Bệnh viêm khớp

Viêm khớp là bệnh rất hay gặp ở người có tuổi với biểu hiện đau đớn ở các khớp khi cử động, các khớp sưng đau, phình to khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. 

Tổng quan

Viêm khớp là cách nói chung để chỉ tình trạng có viêm và sưng đau ở các khớp. Trong chuyên môn, các thầy thuốc còn phân ra nhiều bệnh lý liên quan đến viêm khớp như viêm sưng khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp do gút, viêm khớp do nhiễm khuẩn, bệnh khớp thoái hóa... với các triệu chứng chung là sưng, nóng, đỏ, đau.

Bệnh rất hay gặp ở người có tuổi với biểu hiện đau đớn ở các khớp khi cử động, các khớp sưng đau, phình to khiến người bệnh rất khó chịu, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. 

Nguyên nhân

Bệnh viêm khớp bao gồm nhiều loại khác nhau, mỗi loại sẽ có nguyên nhân riêng tuy nhiên có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân sau:

- Các nguyên nhân tại khớp: thường gặp như viêm sụn, thoái hóa, bào mòn sụn khớp, nhiễm khuẩn tại khớp, chấn thương khớp..

- Các nguyên nhân ngoài khớp: thường gặp do các rối loạn chuyển hóa (tăng acid uric trong bệnh gút), bất thường hệ thống miễn dịch gây tổn thương các thành phần trong khớp (bệnh viêm khớp dạng thấp) các tình trạng này làm ảnh hưởng tới hoạt động và cấu trúc của khớp từ đó gây viêm khớp.

Biểu hiện

Đau khớp:

Triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp là đau khớp và đây là lý do khiến hầu hết người bệnh tìm đến viện điều trị. Đau có thể khác nhau tùy thuộc vào loại viêm khớp và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Đa số người bị viêm khớp thấy đau nhức khớp tăng lên khi hoạt động và giảm bớt khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm đau trầm trọng hơn đi kèm với hoạt động, tăng lên do thay đổi thời tiết, tâm trạng tồi tệ hơn.

Sưng khớp:

Có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất gây sưng khớp là viêm khớp. Nguyên nhân phổ biến thứ hai gây sưng khớp là tổn thương khớp. Vì vậy, nếu không có thương tích trước đó, có thể sưng là do viêm khớp. Một số xét nghiệm có thể được thực hiện như kiểm tra máu, chọc hút dịch khớp. Các xét nghiệm phân tích dịch khớp có thể giúp xác định xem có viêm khớp hay do các nguyên nhân khác gây sưng khớp như nhiễm khuẩn hoặc bệnh gout.

Cứng khớp: Những người bị viêm khớp hầu như luôn luôn cảm thấy cứng khớp. Bạn có thể kiểm tra chuyển động của khớp bị đau bằng cách so sánh với khớp ở bên đối diện. Cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng hoặc sau thời gian dài ngồi cố định ở một vị trí. Khi bạn di chuyển và hoạt động, cứng khớp thuyên giảm một chút. Các cách khác để giảm cứng khớp là sử dụng nhiệt và các thuốc chống viêm.

Biến dạng khớp: Khi sụn khớp bị mòn bởi viêm khớp, khớp có thể xuất hiện sự biến dạng. Nếu sụn khớp bị mòn, khớp có thể xuất hiện các góc cạnh. Biến dạng khớp thường được nhìn thấy ở các khớp ngón tay, khớp gối.

Cảm nhận mài mòn khớp: Khi sụn khớp bị mòn đi, lớp lót mịn bao phủ khớp sẽ bị mất. Khớp di chuyển không được trơn tru. Có thể cảm nhận hoặc thậm chí nghe thấy âm thanh “ken két” thô ráp. Đặt tay lên khớp khi uốn cong khớp lại có thể cảm nhận cảm giác này.

Các khối sưng và u nhô lên xung quanh khớp: Viêm khớp có thể gây ra sự hình thành của túi chất lỏng hoặc gai xương. Chúng biểu hiện như là những khối u xung quanh khớp. Các khối sưng và u nhô lên có thể không nhạy cảm với sự va chạm, nhưng có vẻ ngoài không đều. Hầu hết người bệnh nhận thấy những biểu hiện này trên các khớp nhỏ của các ngón tay, chúng cũng có thể xảy ra ở các khớp khác trên cơ thể.

Đau khi ấn khớp: Các khớp bị viêm rất nhạy cảm. Nếu một khớp bị viêm, ấn xung quanh khớp và có cảm giác đau là dấu hiệu cho thấy khớp bị viêm.

