Thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa cột sống không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc, nếu để lâu có thể gây ra hội chứng thoát vị đĩa đệm được biểu hiện qua các triệu chứng đau cột sống, nhức mỏi, tê bì, chèn ép đau dây thần kinh tọa, đau vai gáy, hạn chế vận động…

Tổng quan

Thoái hóa cột sống cổ là tình trạng viêm dày và lắng tụ canxi ở các dây chằng dọc cổ, làm hẹp các lỗ ra của các rễ thần kinh biểu hiện ra bằng các triệu chứng lâm sàng. Thoái hóa cột sống cổ là một căn bệnh liên quan trực tiếp đến các đốt sống cổ với nhiều nguyên nhân khác nhau và thường xảy ra ở độ tuổi 55 trở lên.

Nguyên nhân

Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở người có công việc luôn đòi hỏi phải ngồi lâu, cúi nhiều (lái xe, công tác văn phòng…), ngửa nhiều hoặc thường xuyên mang vác nặng trên đầu (đội vật nặng) hay ngồi nhiều giờ trước màn hình vi tính hoặc xem vô tuyến quá lâu… Các động tác này sẽ làm sai lệch cấu trúc bình thường của đốt sống cổ, làm biến đổi mô xương, dây chằng, cơ và dễ dẫn đến thoái hóa các mô cột sống hoặc hình thành các gai xương đốt sống.

Ở người cao tuổi do ít vận động, nằm một tư thế, ăn uống thiếu chất làm cho vùng cổ và vùng gáy không được thường xuyên cử động hoặc khi nằm chỉ giữ nguyên một tư thế làm cho máu ít lưu thông, các tổ chức nuôi dưỡng kém. Ngoài ra còn có thể do tư thế ngủ (chỉ nằm một hoặc hai tư thế, dùng gối không phù hợp, không có thói quen chuyển mình…). Thoái hóa cột sống cổ có thể do viêm khớp cổ mạn tính kéo dài, đây là một trong những nguyên nhân thường gặp.

Biểu hiện

Biểu hiện của thoái hoá đốt sống cổ rất đa dạng, thường gồm 4 hội chứng chính. Các biểu hiện có thể đồng thời hoặc đơn lẻ.

Hội chứng đốt sống cổ: Đau vùng cổ gáy vai, căng hoặc co cứng cơ cạnh cột sống cổ, cơ vùng vai, cấp hoặc mạn tính. Đau tăng khi vận động đốt sống cổ, hạn chế vận động đốt sống cổ.

Hội chứng rễ thần kinh cổ: Đau lan từ cổ xuống vai tay, hoặc lan lên vùng gáy; đau tăng khi ho, hắt hơi, khi thay đổi tư thế. Cảm giác kiến bò tê bì hoặc tê buốt lan dọc vai cánh cẳng tay đến ngón tay, có thể yếu cơ hoặc teo cơ vùng vai, tay.

Hội chứng động mạch đốt sống: Đau cổ gáy kèm đau đầu vùng chẩm - thái dương, chóng mặt, hoa mắt, ù tai.

Hội chứng tủy: Dáng đi không vững, đi lại khó khăn. Yếu hoặc liệt chi trên hoặc chi dưới hoặc thân; teo cơ ngọn chi, rối loạn vận động chi trên và hoặc chi dưới, rối loạn cơ tròn…

Đối tượng nguy cơ

Những người có liên quan đến một hay nhiều nguyên nhân sau đây dễ bị thoái hóa đốt sống cổ: do di truyền, tuổi tác, dinh dưỡng mất cân bằng, tập luyện không hợp lý… Nếu bệnh do di truyền thì bệnh nhân thường yếu đuối từ nhỏ. Cùng với tuổi tác ngày càng cao thì sự lão hóa các bộ phận trong cơ thể ngày một gia tăng, trong đó có thoái hóa đốt sống cổ. Sự thay đổi lối sống đã làm cho thời gian tập thể dục của mọi người giảm thiểu. Hậu quả không hay khi ít luyện tập khiến cho xương mềm, đốt sống cổ thiếu dinh dưỡng dẫn đến sự thoái hóa đến sớm và tốc độ nhanh. Dinh dưỡng mất cân bằng gây rối loạn chức năng trao đổi chất trong cơ thể, đặc biệt là rối loạn về trao đổi canxi, photpho và hormon làm cho cơ thể dễ mắc bệnh đốt sống cổ.

