Dậy thì trước 8 tuổi: Liệu có nên tiêm hormone ức chế dậy thì?

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 18/05/2022 14:18 PM (GMT+7)

Việc can thiệp với trẻ dậy thì sớm phải được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định, bố mẹ không nên vì quá lo lắng mà tự ý sử dụng thuốc ức chế dậy thì với con vì điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Con gái ngực to bất thường, mẹ mới vội vàng đưa đi khám

Hiện nay, vấn đề dậy thì sớm của trẻ nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bậc phụ huynh. Không ít bố mẹ khi thấy con lớn phổng phao đã lo lắng, cho đi khám rồi cho con sử dụng thuốc, tiêm hoóc môn ức chế dậy thì sớm. Theo các chuyên gia, điều này vô cùng nguy hiểm bởi nếu không có sự thăm khám kỹ lưỡng, việc dùng thuốc sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.

Tại Hội thảo về dậy thì sớm vừa được tổ chức tại TP.HCM, TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Phó trưởng Bộ môn Nhi (trường Đại học Y dược TP.HCM), trưởng khoa Thận-Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, đa số các bậc phụ huynh đều rất lo lắng khi con dậy thì sớm, tuy nhiên có một thực tế là trước đó nhiều bố mẹ lại không hề chú ý tới sự phát triển của con, không biết quá trình dậy thì bắt đầu từ khi nào.

Bác sĩ Quỳnh chia sẻ, trong nhiều năm khám bệnh, bác sĩ từng tiếp nhận một bé gái hơn 8 tuổi đến khám vì mẹ cho rằng trẻ dậy thì sớm khi thấy ngực con to bất thường. Sau khi khám, bác sĩ nhận thấy ngực của bé gái đã phát triển lớn hơn khá nhiều so với những bạn đồng trang lứa.

Rất nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm nhưng bố mẹ không hề hay biết. Ảnh tư liệu/Lê Phương.

Rất nhiều trường hợp trẻ dậy thì sớm nhưng bố mẹ không hề hay biết. Ảnh tư liệu/Lê Phương.

Tuy nhiên, khi được hỏi thời điểm con bắt đầu phát triển ngực thì mẹ không biết. Thậm chí khi hỏi chiều cao con tăng như thế nào thời gian gần đây, mẹ cũng không nhớ. “Người mẹ nói rằng không thường xuyên đo chiều cao cho con, trong sinh hoạt hàng ngày cháu cũng tự tắm nên mẹ không để ý. Chỉ một lần mẹ tình cờ phát hiện ngực con to hơn hẳn nên đưa đi khám”, bác sĩ Quỳnh chia sẻ.

Do con mới 8 tuổi đã dậy thì, người mẹ lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao sau này và muốn tiêm hoóc môn ức chế dậy thì cho con. Tuy nhiên, bác sĩ Quỳnh cho rằng, để xác định bé gái này có thực sự là dậy thì sớm hay không và có nên tiêm hay không thì cần thăm khám kỹ lưỡng, từ đó mới có thể kết luận và đưa ra chỉ định.

Thực tế những trường hợp như bé gái trên không phải hiếm gặp. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng không phải trường hợp trẻ nào cũng có chỉ định dùng thuốc, nhất là việc tiêm hoóc môn ức chế dậy thì sớm. Hơn nữa, trong quá trình chăm sóc trẻ, bố mẹ cần quan sát kỹ lưỡng sự phát triển về chiều cao, cân nặng cũng như sự thay đổi đặc tính sinh dục của con, từ đó để đưa đi khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Không phải cứ dậy thì trước 8 tuổi là tiêm hóc môn

TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, hiện nay đối với trẻ nữ, các dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu từ 8 tuổi, còn trẻ nam là 9 tuổi. Trường hợp xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi này sẽ được coi là dậy thì sớm. Ngược lại, nếu nữ sau 13 tuổi, nam sau 14 tuổi mà chưa dậy thì thì sẽ được coi là muộn.

Việc tiêm hóc môn cho trẻ phải hết sức cân nhắc, có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Ảnh minh họa.

Việc tiêm hóc môn cho trẻ phải hết sức cân nhắc, có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ. Ảnh minh họa.