Nóng và đỏ khớp: Viêm khớp có thể dẫn đến các triệu chứng của nóng và đỏ khớp. Khi thấy những triệu chứng này nên đến bác sĩ để khám bởi vì chúng cũng có thể gợi ý tới một bệnh nhiễm trùng khớp tiềm ẩn.

Đối tượng nguy cơ

- Tuổi: mặc dù viêm khớp có thể gặp ở cả trẻ em nhưng người cao tuổi có tỷ lệ mắc các bệnh viêm khớp cao hơn hầu hết là do ảnh hưởng của các rối loạn chuyển hóa và tích tụ các chấn thương kéo dài.

- Giới: bệnh viêm khớp gây ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.

- Nghề nghiệp: các công việc lao động nặng, ngồi lâu trong một tư thế, vận động sai tư thế có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp cao hơn.

- Chấn thương: các chấn thương tại khớp có thể gây ra viêm khớp cấp tính ngay lúc đó hoặc tăng nguy cơ viêm khớp sau này.

- Thừa cân: làm tăng sức ép lên các khớp từ đó gây các bệnh viêm khớp hoặc đẩy nhanh quá trình viêm đã có sẵn tại khớp.

- Các rối loạn trao đổi chất: ảnh hưởng đến sự nuôi dưỡng các thành phần của khớp và các xuất hiện các thành phần bất thường trong khớp.

- Các bệnh hệ thống miễn dịch và một số rối loạn di truyền cũng có thể tăng nguy cơ bệnh khớp.

Phòng ngừa để giảm các triệu chứng viêm khớp

Giảm cân và tập thể dục đều đặn:

Giảm cân giúp giảm khối lượng gây áp lực lên các khớp. Việc thừa cân hoặc quá béo gây nhiều áp lực lên đầu gối và khớp hông, làm tăng nguy cơ viêm khớp. Một bài tập nhẹ nhàng như đi bộ một chặng đường dài để phòng ngừa cứng khớp. Yoga được coi là bài tập phù hợp cho người bị viêm khớp. Thường xuyên xoa bóp các khớp bị tổn thương cũng được khuyến cáo và làm cho khớp ấm lên. Tập thể dục có thể là một cách tuyệt vời để giảm viêm. Nên dành 30-45 phút tập thể dục mỗi ngày, 5 ngày một tuần. Bắt đầu với cường độ tập thể dục chậm, sau đó tăng tốc độ phù hợp với từng cá nhân.

Thay đổi lối sống:

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người hút thuốc có tình trạng viêm khớp cao hơn, vì vậy hãy ngưng hút thuốc lá nếu bạn đang hút. Quản lý tốt stress, do stress có liên quan đến mức độ cao hơn của tình trạng viêm trong cơ thể. Ngoài ra cần ngủ đủ giấc vì giấc ngủ không đầy đủ liên quan với các dấu hiệu viêm tăng lên; khuyến cáo trung bình cần ngủ 7-8 tiếng một đêm.

Giữ ấm khớp khi thời tiết thay đổi: Bảo vệ khớp đúng cách khi trời trở lạnh có thể giúp ngăn chặn cơn đau  khớp và bị cứng khớp.

Chế độ ăn uống chống viêm:

Một chế độ ăn uống chống viêm tập trung vào cắt giảm tiêu thụ các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, tăng tiêu thụ các loại thực phẩm giàu axit alpha-linolenic rất khuyến khích đối với những người cố gắng kiểm soát tình trạng viêm hoặc cho những người muốn khỏe mạnh. Chế độ ăn Địa Trung Hải, được coi là một ví dụ tốt về một chế độ ăn uống chống viêm, được dựa trên tiêu thụ trái cây, rau, ngũ cốc, các loại hạt và các loại đậu. Cá và hải sản được tiêu thụ ít nhất một vài lần mỗi tuần. Gia cầm, trứng, pho mát và sữa chua dùng vừa phải. Tránh dùng kẹo và các loại thịt đỏ. Ăn thực phẩm cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp. Canxi và vitamin D là những chất dinh dưỡng cần thiết cho những người bị viêm khớp. Canxi giúp tái tạo xương, trong khi vitamin D hấp thụ canxi.

Nếu bạn đang bị viêm khớp và không thuyên giảm với các biện pháp can thiệp tại nhà, nên trao đổi với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu. Có nhiều loại bệnh viêm khớp khác nhau và mỗi loại đều đòi hỏi các phương pháp điều trị khác nhau. Bác sĩ có thể kê đơn khi cần thiết, với các loại thuốc giúp giải quyết cơn đau bao gồm DMARDs, NSAID, thuốc giảm đau và corticosteroid.