Biến chứng

Biến chứng do thoái hóa đốt sống cổ có thể gây ra như rối loạn tiền đình, bởi vì do thoái hóa làm tổn thương vào lỗ tiếp hợp (đau đầu, chóng mặt, buôn nôn, nôn mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc nằm). Rối loạn tiền đình còn làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng, trầm cảm, đặc biệt là người cao tuổi rất dễ bị ngã gây tai nạn. Đây là một vòng luẩn quẩn, càng lo lắng, mệt mỏi, ngủ kém thì bệnh càng nặng thêm.

Biến chứng đáng ngại nhất của thoái hóa đốt sống cổlà thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Khi gặp phải biến chứng này thì việc điều trị không đơn giản chút nào, nhất là có chèn ép tủy sống, thậm chí còn có thể gây bại liệt một hoặc hai tay, rối loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thực vật, chèn ép rễ thần kinh, tủy hoặc gây rối loạn thần kinh thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ). Do vậy, để xác định thoái hóa đốt sống cổ cần khám lâm sàng (chuyên khoa thần kinh là tốt nhất), chụp X-quang cột sống cổ, chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt nhất là chụp cộng hưởng từ (MRI), kết hợp với các thăm dò hiện đại khác để phát hiện, xử lý kịp thời.

Điều trị

Nguyên tắc điều trị: Cần điều trị sớm và tích cực để ngăn ngừa tiến triển nặng của bệnh; điều trị bệnh chính đồng thời xác định nguyên nhân, phân loại và kiểm soát đau tốt; không có một loại thuốc hoặc phương pháp duy nhất hiệu quả trong điều trị thoái hoá đốt sống cổ; cần phối hợp nhiều biện pháp và thuốc với các cơ chế tác dụng khác nhau nhằm hỗ trợ tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ do thuốc điều trị gây ra. Các thuốc có thể dùng như:

Thuốc giảm đau đơn thuần:

- Các thuốc giảm đau hạ sốt: Acetaminnophen (paracetamol) có tác dụng giảm đau mức độ nhẹ đến trung bình, thời gian tác dụng ngắn. Điều trị các chứng đau do co hoặc căng cơ trong hội chứng cột sống. Đây là lựa chọn ưu tiên với sự cân bằng giữa tác dụng phụ và hiệu quả mong muốn, mặc dù vậy cần thận trọng với bệnh nhân có rối loạn chức năng gan.

- Paracetamol phối hợp với opiate yếu (với codein), phối hợp với thuốc giảm đau trung ương tramadol có tác dụng giảm đau mạnh hơn so với các thuốc giảm đau thông thường. Các loại thuốc này nên sử dụng ở những bệnh nhân không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường đơn lẻ, hoặc thuốc giảm đau chống viêm không steroids, nhưng tránh dùng kéo dài.

- Paracetamol phối hợp với thuốc giảm đau không steroid  như ibuprofen...

Nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroids (NSAIDs): Có thể cân nhắc sử dụng nhóm thuốc này khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường paracetamol.

- Các dạng kinh điển của nhóm thuốc này (ức chế COX-1) như diclofenac, ibuprofen, naproxen… có tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa.

- Nhóm ức chế COX-2 (celecoxib, arcoxia) cần thận trọng với bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.

- Meloxicam (mobic) được cho là cân bằng hơn trong điều trị đau xương khớp trên bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, tiêu hóa.