Một vấn đề rất nhiều phụ huynh quan tâm là khi nào cần tiêm hóc môn ức chế dậy thì cho trẻ? TS Phương Thảo khẳng định, việc tiêm hoóc môn ức chế dậy thì sớm phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, bố mẹ tuyệt đối không tự ý cho thực hiện vì điều này là vô cùng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Thảo, đối với những trẻ có hiện tượng dậy thì sớm trung ương, cụ thể là trẻ nữ dưới 6 tuổi và trẻ nam trước 9 tuổi, thì nên tiêm hoóc môn để ức chế dậy thì. Theo đó, dậy thì sớm trung ương là do sự trưởng thành của trục hạ đồi tuyến yên gây tăng tiết hoóc môn sinh dục của tuyến yên, kích thích tuyến sinh dục phát triển.

Các biểu hiện của dậy thì bao gồm:

- Tuyến vú bắt đầu phát triển ở trẻ gái và tăng kích thước thể tích tinh hoàn ở trẻ trai.

- Tăng nhanh vọt của chiều cao, có lông mu, lông nách, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, mùi cơ thể.

Bác sĩ Thảo lấy ví dụ về trường hợp bé gái trước 6 tuổi bị dậy thì sớm trung ương, nếu tiêm hoóc môn ức chế dậy thì sớm, về ngắn hạn sẽ ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ, từ đó giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng cùng bạn bè, tránh bị xâm hại tình dục.

Về lâu dài, việc tiêm hoóc môn sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao tốt hơn. Nếu không tiêm thì xương trẻ sẽ bị ảnh hưởng, cụ thể là tuổi xương phát triển trước tuổi thực của trẻ.

Có nhiều trường hợp khi bé gái dậy thì sớm, từ 6 đến 8 tuổi, thậm chí là trên 8 tuổi, bố mẹ mong muốn được tiêm hoóc môn ức chế, tuy nhiên bác sĩ Thảo cho rằng, với những trẻ này thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, thăm khám kỹ lưỡng bác sĩ sẽ có chỉ định nên tiêm hay không. Bởi việc điều trị có chăng chỉ giúp giải quyết vấn đề ngắn hạn như kìm hãm sự phát triển đặc tính sinh dục phụ, làm chậm thời gian phát triển tuyến vú, lông mu, còn về mặt cải thiện chiều cao thì không còn nhiều cơ hội, thậm chí không có.

Tóm lại, việc quyết định tiêm hoóc môn ức chế dậy thì cho trẻ hay không sẽ phụ thuộc vào tuổi của trẻ tại thời điểm chẩn đoán, cũng như dự đoán chiều cao lúc trưởng thành. Đây là yếu tố quan trọng nhất để quyết định điều trị. “Ví dụ một bé gái dậy thì trước 6 tuổi, nếu không điều trị bằng cách tiêm hoóc môn ức chế dậy thì thì sau này sẽ chỉ cao 1,50m. Nhưng nếu điều trị thì cháu có thể cao thêm được 9 đến 10cm nữa”, bác sĩ Thảo dẫn chứng.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng như gia đình cũng sẽ phải trao đổi về những ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ, cũng như nguy cơ và lợi ích khi tiêm hóc môn, từ đó gia đình sẽ là người quyết định có điều trị cho trẻ hay không.

Sở dĩ việc tiêm hóc môn ức chế dậy thì cần phải được cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình là vì khi tiêm vào cơ thể chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Chẳng hạn, trẻ phải chịu đau khi tiêm, có sự thay đổi nội tiết, các tác dụng phụ dù ít nhưng vẫn có thể xảy ra như đau đầu, bốc hỏa, nguy cơ nhiễm trùng chỗ tiêm… Ngoài ra còn liên quan tới vấn đề thời gian, kinh phí... khi điều trị cho từng trường hợp cụ thể.

Bé gái Sài Gòn 16 tháng tuổi đã dậy thì, nguyên nhân bất ngờ đến từ người mẹ khiến ai cũng choáng váng
Sau khi thấy con bị xuất huyết âm đạo, gia đình đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám, tại đây bệnh nhi đã được hội chẩn và chấn đoán bị dậy thì sớm.

Trẻ dậy thì

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư vấn sức khỏe trẻ em