, tê cóng hoặc như kim châm tương ứng với vùng đau. Đau tới mức người bệnh phải vẹo về một bên để chống đau.
Tùy theo rễ thần kinh bị tổn thương, bệnh nhân có thể không nhấc được gót hay mũi chân. Dần dần xuất hiện teo cơ đùi, mông, cẳng chân bên tổn thương.
Khi bệnh nặng người bệnh thấy chân tê bì, mất cảm giác không kiểm soát được tiểu tiện. Có trường hợp đau dữ dội khiến người bệnh phải nằm về phía đỡ đau và không thể động đậy.
Biến chứng
Khi bị ĐTKT, nếu không được chữa trị nghiêm túc sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày và sức lao động, lâu dần sẽ bị teo cơ dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, đại tiểu tiện không tự chủ và có thể gây tàn phế (liệt). Nếu phát hiện và điều trị sớm khi chưa bị biến chứng thì bệnh sẽ bình phục hoàn toàn.
Điều trị
Điều trị theo y học hiện đại:
Nghỉ ngơi: Điều đầu tiên đối với bệnh nhân là nghỉ ngơi và bất động khi đau nhiều, giường nằm cần phẳng và cứng. Để đỡ đau có thể nằm co chân lại hay nằm sấp. Khi có nguy cơ lún và di lệch cột sống (lao, viêm, ung thư...) các bác sĩ sẽ cố định bằng bột, đai nẹp, yếm, áo chỉnh hình thắt lưng. Chỉ sau khi bệnh đã ổn định, người bệnh mới được dần dần vận động lại. Để tránh tải trọng quá mức lên cột sống, bệnh nhân có thể đeo đai lưng.
Phương pháp vật lý trị liệu: trong điều trị đau TKT, phương pháp vật lý trị liệu đã cho kết quả khá tốt. Có thể dùng các biện pháp chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn, từ trường, điện dẫn thuốc lên vùng cột sống thắt lưng nhằm giảm đau và giảm co cứng cơ. Khi có điều kiện có thể sử dụng liệu pháp tắm cát, tằm bùn và đắp bùn, tắm nhiệt, tắm suối khoáng, liệu pháp biển (điều trị bằng nước biển, bùn biển, rêu và khí hậu biển).
Thuốc:bao gồm các thuốc chống viêm không steroid (voltarel, tilcotil, mobic...), các thuốc giảm đau (paracetamol, efferal-gan codein, di-antalvic), thuốc giãn cơ (mydocalm, decontractyl, myonal...), tiêm ngoài màng cứng bằng hydrocortison.
Ngoài ra, một số đối tượng cần dùng phương pháp phẫu thuật
Điều trị theo y học cổ truyền:
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có pháp trị phù hợp, ngoài phương pháp y học hiện đại có thể kết hợp điều trị y học cổ truyền giúp mau hồi phục vận động và giảm tác dụng phụ của thuốc kháng viêm giảm đau. Y học cổ truyền điều trị gồm phương pháp không dùng thuốc và thuốc:
Phương pháp không dùng thuốc:
Châm cứu các điểm đau tại chỗ và kết hợp huyệt đặc hiệu tùy thể bệnh của bệnh nhân để có công thức huyệt phù hợp.
Xoa bóp giúp giảm co cứng cơ, tạo cảm giác dễ chịu cho người bệnh, giúp khí huyết lưu thông tốt hơn.
Dưỡng sinh luyện khí giúp tập cơ khớp kết hợp cân bằng cả trạng thái tâm lý, giúp người bệnh giảm căng thẳng, lo lắng.
Phương pháp dùng thuốc:tùy vào thể bệnh của bệnh nhân mà có bài thuốc phù hợp, thường trên lâm sàng sử dụng bài Độc hoạt tang ký sinh gia giảm.
Phòng bệnh
Đau thần kinh tọa cần được phòng ngừa ngay từ tuổi trẻ. Để tránh mắc bệnh, ngay ở độ tuổi 30, mọi người nên có sự theo dõi mật độ xương định kỳ để nhằm phát hiện sớm hiện tượng loãng xương gây thoái hóa khớp, đặc biệt là những người lao động chân tay cũng như những trường hợp có công việc đặc thù (phải ngồi lâu nhiều giờ trong một ngày và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm).
Chế độ ăn uống sinh hoạt: trong phòng bệnh ĐTKT quan trọng là phải có chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý, cần bỏ rượu, thuốc lá, giảm cân với những người béo phì, tránh những căng thẳng quá mức về tâm lý. Không nên nằm đệm quá dày và mềm.
Tư thế: bảo đảm tư thế đúng khi đứng, ngồi, mang vác hay nhấc vật nặng. Người luôn đứng ở thế thẳng, không rũ vai, gù lưng, tránh khom lưng khi ngồi đọc và viết lâu, ghế ngồi không quá cao hoặc bàn viết không quá thấp. Nếu phải ngồi lâu nên thường xuyên đứng lên và làm các động tác thể dục giữa giờ. Khi mang vác vật nặng, hãy để cho sức nặng của vật chia đều cả hai bên cơ thể, không bao giờ mang vật nặng ở một bên. Tránh mang nặng trong thời gian dài. Khi muốn nhấc một vật nặng lên nên co đùi, gập gối, đôi chân gập lại vừa phải nhưng vẫn giữ lưng thẳng. Nên đứng lên bằng cách thẳng hai chân. Không nên giữ thẳng hai chân và cúi cong người xuống khi nhấc vật nặng.
Tập thể dục: thường xuyên, không quá sức, áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh của các khối cơ cạnh cột sống và cơ bụng. Có thể đi bộ trên nền phẳng, bơi, đạp xe. Tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức như golf, bóng chuyền, vác balô nặng... Cần cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế các sang chấn về tinh thần, chấn thương do lao động.