TP HCM - Người đàn ông 45 tuổi phải điều trị rối loạn lo âu, mất ham muốn tình dục và không còn khả năng cương sau hơn một năm bị vợ "cấm túc", kiểm soát, trách móc hàng ngày.
Vợ anh đang điều trị u xơ tử cung nên không muốn "gần gũi" chồng. Lo sợ chồng "ra ngoài" giải quyết nhu cầu, chị thường xuyên chì chiết, cằn nhằn, hăm dọa để ngăn cấm. Chị kiểm soát điện thoại, can thiệp vào các mối quan hệ công việc. Anh cho biết "không làm gì có lỗi với vợ", bị kiểm soát gắt gao khiến anh rất mệt mỏi tinh thần, cuộc sống "không khác gì địa ngục".
Tình trạng này kéo dài chừng một năm, anh ngày càng ức chế, rối loạn lo âu phải điều trị ở khoa tâm thần. Đến nay, tình trạng rối loạn lo âu đã ổn nhưng anh lại mất ham muốn tình dục và không còn khả năng cương.
Ngày 29/5, TS.BS.CK2 Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, cho biết bên cạnh điều trị bằng thuốc cho người chồng, bác sĩ phải tư vấn, trị liệu tâm lý cho người vợ về căng thẳng kéo dài trong chuyện chăn gối để cả hai cùng nhau giải tỏa và hòa hợp trở lại.
Thống kê cho thấy trong các nguyên nhân gây rối loạn chức năng tình dục đến 30-40% do tâm lý. Trong đó, căng thẳng kéo dài do bạo hành tâm lý từ gia đình đang có khuynh hướng gia tăng.
"Bạo hành tình dục không chỉ đơn thuần bằng hành động, mà có thể qua lời nói, thái độ của người vợ khiến cho chồng càng tự ti, lo âu, thậm chí trầm cảm", bác sĩ Duy cho biết.
Tổ chức Bạo lực gia đình Quốc gia Mỹ định nghĩa lạm dụng hoặc bạo lực là "kiểu hành vi được một người sử dụng để duy trì quyền lực và sự kiểm soát đối với người bạn đời hoặc người yêu". Như vậy, việc lạm dụng không phân biệt giới tính. Nam và nữ đều có thể sử dụng nó như một thứ vũ khí với đối tác của mình trong mối quan hệ tình cảm.
Bác sĩ Duy tư vấn cho một đôi vợ chồng về những vấn đề tâm lý gia đình. Ảnh: Lâm Anh
Bác sĩ Duy cũng đang điều trị cho người đàn ông 32 tuổi, ngụ Long An, bị rối loạn chức năng tình dục do áp lực sinh con sau thời gian hiếm muộn. Vợ anh, lớn hơn chồng 6 tuổi, hàng ngày trách móc "lỗi tại chồng" chứ không phải "lỗi tại vợ". Chị không chịu đi khám hiếm muộn, trong khi bản thân đã lớn tuổi. Anh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài vì mỗi ngày vợ cứ ép đi khám chỗ này chỗ khác để "bồi bổ tinh trùng".
Dần dần, anh mất ham muốn tình dục, phải đến bác sĩ nam khoa. Kết quả kiểm tra nội tiết sinh dục và sức khỏe sinh sản, kết quả tinh dịch đồ của anh tốt. Bác sĩ nhận định căng thẳng kéo dài khiến anh mất ham muốn tình dục, cảm giác "sợ". Trường hợp này, bác sĩ phải điều trị cho người chồng và tư vấn cho cả người vợ. Bác sĩ khuyên người vợ nên đi kiểm tra khả năng sinh sản để cả hai cùng có giải pháp tốt nhất.
Theo báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, nam giới Việt Nam bị bạo lực gia đình ngày càng tăng. Trong gần 3.200 nạn nhân của bạo lực gia đình thì nam chiếm 17,7% trong khi năm 2022 là 12,27%. Bạo lực gia đình tác động tiêu cực đến đời sống của nạn nhân cả về thể chất lẫn tinh thần. Nam giới thường bị trầm cảm, tăng huyết áp, tự ti, mất ngủ, chấn thương, căng thẳng sau sang chấn, thậm chí nghĩ đến việc tự sát...
Bác sĩ khuyến cáo để tránh bạo lực tâm lý, vợ chồng cần ngồi nói chuyện, giải quyết các khúc mắc trên cơ sở tôn trọng, thấu hiểu nhau. Nếu không hòa hợp hay bất đồng trong tình dục, hai vợ chồng nên gặp chuyên gia y học giới tính và tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.