Nhiều người mua quả đẹp về trưng Tết và băn khoăn liệu chơi xong có ăn được không? PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia Công nghệ sinh học và Thực phẩm sẽ giải đáp về vấn đề này.
Cuối năm, có rất nhiều loại quả quen thuộc như quất, bưởi, cam, quýt... được bán để làm cây trang trí và trưng bày trong Tết. Về hình thức, các loại quả này đều rất đẹp mắt, thậm chí còn được tạo hình thành thỏi vàng, hồ lô hoặc ghép nhiều loại quả trên một cây.
Tuy nhiên, tôi có một thắc mắc rất mong nhận được sự giải đáp của chuyên gia, đó là những loại quả này sau khi trưng Tết xong có ăn được không? Nếu sợ không đảm bảo mà vứt bỏ quả, không ăn thì tôi sợ lại bị mất tài lộc.
Xin cảm ơn!
Các loại quả như bưởi, cam, quýt… sau khi trưng Tết, nếu trước đó được trồng và chăm sóc đảm bảo chất lượng, không có hóa chất bảo quản, chất kích thích và đặc biệt chất lượng quả tốt thì hoàn toàn có thể ăn được. Bởi mỗi loại quả đều có những tác dụng, giá trị riêng và thực tế hàng ngày chúng ta vẫn sử dụng thường xuyên.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng, với những cây trưng Tết, mục đích của chúng là để làm cảnh, làm đẹp và để ngắm nên nhà vườn sẽ sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc chống rụng quả… Các loại thuốc này thậm chí được sử dụng liên tục nhằm làm quả tươi và để được lâu nhất có thể. Vì thế, các loại quả không còn an toàn để làm thực phẩm. Đó là chưa kể, chất lượng quả cũng sẽ không ngon, ví dụ như bưởi dù nhìn ngoài rất đẹp nhưng khi ăn có thể sẽ khô, đắng…
Tôi cho rằng, việc bảo vệ sức khỏe của bản thân là quan trọng nhất, trong khi giá trị của những quả bưởi dù có khắc chữ Tài - Lộc thì chơi xong Tết những quả đó cũng đã hết giá trị. Việc vì để có được tài lộc mà cố ăn vào, nếu không may bị ngộc độc đi cấp cứu ngay đầu năm thì còn "mất lộc" hơn.
Những loại quả có mẫu mã bắt mắt thường có giá trị trưng bày, trang trí là chính. Ảnh minh họa.
Ngoài ra, các gia đình khi mua các loại cây như bưởi về trưng Tết cũng cần lưu ý đến trẻ nhỏ bởi các hóa chất, chất kích thích giúp quả tươi lâu, không rụng có thể bám nhiều ở bề mặt, nếu trẻ thích thú sờ tay vào, sau đó đưa lên mắt mũi miệng thì rất nguy hiểm.
Tóm lại, chúng ta không nên vì tiếc của hay tiết kiệm mà sử dụng các loại quả này. Không chỉ tránh ăn trực tiếp, ngay việc dùng làm thuốc đông y, dùng đun nước hay làm tinh dầu để xông cũng không nên. Nếu quả có hóa chất, dù làm cách nào, dưới tác động của nhiệt cũng sẽ không làm mất hoàn toàn các chất có thể gây độc hại được.
|