Khi thấy con đau bụng, ngực phát triển, ông bố đơn thân đã cầu cứu bác sĩ vì sợ con có kinh nguyệt. Tuy nhiên, dưới góc nhìn y học, TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị Thành niên lại có nhận định khác.
Chào bác sĩ! Con gái tôi năm nay 11 tuổi, cháu bắt đầu có hiện tượng của tuổi dậy thì. Biểu hiện rõ nhất là vòng ngực bắt đầu phát triển. Hai tháng gần đây cháu kêu đau bụng dưới, tôi nghĩ là bị giun sán nên đã cho uống thuốc tẩy giun. Nhưng mới đây cháu lại kêu đau, tôi tìm hiểu thì đó có thể là vòng chu kỳ kinh nguyệt.
Do hoàn cảnh gia đình, chỉ có 3 bố con đi thuê nhà ở với nhau, tôi đi làm công nhân cả ngày. Tối về bố con cũng ít tâm sự với nhau, khi cháu kêu đau bụng như vậy, tôi cũng có hỏi cháu vài điều nhưng cháu nói không ra máu.
Thật sự tôi rất lo lắng vì mình là đàn ông, không thành thạo những việc này. Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi biểu hiện trước khi cháu có kinh nguyệt như thế nào? Khi cháu có kinh thật thì tôi phải làm gì?
Vấn đề của cháu trước hết bạn phải đưa cháu đi khám, vì trẻ đau bụng nhưng chưa có hiện tượng ra máu kinh thì chưa thể nhận định cháu đang ở trong chu kỳ kinh nguyệt.
Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu có tính chất chu kỳ hàng tháng từ tử cung ra ngoài do bong niêm mạc tử cung dưới ảnh hưởng của các hormon sinh dục. Một số trẻ trước khi hành kinh có thể đau bụng kinh do sự co bóp của tử cung. Do vậy, con bạn nếu chỉ đau bụng không có hiện tượng ra máu kinh thì cần phải đến khám, kiểm tra do nguyên nhân đau bụng khác.
Tuổi trung bình có kinh nguyệt lần đầu từ 12,5 đến 13,5. Cũng có thể có trường hợp trẻ có kinh nguyệt sớm hơn hoặc muộn hơn độ tuổi trung bình như đã nói trên, ở trong khoảng 10,5 đến 15 tuổi. Nếu có kinh trước 10 tuổi thì được coi là sớm và sau 15 tuổi chưa có kinh thì được coi là muộn và phải đi khám.
Thông thường trước khi có kinh nguyệt lần đầu, trẻ sẽ có các dấu hiệu dậy thì như ngực phát triển, có lông sinh dục…
Khi trẻ bị đau bụng nhưng chưa xuất hiện ra máu kinh thì nguyên nhân chưa chắc liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
Khi trẻ hành kinh cần vệ sinh cẩn thận để tránh viêm nhiễm. Ví dụ như chọn quần chíp chất conton, thay quần chíp hàng ngày, thay băng vệ sinh 3-4h/lần, kể cả khi không ra máu nhiều.
Phụ huynh cần lập sổ theo dõi để biết chu kỳ kinh thế nào, có gì bất thường kịp thời đi khám.
Đảm bảo dinh dưỡng tốt trong những ngày hành kinh như ăn các loại thịt có màu đỏ (thịt bò, thịt lợn) hoặc các loại rau sẫm màu như cần tây, rau đay, rau dền, rau ngót, rau cải xanh….Tránh đồ ăn, uống có chất kích thích như cà phê, thực phẩm cay nóng…