Cần lưu ý tuyệt đối không phối hợp các thuốc trong nhóm NSAIDs vì không thay đổi tác dụng giảm đau kháng viêm mà chỉ tăng tác dụng phụ.

Nhóm các thuốc giảm đau thần kinh:

Gabapentin, pregabalin thường được dùng phối hợp điều trị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống có chèn ép rễ thần kinh. Thuốc thường được dùng trong các trường hợp bệnh nhân đau nhiều, mà dùng các thuốc giảm đau thông thường như paracetamol không đỡ.

Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Glucosamin sulphate, chondroitin, diacerein, ASU - các chất không xà phòng hóa từ quả bơ và đậu nành (piascledine)… Đây là nhóm thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng và cải thiện cấu trúc khớp, giảm tác động hủy hoại sụn khớp, ngăn ngừa thoái hóa sụn khớp và xương dưới sụn. Tuy nhiên, thuốc có hiệu quả giảm đau thấp, thời gian tác dụng chậm, thường phải sau dùng thuốc từ 3-6 tháng, nên trong giai đoạn đầu nếu đau nhiều phải phối hợp với các thuốc giảm đau khác.

Các thuốc hỗ trợ: Có thể dùng các thuốc giãn cơ:, vitamin nhóm B, bôi, xịt các thuốc giảm đau tại chỗ, các thuốc hỗ trợ cải thiện tuần hoàn máu não. Tiêm glucorticoid cạnh cột sống: Do bác sĩ chuyên khoa thực hiện tại cơ sở y tế khi bệnh nhân đau nhiều và dùng thuốc đường uống không còn hiệu quả.

Các biện pháp không dùng thuốc: Đối với bệnh thoái hoá đốt sống cổ, các biện pháp không dùng thuốc có vai trò cực kỳ quan trọng trong cả quá trình điều trị cũng như phòng ngừa bệnh. Tư thế cột sống cần phải đúng trong sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi; luyện tập thể dục thể thao đều đặn và đúng phương pháp; dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát cân nặng; sử dụng dụng cụ hỗ trợ (nẹp cổ); phối hợp điều trị vật lý trị liệu, y học cổ truyền…

Điều trị ngoại khoa: Thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm có chèn ép rễ thần kinh, tủy sống không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc có yếu liệt chi, teo cơ tiến triển, rối loạn cơ tròn cần tiến hành phẫu thuật.

Phòng bệnh

Những người làm việc với một tư thế cần phải thường xuyên đứng lên để đi lại và tập một vài động tác thay đổi tư thế. Có thể chạy bộ, đánh cầu lông, đạp xe… miễn là thích hợp cho mình. Nếu lái xe và người ngồi trên xe cần phải thắt dây an toàn, bởi vì những cơn xóc và va chạm đều có thể gây tổn hại đến đốt sống cổ.

Tập luyện cơ bắp vùng cổ để giúp cổ khỏe mạnh hơn. Bạn có thể đan chéo các ngón tay lại với nhau, đặt lên phía sau gáy, cố ưỡn đầu và cổ về phía sau, giữ tư thế này 5-10 giây, trở lại thư giãn rồi tiếp tục, làm khoảng 10-15 lần.

Tập luyện cơ vùng thắt lưng: nằm sấp trên giường, dùng vùng bụng làm điểm tựa, hai tay để xuôi úp theo thân người, hai chân để xuôi thẳng, căng sức, nâng hai chân lên càng cao càng tốt, động tác này có tác dụng tự kéo giãn đốt sống cổ, đốt sống ngực và đốt cột sống lên một trạng thái tốt nhất.

Về dinh dưỡng, cần bổ sung canxi cao như uống sữa bò, ăn các loại thịt, tôm cua cá, bổ sung vitamin, chất khoáng bằng việc ăn nhiều rau và trái cây chín.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh xương khớp khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY