Gan là bộ phận vô cùng quan trọng đối với cơ thể nhưng nhiều người chủ quan không đi kiểm tra định kỳ hoặc ăn uống vô tội vạ khiến lá gan bị “đầu độc”.
PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan-Mật Hà Nội cho biết, lá gan có vai trò quan trọng, vừa giúp chuyển hóa, vừa góp phần thải độc tố ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người chưa quan tâm chăm sóc gan, thậm chí còn vô tình “đầu độc” gan bằng các thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày:
Dưới đây là một số thói quen khiến lá gan bị tổn thương nghiêm trọng:
Lạm dụng rượu bia
Theo PGS Ngọc, hiện nay, nhiều người trẻ đang coi thường sức khỏe, “đầu độc” lá gan, nhất là độ tuổi dưới 35. “Tôi từng tiếp nhận một nam bệnh nhân chưa đến 30 tuổi, gan bị tổn thương nghiêm trọng, men gan tăng gấp nhiều lần so với bình thường, da vàng, mắt vàng và phải nhập viện cấp cứu. Khi hỏi về thói quen sinh hoạt, bệnh nhân chia sẻ có thói quen uống 500-600ml rượu nặng mỗi ngày. Đây chính là nguyên nhân khiến gan của thanh niên bị phá nát”, bác sĩ Ngọc chia sẻ.
Tình trạng lạm dụng rượu bia còn được bác sĩ Ngọc đặc biệt cảnh báo trong mùa hè, khi nhiều người nghĩ rằng uống bia để giải khát, làm cơ thể mát hơn trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Thực tế, không có cơ sở khoa học nào chứng minh điều này, còn việc uống bia gây hại, nhất là cho gan thì đã được cảnh báo quá nhiều.
PGS Trịnh Thị Ngọc cho biết, ngoài tác nhân virus, thói quen ăn uống ảnh hưởng lớn đến lá gan. Ảnh: Lê Phương.
Dùng đồ ăn, vật dụng có nấm mốc
PGS Trịnh Thị Ngọc chia sẻ, đồ ăn hàng ngày cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lá gan nhưng nhiều người không để ý. Trong đó, những đồ ăn hay vật dụng bị mốc sẽ gây tổn thương gan rất nhanh và nghiêm trọng.
“Tôi vẫn chưa quên được vụ ngộ độc cách đây vài năm, khi một gia đình dân tộc ở vùng cao có tới 4 người tử vong sau khi ăn bột ngô bị mốc. Đây là sự việc rất đau lòng và tôi hy vong mọi người hãy nâng cao nhận thức trong quá trình sử dụng đồ ăn, để tránh những hệ lụy đau lòng”, bà Ngọc chia sẻ.
Không chỉ có các loại ngũ cốc, ngay cả những vật dụng hàng ngày như đũa, thớt cũng cần chú ý khi sử dụng. Đặc biệt, các loại thớt gỗ, đũa dùng một lần nguy cơ bị mốc rất cao, nếu sử dụng phải sẽ gây nguy hiểm. “Thực tế, đũa hay thớt mốc có thể không gây ngộ độc cấp tính như ăn các loại ngũ cốc mốc, nhưng nó tích tụ dần và sẽ ảnh hưởng về sau. Trong đó, gan là bộ phận đầu tiên bị sẽ bị tổn thương”, PGS Ngọc cảnh báo.
Các loại đũa dùng một lần không nên tận dụng vì nguy cơ bị nấm mốc rất cao. (Ảnh minh họa)
Chuộng thức ăn đường phố, đồ ăn nhanh
PGS Ngọc cho biết, xu thế hiện đại là dùng nhiều đồ ăn nhanh, thức ăn đường phố, nhất là ở giới trẻ. Các loại đồ ăn này nếu được chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì không gây độc hay ngộ độc ngay lập tức, nhưng dùng thường xuyên sẽ gây hại cho cơ thể.
Cụ thể, các loại đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên rán dùng nhiều sẽ gây nên tình trạng thừa cân, béo phì, nhất là ở trẻ nhỏ. Chính điều này sẽ gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ, rối loạn chuyển hóa và khiến gan bị tổn thương.
Do vậy, cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế đồ ăn nhanh, thức ăn đường phố. Thậm chí ngay bữa cơm gia đình cũng hạn chế đồ nhiều đạm, nên ăn cân đối các thực phẩm, đặc biệt tăng khẩu phần rau nhiều hơn sẽ tốt cho hệ tiêu hóa và cơ thể.
Viên gan do virus dễ gây xơ gan, từ đó dễ dẫn đến ung thư. (Ảnh minh họa)
Chủ quan với virus gây viêm gan
Virus viêm gan B,C rất nguy hiểm với lá gan, nó sẽ gây nên tình trạng viêm gan cấp, xơ gan và ung thư tế bào gan. Đáng nói, rất nhiều người đang chủ quan về vấn đề này, chỉ đi khám khi đã có triệu chứng nặng, khi đó thì đã quá muộn. Hay thói quen tự ý sử dụng thuốc cũng là nguyên nhân khiến gan bị ảnh hưởng nặng nề.
Bác sĩ Ngọc từng gặp trường hợp thanh niên 30 tuổi, đi khám sức khỏe định kỳ thì mới biết mình mắc viêm gan B. Khi kiểm tra kỹ lưỡng thì gan bệnh nhân đã bị tổn thương, có khối u trong gan. Rất may mắn trường hợp này được phát hiện sớm qua khám sức khỏe, nên sau đó đáp ứng điều trị tốt.
Từ những tư vấn trên, bác sĩ Ngọc khuyến cáo mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ bằng cách siêu âm ổ bụng (gan) và xét nghiệm để biết tình trạng của lá gan nói riêng và sức khỏe nói chung.
Ngoài ra, việc tiêm vắc xin phòng virus viêm gan cũng rất quan trọng để phòng bệnh. Bên cạnh đó, cần thay đổi lối sống như hạn chế rượu bia, hút thuốc, thực hiện chế độ ăn lành mạnh, thường xuyên tập thể dục.