Chế độ tập luyện cho người viêm xương khớp

Nguyên tắc chính khi vận động đối với người bệnh cơ xương khớp là nên vận động ít nhưng thường xuyên (tránh vận động nặng, mang vác nặng gây quá tải khớp). Tập đúng động tác, kết hợp thở sâu, nhịp nhàng, nâng dần mức độ tập luyện để tăng cường tính linh hoạt của các khớp cột sống, tăng cường sức mạnh và sự dẻo dai của các khối cơ, dây chằng ở vùng lưng, giúp cho sự cân bằng cần thiết các tư thế cột sống, giảm dần cảm giác đau.

Người bị các bệnh về cơ xương khớp cần tập luyện ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần và lý tưởng nhất là nên chia mỗi buổi tập ra thành từng đợt kéo dài từ 10-15 phút và không nên cố sức. Tuyệt đối tránh vận động khi đang bị viêm khớp cấp. Nên lựa chọn các bài tập thể dục đơn giản, nhẹ nhàng phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh lý và sở thích của bản thân.

Đi bộ: Nhắc đến những bài tập tốt nhất giúp phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp, phải kể đến cách đi bộ mỗi ngày. Đi bộ là bài tập rất đơn giản và dễ thực hiện. Bệnh nhân viêm khớp có thể thực hiện ở bất kì nơi nào và trong mọi hoàn cảnh.

Khi bắt đầu đi bộ, bạn nên đi với tốc độ chậm, sau đó có thể điều chỉnh tăng dần tùy theo mức đáp ứng của cơ thể. Khi đi bộ, bạn nên chú ý khoảng cách giữa những bước đi, chỉ nên duy trì khoảng cách vừa phải, không sải bước quá dài hay quá ngắn sẽ làm gia tăng áp lực lên phần khớp. Nên đi bộ với khoảng cách giữa các bước đi là 1 - 2 bước chân tùy theo từng bệnh nhân. Nên đi bộ từ nửa tiếng tới 1 tiếng mỗi ngày tùy theo tình trạng bệnh, sau khi đi bộ khoảng 15 phút nên dừng lại để nghỉ ngơi, tránh việc đi liên tục khiến các khớp không có thời gian nghỉ, gây quá tải, đau đớn.

Tập yoga: Việc tập luyện yoga mang lại hiệu quả đáng kể đối với các bệnh nhân đang bị viêm khớp. Sự kết hợp nhẹ nhàng giữa các động tác và nhịp thở sâu, đều đặn, các tư thế đa dạng sẽ giúp thư giãn xương khớp, làm tăng độ linh hoạt cho khớp.

Bơi lội: Bơi lội là hình thức tập dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao trong việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân viêm khớp. Trước khi bơi, bệnh nhân cũng nên khởi động với các thao tác nhẹ nhàng để tránh chuột rút và ăn nhẹ trước khi xuống hồ bơi khoảng 2 tiếng để phòng ngừa kiệt sức. Khi bơi trong bể nước, phần rất lớn trọng lượng cơ thể sẽ được nước gánh chịu, làm giảm bớt áp lực lên các gối, bàn chân, mắt cá chân. Việc bơi trên mặt nước giúp bệnh nhân vận động thuận lợi hơn. Khi bơi, toàn bộ cơ thể được hoạt động, giúp mạnh gân khỏe cốt, gia tăng sức khỏe. Bên cạnh đó, lượng máu được tăng cường huy động tới các vùng bị sưng viêm, giảm thiểu sự đau nhức do bệnh viêm khớp gây ra.

Aerobic: Một biện pháp tập luyện phù hợp cho bệnh nhân viêm khớp là tập thể dục nhịp điệu (aerobic). Bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc các nhà trị liệu để được hướng dẫn bài tập phù hợp với tình hình sức khỏe, nên tập aerobic ít nhất 2 giờ 30 phút mỗi tuần. Thể dục nhịp điệu là cách tập luyện nhẹ nhàng và đem lại nhiều hứng thú, giúp bệnh nhân làm lỏng các cơ, thư giãn tinh thần, ổn định nhịp tim, kiểm soát được cân nặng và giảm bớt tải trọng lên các khớp bàn chân, khớp háng, cột sống,…

Động tác Squat cường độ nhẹ: Đây là động tác tập phù hợp với bệnh nhân viêm xương khớp. Trước tiên, người tập hãy đứng ở tư thế mà 2 chân rộng bằng vai. Họ có thể tìm một nơi nào đó để giữ ổn định cơ thể như vịn vào lan can hay quầy bếp trước mặt. Sau đó, giữ ổn định khớp hông, đầu gối từ từ uốn cong lại, hạ thấp mông đến khi đạt được tư thế như đang ngồi trên ghế. Tiếp đến, duỗi đầu gối trở về tư thế đứng thẳng và bắt đầu thực hiện lại một lần nữa.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh xương khớp khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY