Cô gái ở Đà Nẵng hay làm một việc khiến bị mang tiếng "chảnh", nào ngờ mắc căn bệnh âm thầm hủy hoại nhiều người

DIỆU THUẦN - Ngày 16/12/2023 11:37 AM (GMT+7)

Sau khi chia tay và gặp áp lực trong công việc, chị Tuyết Nhung chỉ biết nhốt mình trong nhà, ai hẹn gặp cũng viện lý do từ chối khiến nhiều người hiểu lầm chị "chảnh".

Bị nhiều người nói là "chảnh", "ích kỷ"

Chị Hoàng Tuyết Nhung (30 tuổi, quê Đà Nẵng), hiện là kế toán một công ty tại TP.HCM. Trước đây, chị từng có mối tình 3 năm với một người học chung trường đại học, hơn 2 tuổi. Do xác định sẽ kết hôn nên hai người thuê phòng trọ sống chung và nhiều lần vượt quá giới hạn. 

Cuối năm 2021, công ty thực hiện kế hoạch cắt giảm nhân sự khiến công việc của chị nhiều và áp lực hơn. Dù vậy, bạn trai nghi ngờ chị đi sớm về muộn là đang hẹn hò người khác. Dù chị cố gắng giải thích, anh vẫn cứ ghen tuông, có những lời miệt thị, khiến cả hai phải chia tay.

Vừa bị bạn trai chia tay vừa áp lực trong công việc khiến chị Tuyết Nhung luôn sống trong lo sợ. Ảnh minh họa.

Vừa bị bạn trai chia tay vừa áp lực trong công việc khiến chị Tuyết Nhung luôn sống trong lo sợ. Ảnh minh họa.

Do từng một lần phải nạo phá thai ngoài ý muốn, vì vậy, khi chia tay, chị Tuyết Nhung sợ sẽ khó yêu lại và mang thai lần nữa. Cùng với đó là khoảng thời gian phải làm việc trong nỗi lo bị mất việc sẽ không có thu nhập khiến chị liên tục bị mất ngủ, chán ăn, giảm cân, luôn mệt mỏi và lúc nào cũng thấy bất an.

Điều đặc biệt, chị chỉ biết đi làm, hết giờ là nhốt mình trong phòng, bạn bè, người quen, các đồng nghiệp mời đi ăn, đám cưới, sinh nhật... chị cũng viện lý do để từ chối. Cũng vì vậy, chị bị nhiều người bóng gió nói là "chảnh chọe", ích kỷ, sống không hòa đồng. "Tìm lý do từ chối các lời mời xong, tôi lại thấy lạc lõng, bế tắc, có đôi lần nghĩ đến việc làm sao biến mất hoàn toàn", chị Tuyết Nhung nhớ lại. 

Chị Tuyết Nhung cho biết, ban đầu chị chỉ cho rằng, các biểu hiện trên của mình là bình thường của một người đang thất tình và gặp mệt mỏi trong công việc. Khi về quê ăn Tết năm 2023 với bố mẹ, chị được khuyên nên đi khám tại một bệnh viện chuyên về tâm lý ở Đà Nẵng.

Từ các kết quả xét nghiệm và các triệu chứng, các bác sĩ chẩn đoán chị Tuyết Nhung bị suy nhược thần kinh dẫn đến rối loạn lo âu. “Tôi được điều trị bằng thuốc bổ thần kinh, tập suy nghĩ nhẹ nhàng và thiền”, chị Tuyết Nhung chia sẻ.

Ngoài ra, Tuyết Nhung cũng dọn đến sống chung với một người bạn làm cùng công ty, thường xuyên gặp gỡ bạn bè và đăng ký tập yoga tại một trung tâm gần chỗ ở. Sau hơn một năm kiên trì điều trị, các triệu chứng bệnh của chị cũng dần hết, cuộc sống của chị đã “dễ thở” hơn. Hơn nữa, chị cũng đã có người bạn trai là người ngoại quốc và đang hoàn thành các thủ tục để cùng nhau đi đăng ký kết hôn.

Mới đây, chị Nhung đã chia sẻ căn bệnh mình từng mắc lên hội nhóm liên quan đến bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu và nhận được đồng cảm của nhiều thành viên khác, trong đó có không ít nhân viên văn phòng. Họ cho biết mình mắc rối loạn lo âu là do áp lực công việc và cuộc sống. Sau khi được uống thuốc và được bác sĩ tư vấn tâm lý, các biểu hiện bệnh của họ cũng dần hết.

“Rối loạn lo âu phải điều trị kiên trì, có khỏi hoàn toàn hay không phụ thuộc rất nhiều vào lối sống”, một thành viên trong nhóm để lại bình luận.

Theo các bác sĩ, người mắc rối loạn lo âu cần đi khám sớm để được điều trị sớm. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, người mắc rối loạn lo âu cần đi khám sớm để được điều trị sớm. Ảnh minh họa.

Ngày càng nhiều người mắc rối loạn lo âu nhưng dễ nhầm thành bệnh khác

Theo BS.CKII Trần Minh Khuyên, Khoa Tâm thể, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, rối loạn lo âu là tình trạng căng thẳng mãn tính, không thể kiểm soát đến mức trở thành gánh nặng cản trở sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người bệnh. Người mắc căn bệnh này thường có nỗi sợ với các tình huống không thể trốn thoát như: bị mắc kẹt, cảm giác bơ vơ, lạc lõng, sự bất lực, sự xấu hổ. Chính vì vậy, họ thường sợ ra khỏi nhà, sợ phải ở một mình, sợ đám đông, sợ đi tàu xe, di du lịch một mình hay đến nơi công cộng…

Theo Hiệp hội Lo lắng và Trầm cảm Mỹ (ADAA), khoảng 19% người trưởng thành ở Mỹ mắc chứng rối loạn lo âu Trong đó hơn 60% không được điều trị để giúp kiểm soát các triệu chứng.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có khoảng gần 15 triệu người bị rối loạn tâm thần, trong đó số người bị trầm cảm, rối loạn lo âu chiếm 5-6% dân số.

Ths.BS Đàm Văn Đức, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết hiện nay, ngày càng nhiều người mắc rối loạn lo âu hơn do gặp áp lực trong công việc và cuộc sống hay đổ vỡ tình cảm hoặc sợ mắc một căn bệnh nào đó... Tuy nhiên, bệnh nhân mắc rối loạn lo âu thường có rất nhiều triệu chứng về cơ thể như: Hồi hộp, bồn chồn, trào ngược dạ dày, run tay, tiểu nhiều, mất ngủ… làm họ không biết điều trị tại chuyên khoa nào cho đúng, hoặc đi khám rất nhiều chuyên khoa khác nhau: tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, thần kinh mà không cải thiện được tình hình.

“Lo lắng là một phần bình thường của cuộc sống. Tuy nhiên, những người bị rối loạn lo âu thường xuyên lo lắng và sợ hãi quá mức, dai dẳng về các tình huống hằng ngày, dần dữ dội hơn và lặp đi lặp lại. Những điều này gây cản trở các hoạt động hàng ngày, khó kiểm soát cho người mắc, khiến họ tránh né những tình huống hoặc các địa điểm dễ gây cảm giác lo âu cho mình”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Thường xuyên tập thể dục cũng là một cách hạn chế mắc rối loạn lo âu. Ảnh minh họa.

Thường xuyên tập thể dục cũng là một cách hạn chế mắc rối loạn lo âu. Ảnh minh họa.

Theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, rối loạn lo âu có thể cản trở rất nhiều hoạt động hàng ngày của một người. Nếu không được điều trị, họ có thể sẽ không dám ra khỏi nhà, thậm chí là không dám giao tiếp với ai và cô lập bản thân, nặng hơn thì có thể dẫn đến các chứng rối loạn lo âu khác và rối loạn nhân cách.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo khi gặp các dấu hiệu trên, chúng ta cần đi khám ở các cơ sở y tế uy tín, chuyên khoa tâm thần để được chẩn đoán đúng bệnh, điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng hơn.

Ngoài ra, để hạn chế mắc rối loạn lo âu, chúng ta có thể làm tốt các điều sau:

- Có chế độ ăn nhiều rau xanh, trái cây, cá, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

- Có thể bổ sung men vi sinh và ăn thực phẩm lên men giúp cải thiện sức khỏe tâm thần.

- Hạn chế uống cà phê vì chất cafein có trong cà phê có thể làm tăng sự lo âu.

- Kiêng rượu vì rượu và rối loạn lo âu có liên quan đến nhau.

- Bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe tâm thần.

- Tập thể dục thường xuyên giúp tăng sức đề kháng và nâng cao tinh thần. Đặc biệt yoga và thiền rất tốt cho người dễ bị lo lắng. 

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Người phụ nữ gặp vấn đề nhạy cảm do khi bị áp lực công việc
Tình trạng khô hạn "vùng kín" của phụ nữ đôi khi có thể không phải do bệnh lý mà do vấn đề tâm lý gây ra.

Bệnh phụ nữ

Theo DIỆU THUẦN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Rối loạn lo âu xã hội