Các món ăn được chế biến từ thịt, các loại bánh trái xuất hiện rất nhiều trên mâm cơm ngày Tết. Tuy nhiên, có những thực phẩm quan trọng lại được cho là “thứ cấp” ít người quan tâm.
Trưởng khoa Khám và Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia.
Đừng nghĩ rau là “thứ cấp”, làm kém sang mâm cơm Tết
Mâm cơm ngày Tết thường được các gia đình chuẩn bị rất chu đáo, đa số các món ăn được bày biện đều giàu chất đạm và chất béo. Theo đó, mâm cỗ Tết truyền thống gồm có các món: thịt gà, bánh chưng, giò - chả, nem rán, thịt đông (hoặc các món từ thịt lợn khác), món xào… và canh xương.
Có thể thấy, một mâm cơm truyền thống có nguồn rau xanh (chất xơ) rất ít, chỉ kết hợp ở bát canh và món xào. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Phó khoa Dinh dưỡng tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho rằng đây là thiếu sót rất lớn và nhiều người đang bỏ quên nguồn thực phẩm bổ sung vitamin, chất khoáng rất quý giá là rau xanh.
Mâm cơm truyền thống ngày tết có lượng rau vô cùng khiêm tốn. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Hưng, trước đây kinh tế khó khăn, chất đạm rất quý. Khi đời sống tốt hơn, chúng ta cần phải ăn cân bằng trong bữa ăn hàng ngày nói chung và mâm cơm Tết nói riêng.
Lượng chất đạm trong bữa ăn chỉ chiếm khoảng 15-20% tổng năng lượng hàng ngày nên chúng ta không thể nhịn cơm, bỏ rau để bù bằng thịt. Bởi ăn quá nhiều chất đạm sẽ khiến gan thận làm việc nhiều, gia tăng các bệnh liên quan đến chuyển hóa. Do vậy, tuyệt đối không ăn các chất đạm lấy no hay ăn thay cơm, thay rau.
Bác sĩ Hưng khuyên mọi người bữa nào cũng phải ăn rau, tối thiểu lượng rau khuyến nghị cho một người trưởng thành/bữa là từ nửa bát đến bằng miệng bát con. “Dịp Tết cũng đang vào vụ rất nhiều loại rau, chúng ta hoàn toàn có thể đa dạng cách chế biến để không có cảm giác chán. Tốt nhất nên làm các món trộn, món nộm, món luộc thay vì các món rán, xào vì các thực phẩm khác đã rất nhiều năng lượng, chất béo, dầu mỡ”, bác sĩ Hưng khuyên.
Rau có vai trò quan trọng, nhất là dịp tết khi chúng ta ăn nhiều đồ đạm. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Hưng phân tích rau có vai trò rất lớn trong việc cung cấp vitamin và chất xơ, nếu ăn không đủ sẽ gây cản trở việc hấp thu vitamin trên đường tiêu hóa. Đặc biệt, khi ăn nhiều chất đạm sẽ là gánh nặng cho đường tiêu hóa, gây ra tình trạng táo bón.
“Khi ăn nhiều chất đạm, thiếu rau chúng ta có thể cảm nhận được khí thải ra mùi rất khó chịu. Tốt nhất nên ăn rau trước sau đó ăn cơm, thức ăn. Vì ăn rau trước sẽ kiểm soát được cơn đói, giảm lượng chất đạm, tinh bột nạp vào”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Đừng quên cơm tẻ trong ngày tết
Một vấn đề liên quan đến chế độ ăn nhiều người hay làm sai trong dịp Tết đó là ăn bánh chưng và thực phẩm khác no nên bỏ qua cơm tẻ. Bác sĩ Hưng cho biết xét về thành phần, có thể ăn bánh chưng thay cơm hay thức ăn khác được, vì bánh chưng có đa dạng thực phẩm ở trong đó như chất đường bột, đạm, thực vật… chỉ hơi thiếu rau.
Tuy nhiên, điều cần đặc biệt lưu ý là số lượng và mỗi người có một khuyến cáo ăn khác nhau. Bác sĩ Hưng lấy ví dụ ở người trưởng thành, nhóm đường bột chiếm 50%. Như vậy nếu một người trưởng thành cần tổng 1600kcal/ngày, trong đó sẽ có 800kcal đến từ chất bột đường.
Đừng quên cơm tẻ trong những ngày tết. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Hưng, chất bột đường đơn giản, dễ kiếm nhất chính là từ cơm, gạo. Như vậy, 800kcal từ chất bột đường tương đương với 4 miệng bát cơm trắng. Hàng ngày, khi ăn sẽ chia số lượng sao cho cân đối. Ví dụ, sáng ăn 1 bát, trưa ăn 2 bát, tối ăn 1 bát. Trường hợp sáng không ăn cơm có thể thay bằng 1/8 chiếc bánh chưng. Trưa vẫn thích ăn bánh chưng thì ăn 1/4 chiếc bánh chưng cỡ trung bình sẽ đủ lượng tinh bột.
“Thực tế, cơm tẻ có thể ăn liên tục, còn bánh chưng ít ai có thể ăn hàng ngày. Hơn nữa, không nên ăn bánh chưng liên tục vì loại bánh này có thịt, có đỗ nếu ăn nhiều sẽ bị thừa chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Nếu thích, chỉ nên ăn bánh chưng thay cơm 1-2 bữa, khi ăn không nên rán.
Tóm lại, ngày Tết chúng ta đừng quên cơm tẻ. Cách ăn hợp lý ngày tết đó là phải cân bằng và đa dạng thực phẩm. Kiểm soát năng lượng đầu vào phù hợp với cơ thể mình”, bác sĩ Hưng tư vấn.
Tin liên quan
Do môi trường sống gần nguồn nước bẩn hoặc bùn đất mà nhiều loại rau củ dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi không được chế biến, bảo quản đúng...
Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe
Nhiều người luôn cố gắng dậy sớm mỗi ngày để tập luyện vì nghĩ như vậy tốt cho sức khỏe, vóc dáng và tuổi thọ. Sau khi thực hiện bài trắc nghiệm dưới đây, bạn có thể bất ngờ khi tìm ra đáp...